Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã chia sẻ một câu có ý nghĩa rất sâu sắc: 'Thầy cô hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới'. Giáo viên thật sự hạnh phúc mới có trường học hạnh phúc và các thế hệ học trò hạnh phúc, xây dựng quốc gia hạnh phúc.
Bí quyết của quốc gia hạnh phúc
Theo báo cáo Hạnh phúc thế giới 2023, Phần Lan - "xứ sở nghìn hồ" một năm hơn 200 ngày u ám không có ánh nắng mặt trời, nhiều lúc nhiệt độ xuống -20 độ C lại là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới!
Khái niệm về quốc gia hạnh phúc được Quốc vương Bhutan đưa ra từ 1972 theo triết lý Phật giáo về hạnh phúc và dựa trên 4 tiêu chuẩn: tự túc về kinh tế, môi trường trong sạch, bảo tồn giá trị văn hóa, chính quyền cai trị tốt được lòng dân với tuyên bố nổi tiếng: "Bhutan không cần Tổng sản phẩm quốc dân (GDP), chúng tôi cần Tổng hạnh phúc quốc gia !". Cho đến nay, một số tổ chức xã hội vẫn xếp Bhutan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới theo các tiêu chuẩn trên.
Sau này, Liên Hiệp Quốc đã xây dựng Bộ tiêu chí về quốc gia hạnh phúc kết hợp những tiêu chí về phát triển kinh tế (Tổng thu nhập quốc dân, bình quân thu nhập đầu người...), đổi mới sáng tạo cùng các tiêu chí về sức khỏe, tuổi thọ, an sinh xã hội, môi trường, sự hài lòng, tin tưởng của người dân vào chính quyền… Liên Hiệp Quốc chính thức có Báo cáo xếp hạng các quốc gia hạnh phúc hàng năm kể từ 2012 và theo Bộ tiêu chí trên thì Phần Lan đã 6 năm liền được xếp hạng cao nhất.
Giáo dục hạnh phúc đúng đắn là làm cho học sinh cảm nhận được niềm vui học tập, kích thích sự tò mò, ham mê học hỏi, ước mơ và sáng tạo. Đào Ngọc Thạch
Vậy điều gì đã làm nên kỳ tích này?
Cho đến thập niên 70 của thế kỷ trước, Phần Lan còn dựa chủ yếu vào nền kinh tế khai thác gỗ với nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và một hệ thống giáo dục xuống cấp trầm trọng. Nhận thấy cần phải chuyển sang nền kinh tế phát triển vững bền và kiến tạo quốc gia hạnh phúc, Phần Lan đã cải tổ lại nền giáo dục theo hướng giáo dục hạnh phúc.
Khái niệm giáo dục hạnh phúc lần đầu tiên được triết gia Herbert Spencer (Anh) nêu ra từ giữa thế kỷ 19: "Mục đích của giáo dục là làm cho trẻ em trở thành một con người hạnh phúc và trong quá trình học tập, trẻ cũng nên được hạnh phúc".
Tuy nhiên, để triển khai giáo dục theo triết lý trên không phải là đơn giản. Đã có nhiều phân tích về sự thành công của mô hình giáo dục hạnh phúc Phần Lan đưa hạnh phúc vào giáo dục và biến giáo dục trở thành nền tảng của hạnh phúc. Những yếu tố tạo nên nền giáo dục hạnh phúc ở Phần Lan gồm:
- Quan tâm và tôn trọng sự khác biệt, nhu cầu riêng của mỗi cá thể trong xã hội. Trao quyền tự chủ cho các trường xây dựng, tổ chức các hoạt động giáo dục kết hợp hài hòa thiên nhiên, môi trường, văn hóa học đường… kiến tạo trường học hạnh phúc.
- Hệ thống giáo dục hoạt động không dựa trên sự so sánh, xếp hạng giữa các cá nhân và các trường mà dựa trên sự bình đẳng, xây dựng cộng đồng và thành công chung. Nếu như ở Mỹ, thành công và hạnh phúc được coi là mục tiêu cá nhân thậm chí là phải cạnh tranh thì ở Phần Lan, thành công là mục tiêu đồng đội.
- Các hoạt động dạy và học, trải nghiệm đều hướng đến niềm vui, hạnh phúc cho cả học sinh cùng giáo viên qua các chủ đề dạy học tích hợp liên môn, mở rộng hiểu biết, nâng cao kỹ năng sống hướng về Chân -Thiện -Mỹ.
- Giảm tải khối lượng học tập và thi cử. Trong suốt quá trình học tập phổ thông chỉ có 1 kỳ thi chuẩn hóa cho học sinh sau khi kết thúc lớp 12.
Còn nhiều điều thú vị khác biệt nữa của giáo dục hạnh phúc Phần Lan mà ta có thể tìm hiểu trên mạng. Nhiều quốc gia tìm hiểu và học hỏi mô hình giáo dục này.
Chẳng hạn, Nhật Bản ngay từ 2002 cũng đã bắt đầu đẩy mạnh cải cách giáo dục ở phổ thông theo triết lý giáo dục hạnh phúc: giảm 30% nội dung chương trình học, không xếp hạng học lực, tạo điều kiện cho trẻ chơi nhiều hơn học… Tuy nhiên, sau vài năm áp dụng, Nhật Bản từ quốc gia luôn đứng hàng đầu trong kỳ thi đánh giá học sinh quốc tế (PISA) đã tụt xuống thứ 6. Điều này khiến các nhà lãnh đạo giáo dục Nhật phải xem xét và điều chỉnh chương trình cải cách. Một số nước cũng triển khai giáo dục hạnh phúc nhưng cũng chưa đạt được thành công như kỳ vọng.
Trường học hạnh phúc bắt nguồn từ người thầy hạnh phúc. ĐÀO NGỌC THẠCH
Nhiều người đang hiểu nhầm giáo dục hạnh phúc là giảm áp lực học tập, thi cử thay vì giúp trẻ được hưởng niềm vui và hạnh phúc trong việc học. Giáo dục hạnh phúc đúng đắn là làm cho trẻ cảm nhận được niềm vui học tập, kích thích sự tò mò, ham mê học hỏi, ước mơ và sáng tạo. Giáo dục Phần Lan nhận thức rất rõ điều này: Giảm tải trên sự tinh gọn tri thức, bớt các kỳ thi không cần thiết mà tập trung vào một kỳ thi thật nghiêm túc (thi tốt nghiệp THPT 6 môn, đánh giá, xếp hạng làm căn cứ để tuyển vào các trường nghề hoặc ĐH).
Các ĐH đều triển khai theo mô hình ĐH khởi nghiệp, sáng tạo... đã giúp Phần Lan trở thành một quốc gia sáng tạo hàng đầu thế giới (trong nhiều năm gần đây luôn trong top 10). Đặc biệt, Phần Lan cũng đã làm được một điều quan trọng nhất đảm bảo cho sự thành công của giáo dục hạnh phúc: Dạy học là nghề nghiệp được tôn vinh nhất trong xã hội và giáo viên được tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ rất xứng đáng.
Nghề hạnh phúc nhất
Xưa nay, nghề dạy học hay còn gọi tắt là nghề giáo luôn được tôn vinh là một trong những nghề cao quý nhất. Hơn thế nữa, nghề giáo còn là nghề hạnh phúc nhất vì mỗi ngày thầy cô đến lớp đều có niềm vui hạnh phúc trong việc chia sẻ tri thức, kết nối cảm xúc yêu thương, cộng hưởng niềm tin, ước mơ... qua những giờ học, trải nghiệm vui cùng học trò. Nghề giáo còn có nhiều ngày vui lớn trong năm (khai giảng, tốt nghiệp, ngày nhà giáo) và nhiều tin vui bất ngờ từ những cánh chim bay cao, bay xa khắp bốn phương trời gửi về thầy cô…
Thế giới đang ngày càng vạn biến, bất định, bất trắc với quy mô và mức độ gia tăng của thiên tai, dịch họa, các cạnh tranh-xung đột kinh tế, chính trị, quân sự, tôn giáo... cùng các cuộc cách mạng khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) đang thách thức giáo dục hiện đại và đòi hỏi các thầy cô phải nỗ lực rất nhiều để có đủ bản lĩnh, tâm và tầm nhằm giáo dục và đồng hành cùng thế hệ trẻ sống trong kỷ nguyên mới. Trong đó hạnh phúc không chỉ là biết buông bỏ, chấp nhận những gì đang có hiện tại mà phải dựa trên sự học hỏi không ngừng và khát vọng, ý chí quyết tâm vượt qua mọi nghịch cảnh, đấu tranh với sự giả dối, độc ác, xấu xa... hướng về Chân -Thiện- Mỹ, làm nên những điều tốt đẹp cho cuộc đời này.
Nếu khoảng 1 triệu giáo viên và 18 triệu học sinh, sinh viên các cấp đều hạnh phúc dạy và học trong gần 31.000 trường học hạnh phúc hiện nay sẽ lan tỏa năng lượng tích cực vô cùng lớn cho toàn xã hội, kiến tạo quốc gia hạnh phúc. NHẬT THỊNH
Hôm nay, khắp nơi hân hoan đón chào Ngày nhà giáo Việt Nam với những lời chúc mừng cùng những lẵng hoa tươi thắm… Trong khi đó, một số nước như Nhật bản không có ngày nhà giáo nhưng lại có những sự quan tâm và hoạt động trân quý các thầy cô quanh năm ngay từ những biểu hiện trong sinh hoạt cộng đồng như nhường chỗ ngồi, thứ tự ưu tiên phục vụ... cho đến rất nhiều ưu đãi khác.
Vừa qua, ngành giáo dục có tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo về vai trò quan trọng của hiệu trưởng, giáo viên trong việc xây dựng trường học hạnh phúc - nơi gieo mầm hạnh phúc cho các thế hệ trẻ sẽ kiến tạo quốc gia hạnh phúc trong tương lai. Nếu khoảng 1 triệu giáo viên và 18 triệu học sinh, sinh viên các cấp đều hạnh phúc dạy và học trong gần 31.000 trường học hạnh phúc hiện nay sẽ lan tỏa năng lượng tích cực vô cùng lớn cho toàn xã hội, kiến tạo quốc gia hạnh phúc.
Những kiến nghị về chế độ, chính sách cho giáo viên
Cùng với niềm vui tinh thần được làm việc và cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao quý, các thầy cô cũng rất cần được Nhà nước và xã hội tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để có thể sống được với nghề và thật sự hạnh phúc.
Nhà nước cần có chính sách hợp lý về lương, phụ cấp và thời gian làm việc của giáo viên:
- Sau 1.7.2023 theo mức lương mới, các thầy cô có trình độ ĐH, thâm niên khoảng 10 năm hưởng lương bậc 3-4 đang có mức lương hàng tháng khoảng 6-7 triệu đồng… Với thu nhập này, nhiều giáo viên phải dạy thêm hoặc làm thêm những việc không phù hợp với thiên chức của nhà giáo mới đủ trang trải cho cuộc sống đang còn nhiều khó khăn. Nếu Nhà nước chưa có điều kiện tăng lương toàn thể, cũng cần xem xét tăng phụ cấp hơn nữa cho giáo viên vùng sâu, vùng xa và các thầy cô dạy giỏi, có thành tích bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi…
- Cần linh hoạt chế độ nghỉ hưu cho giáo viên. Những giáo viên giỏi và có sức khỏe nên tạo điều kiện cống hiến tiếp tục cho khu vực công…
- Có chế độ và các quy định ưu tiên, ưu đãi giáo viên trong các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giao thông, tín dụng (rất nên tham khảo các nước, đặc biệt là Nhật về việc này)
- Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức xã hội quan tâm, hỗ trợ giáo viên: giảm giá hàng hóa, dịch vụ... tham gia các hoạt động giáo dục xã hội và cộng đồng. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp cũng đã giảm giá dịch vụ, hàng hóa... cho giáo viên dịp 20.11, khai giảng năm học… Cũng có một số doanh nghiệp dành nhiều ưu đãi thường xuyên cho các giáo viên như giảm giá, cho mua trả góp máy tính, xe máy, căn hộ với lãi suất thấp…
- Nhà trường và các hội phụ huynh cần phối hợp có những hoạt động cụ thể và thiết thực, kịp thời đối với giáo viên gặp khó khăn, nghỉ hưu không chỉ thăm hỏi dịp 20.11.
- Kết nối mạng cộng đồng cựu học sinh, sinh viên với các thầy cô để chia sẻ thông tin, tri thức và niềm vui thường xuyên không chỉ những dịp được gặp nhau trực tiếp.
Theo GS.TSKH Hoàng Văn Kiếm/ Thanh niên