Ngành văn hóa các dân tộc thiểu số: Bất ngờ về cơ hội việc làm

Trái với những định kiến và lầm tưởng của một số người, ngành văn hóa các dân tộc thiểu số có tính ứng dụng linh hoạt và mở ra nhiều cơ hội việc làm.

👉 Các Trường đào tạo ngành Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam

Với mong muốn lan tỏa các giá trị văn hóa đến mọi người, Lâm Thị Hồng Cẩm, sinh viên năm 2 Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, quyết định theo học ngành văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam.

"Chương trình mà tôi đang học rất tốt nhưng cũng khá mới mẻ. Mọi người chỉ nghe tên ngành nhưng không hiểu rõ nên tôi cũng hay gặp câu hỏi như tại sao người trẻ lại học ngành này", nữ sinh viên khoa Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam chia sẻ.

Sinh viên khoa Văn hóa các dân tộc thiểu số, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tham gia chương trình du khảo tại Sóc Trăng. NVCC

Bên cạnh đó, Trần Hoàng Trang Nhã, sinh viên năm 4 khoa Văn hóa các dân tộc thiểu số, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, chia sẻ sinh viên ngành này sẽ được đi trải nghiệm thực tế, tham gia nhiều lễ hội, tìm hiểu kiến trúc, văn hóa các dân tộc, chẳng hạn tham gia tháng chay Ramadan của người Chăm. "Nhiều người nghĩ rằng sinh viên ngành văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam sẽ phải lên núi, đến vùng sâu vùng xa làm việc sau này, nhưng thực tế không phải như vậy", nữ sinh viên nói.

Là người Khmer, anh Kim Pha Lets (tốt nghiệp ngành văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, Trường ĐH Văn Hóa TP.HCM) cho hay đã chọn ngành này vì muốn tìm về và hiểu thêm cội nguồn của mình.

Hiện là hướng dẫn viên du lịch, anh Pha Lets cho biết: "Dù làm trái ngành nhưng kiến thức thời ĐH rất hữu ích. Tôi có thể ứng dụng vốn kiến thức của mình để chia sẻ với khách hàng về văn hóa dân tộc thiểu số, giúp họ nắm rõ văn hóa từng vùng miền, mang lại nhiều giá trị cho chuyến đi".

Sinh viên khoa Văn hóa các dân tộc thiểu số Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tham gia chương trình du khảo tại Sóc Trăng. NVCC

Học xong phải lên vùng núi làm việc?

Ngành văn hóa các dân tộc thiểu số là một trong những ngành hiếm, chỉ có 3 cơ sở đào tạo là Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội và Trường ĐH Trà Vinh.

Nói về định kiến "ngành học không sang", "học xong phải lên vùng núi làm việc", tiến sĩ Nguyễn Anh Cường, Trưởng khoa Văn hóa các dân tộc thiểu số, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, cho biết đây là tâm lý chung và nhiều phụ huynh, học sinh vẫn còn lầm tưởng nên e ngại khi đăng ký nguyện vọng.

"Thực tế là ngành này giúp sinh viên tìm hiểu và phát huy bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình. Tại Hà Nội, sinh viên tốt nghiệp có thể xin vào làm tại nhiều cơ quan như Ủy ban dân tộc miền núi, Viện dân tộc học, Bảo tàng dân tộc học… Ngoài ra, sinh viên còn có thể làm việc tại các trung tâm xúc tiến du lịch của địa phương, làm hướng dẫn viên du lịch…", tiến sĩ Cường lưu ý.

Sinh viên tham gia hoạt động tái hiện không gian văn hóa cồng chiêng trong khuôn viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM. NVCC

Thạc sĩ Hứa Sa Ni, Phó trưởng khoa Văn hóa các dân tộc thiểu số, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, đồng thời lưu ý, ngành này có các học phần ứng dụng như tổ chức sự kiện văn hóa, xây dựng dự án thu hút nhà tài trợ nhằm phát huy giá trị văn hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn kết với du lịch để tăng giá trị kinh tế lẫn giá trị tinh thần.

"Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ có cơ hội làm việc ở mảng văn hóa tại cơ quan cấp Trung ương, địa phương, hoặc được quy hoạch làm cán bộ quản lý ở sở văn hóa các tỉnh, địa phương. Ban dân tộc, ban tôn giáo, ban dân vận đều có sinh viên của khoa công tác hoặc các em có thể làm ở đài truyền hình, hoạt động trong lĩnh vực báo chí đào sâu về chuyên ngành được học", thầy Ni thông tin.

Không gian văn hóa cồng chiêng được tái hiện trong chương trình "Sắc màu văn hóa" do sinh viên tự tổ chức tại khuôn viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM. NVCC

"Khoa dự định mở thêm một chuyên ngành mới gắn với du lịch vùng cộng đồng dân tộc thiểu số để đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay. Ngoài ra, khoa cũng cố gắng xây dựng chiến dịch truyền thông để cộng đồng thay đổi nhận thức về các ngành văn hóa, bồi dưỡng thái độ trân trọng, yêu thích văn hóa dân tộc thiểu số và giúp sinh viên có mong muốn nghiên cứu, khám phá và học tập ở lĩnh vực này", thầy Ni nói.

Những khó khăn trong tuyển sinh ngành văn hóa các dân tộc thiểu số

Thạc sĩ Hứa Sa Ni, Phó trưởng khoa Văn hóa các dân tộc thiểu số, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cho biết, những năm gần đây đầu vào của ngành khá hạn chế, mỗi năm chỉ tuyển được 20-30 chỉ tiêu. Nguyên nhân là do hệ đào tạo cử tuyển không còn được thực hiện theo dự án của Chính phủ từ năm 2004 và việc tuyển nhân lực bão hòa ở các địa phương. Về đầu ra, theo thầy Ni, do trong tuyển ngạch của Bộ Nội vụ không có quy định chức vụ cho ngành văn hóa các dân tộc thiểu số nên nhiều sinh viên tốt nghiệp không chọn làm việc đúng chuyên ngành.

Dù nhà trường áp dụng nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ cho sinh viên như miễn giảm học phí (có trường hợp đến 90%), hỗ trợ chỗ ở ký túc xá nhưng vẫn có nhiều sinh viên nộp giấy xin thôi học do điều kiện gia đình đặc biệt khó khăn, tiến sĩ Nguyễn Anh Cường, Trưởng khoa Văn hóa các dân tộc thiểu số, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, nêu thực trạng.

Theo Thúy Liễu - Kỷ Hương/TNO

Tin cùng chuyên mục

Game đang trở thành một trong nhiều ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào nền kinh tế số. Đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ, ngành game Việt đang “khát” nguồn nhân lực chất lượng, được đào tạo bài bản.
Trong Hội nghị thượng đỉnh chính phủ thế giới diễn ra vào tháng 2/2024, lời phát biểu của ông Jensen Huang - Giám đốc điều hành Tập đoàn Nvidia - đã gây sự chú ý lẫn những tranh luận đa chiều. Theo ông, giới trẻ không cần học lập trình nữa bởi trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ làm việc đó; giới trẻ chỉ nên học các ngành sinh học, giáo dục, nông nghiệp…
Quan hệ công chúng (viết tắt là PR) là một ngành thuộc lĩnh vực truyền thông.
Trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh giúp học sinh, sinh viên có thêm nhiều cơ hội học tập và nghiên cứu sâu về lĩnh vực này.
Ai cũng cần những người thầy trong đời. Người thầy đứng trên bục giảng nhìn xuống những gương mặt chăm chú của học trò để biết kiến thức của mình đang được gieo xuống mảnh đất màu mỡ mỗi ngày. Ở đó những mầm xanh hối hả vươn lên!
Điện thoại, máy tính, ti vi hay xe máy, ô tô, máy bay,… đều không thể vận hành nếu thiếu một thành phần cốt lõi, chip bán dẫn. Trong đó, các mạch tích hợp chứa hàng triệu, thậm chí hàng tỷ thành phần điện tử trên một chíp bán dẫn, giúp tạo ra các bộ vi xử lý mạnh mẽ, bộ nhớ dung lượng lớn và các ứng dụng di động ngày càng nhỏ gọn. Quá trình tạo ra các mạch tích hợp ấy chính là nhiệm vụ của ngành thiết kế vi mạch.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề