Những ngành đào tạo giáo viên

Nghề giáo là nghề cao quý, góp phần tham gia vào sự nghiệp nuôi dưỡng đạo đức và tri thức cho con người. Tuy nhiên, để trở thành một nhà giáo trong tương lai và mong muốn dấn thân vào sự nghiệp “trồng người”, người học cần lưu ý những ngành học nào.

Dựa vào kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong phạm vi hoạt động nghề nghiệp, nhóm ngành đào tạo giáo viên có những ngành học cụ thể như sau.

Giáo dục mầm non

Ngành Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi.

Giáo dục mầm non nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một.

Ngành giáo dục mầm non thường được các trường tuyển sinh theo tổ hợp M gồm 3 môn: Toán học, Ngữ văn và Năng khiếu. Môn năng khiếu có các hình thức thi như: hát, kể chuyện, đọc diễn cảm.

Giáo dục tiểu học

Ngành Giáo dục tiểu học nhằm hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, năng lực của học sinh; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học trung học cơ sở.

Các trường đại học và cao đẳng có đào tạo ngành giáo dục tiểu học xét tuyển tổ hợp môn tập trung chủ yếu ở các khối A, C, D. Ví dụ, năm 2023, trường ĐH Sư phạm TP.HCM xét tuyển ngành Giáo dục tiểu học theo tổ hợp A00, A01, D01. Trong khi đó, trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế xét tuyển tổ hợp C00, D01, D08, D10.

Giáo dục đặc biệt

Ngành Giáo dục đặc biệt đào tạo người học có đủ năng lực để giáo dục trẻ em và học sinh theo định hướng chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt và các cơ sở giáo dục hòa nhập bậc mầm non, tiểu học, một số cơ sở giáo dục tương đương,... 

Đây là ngành học đặc thù nên không nhiều cơ sở giáo dục đại học đào tạo. Hiện nay, một số trường đại học có đào tạo như trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trường ĐH Thủ Đô Hà Nội. Các tổ hợp xét tuyển phổ biến là C00, D01.

Giáo dục Quốc phòng An ninh

Ngành Giáo dục Quốc phòng An ninh là ngành đào tạo chuyên sâu về kiến thức và kỹ năng liên quan đến quốc phòng, an ninh, đạo đức, pháp luật, cùng các kỹ năng quản lý, tổ chức, lãnh đạo và giảng dạy. Cụ thể, người học có hiểu biết cơ bản về đường lối quân sự, công tác quốc phòng an ninh của Đảng & Nhà nước. Ngoài ra, người học sẽ hiểu biết sâu sắc về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, lực lượng vụ trang nhân dân và có kỹ năng quân sự, an ninh cần thiết.

Sau khi học ngành Giáo dục Quốc phòng An ninh, người học có thể trở thành giáo viên dạy môn Giáo dục Quốc phòng & An ninh ở các trường THPT, trung cấp nghề, cao đẳng nghề. Hoặc trở thành giảng viên dạy môn Giáo dục Quốc phòng & An ninh tại các cơ sở đại học, cao đẳng, các trung tâm Giáo dục Quốc phòng & An ninh; Chuyên viên công tác quân sự, quốc phòng địa phương; Chuyên viên ở các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể; Chuyên viên ở các trung tâm Giáo dục Quốc phòng & An ninh.

Giáo dục Chính trị

Ngành Giáo dục Chính trị đào tạo giáo viên trình độ cử nhân khoa học dạy môn Giáo dục kinh tế và pháp luật ở các trường THPT, các môn Giáo dục chính trị, Giáo dục pháp luật ở các trường trung học nghề và các cơ sở giáo dục tương đương.

Các trường đào tạo ngành Giáo dục Chính tr thường xét tuyển các tổ hợp môn như C00, C19, C20, D01, D66.

Người học ngành này có khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp, nghiên cứu ở các bậc học cao hơn thuộc các chuyên ngành: Triết học, Kinh tế chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Lí luận và phương pháp dạy học các môn lí luận chính trị,…

Giáo dục Công dân

Ngành Giáo dục Công dân đào tạo cử nhân có kiến thức chuyên sâu về xã hội, kinh tế, pháp luật và hệ thống chính trị nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Người học ngành này có thể đảm nhận vai trò Giáo viên dạy học môn Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị, nghiên cứu viên lĩnh vực khoa học chính trị.

Các trường đào tạo ngành Giáo dục Công dân hiện nay là trường ĐH Cần Thơ, trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, trường ĐH Thủ Đô Hà Nội,…

Giáo dục thể chất

Ngành Giáo dục thể chất đào tạo giáo viên giảng dạy môn Giáo dục thể chất ở các trường tiểu học, THCS, THPT, CĐ và trung học nghề. Ngoài ra, ngành còn đào tạo người học có khả năng đảm nhận vai trò là huấn luyện viên đội tuyển Thể dục thể thao ở các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến cao đẳng; Cán bộ phụ trách công tác Thể dục thể thao trong các cơ quan quản lý Nhà nước hoặc cơ quan quản lý xã hội về Thể dục thể thao; Huấn luyện thể lực ở các phòng tập, câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe.

Các trường đào tạo ngành Giáo dục Thể chất thường xét tuyển tổ hợp môn T, M và các tổ hợp mở rộng của hai khối này như T01, T02, T06, M08,…

Các ngành sư phạm chuyên ngành

Tại các cấp học cao hơn, thường một giáo viên chỉ chuyên giảng dạy 1-2 môn học. Do đó, bên cạnh ngành Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học, các trường đào tạo sư phạm còn có các ngành sư phạm chuyên ngành. Ví dụ sư phạm Toán học, sư phạm Ngữ văn, sư phạm tiếng Anh, sư phạm Hóa học, sư phạm Tin học,…với tổ hợp xét tuyển đa dạng, tùy vào sự phù hợp của mỗi chuyên ngành.

Kỹ năng cần có khi học ngành sư phạm

Ngành nghề nào cũng yêu cầu những phẩm chất, kỹ năng cần thiết để đảm bảo thực hiện tốt nhất nhiệm vụ, yêu cầu của ngành nghề đó. Đặc biệt, đối với ngành sư phạm, nghề giáo cần có nhiều kỹ năng và phẩm chất chung quan trọng. Cụ thể:

  • Khả năng truyền đạt tốt về cả 2 phương diện: nói và viết. Kỹ năng này giúp người nghe hiểu được những nội dung truyền đạt. Nếu thầy cô giáo không có kỹ năng truyền đạt tốt, dễ hiểu thì học sinh rất khó để theo dõi và hiểu rõ bài học.
  • Có sự nhẫn nại, kiên trì. Giáo dục là một quá trình lâu dài và tốn nhiều công sức, vì vậy muốn theo đuổi ngành sư phạm, người học cần có tính nhẫn nại, kiên trì.
  • Có thể hiểu và nắm bắt tâm lý người khác.
  • Là người giàu lòng yêu thương, bao dung, vị tha.
  • Có tinh thần ham học hỏi. Các thầy cô giáo cần tích cực học hỏi, trau dồi nâng cao chuyên môn để chất lượng giảng dạy ngày càng nâng cao, bắt kịp nhu cầu xã hội.

Tiêu chuẩn nhà giáo

Theo Luật Giáo dục, nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục. Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, các cơ sở giáo dục khác, giảng dạy trình độ sơ cấp, trung cấp gọi là giáo viên. Nhà giáo giảng dạy từ trình độ cao đẳng trở lên gọi là giảng viên.

Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh. Để trở thành một nhà giáo, hệ thống giáo dục quốc dân đòi hỏi người thầy cần đáp ứng các tiêu chuẩn như: có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt; đáp ứng chuẩn nghề nghiệp theo vị trí việc làm; có kỹ năng cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; bảo đảm sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp.

Về đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo, trình độ chuẩn của nhà giáo được quy định rõ. “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ; trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp”.

Tử Lăng (Tổng hợp) 

Tin cùng chuyên mục

Logistics là ngành học không quá mới mẻ nhưng luôn có sức hút đặc biệt với sinh viên bởi khả năng tìm kiếm việc làm và mức lương hấp dẫn sau khi ra trường.
Luôn nằm trong nhóm ngành có tỷ lệ thí sinh nhập học cao, việc làm với mức lương hấp dẫn, sinh viên tự tin khi mới ra trường… là những minh chứng thể hiện sức hấp dẫn của ngành ngôn ngữ.
Tại mùa tuyển sinh năm 2024, việc chọn ngành như thế nào để hạn chế tình trạng làm trái ngành, trái nghề sau khi ra trường tiếp tục là băn khoăn của thí sinh, phụ huynh. Các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên để các em có thể học một ngành nhưng làm được nhiều nghề.
Mặc dù kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chưa bắt đầu nhưng thời điểm này, thí sinh đã có thể đăng ký xét tuyển ĐH tại nhiều trường, trong đó có phương thức xét tuyển sớm.
Theo các nhà quản lý trong lĩnh vực GD-ĐT, hiện nay là thời điểm quan trọng để học sinh xác định các thông tin, cách làm cụ thể cho quá trình đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ.
Mục tiêu chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT và tiêu chí xét tuyển ĐH-CĐ. Hiện tại là thời điểm học sinh hoàn thành chương trình học THPT, chuẩn bị hành trang cần thiết, đầy đủ về mặt kiến thức, phương pháp tổ chức thực hiện để tham gia kỳ thi THPT diễn ra vào tháng 6-2024.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề