Tương lai, cơ hội và thách thức cho ngành Quan hệ công chúng

Quan hệ công chúng (viết tắt là PR) là một ngành thuộc lĩnh vực truyền thông.

Quan hệ công chúng là ngành học yêu cầu sự năng động.

Đây được xem là một nghề giúp phát triển thương hiệu công ty cũng như quảng bá hình ảnh thương hiệu cá nhân. Chính vì lẽ đó, đã từ lâu ngành PR đóng vai trò chủ chốt trong sự phát triển của các công ty, tập đoàn trong nước và trên thế giới.

Nhân lực được chú trọng

Hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước đang rất cần một đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp để thực hiện công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, giúp công ty, tổ chức truyền tải được thông điệp tới khách hàng, nâng cao thị phần trên thị trường.

Là một trong những ngành có lĩnh vực nghề nghiệp rộng mở, các cử nhân ngành PR có rất nhiều sự lựa chọn cho tương lai của mình. Ngành PR thật sự rất hấp dẫn, tất nhiên để thành công trong ngành đòi hỏi người học phải có sự trang bị, trau dồi những kỹ năng cần thiết thông qua các hoạt động “người thật việc thật”.

Theo nhiều doanh nghiệp, họ buộc phải tuyển dụng nhân lực từ các chuyên ngành khác cho vị trí PR, do nhân lực đúng chuyên ngành này thiếu hụt trầm trọng. Theo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, hiện nay có khoảng 7.000 công ty quảng cáo - PR, nhân lực cho ngành này ít nhất là 70.000 lao động.

Các công ty buộc phải tuyển dụng từ các chuyên ngành như báo chí, ngoại ngữ, kinh tế hoặc được đào tạo qua các khoá học ngắn hạn, thậm chí có những người chưa hề qua một khóa đào tạo nào về PR. Cơ hội việc làm trong lĩnh vực quan hệ công chúng sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường giàu tính cạnh tranh.

Theo thống kê mức lương trung bình cho một chuyên viên PR thuộc top cao, khởi điểm ở mức 7 - 15 triệu đồng/tháng. Khi đạt được những vị trí quản lý tầm trung trở lên, mức lương đạt được của ngành này là hàng nghìn đô tùy vào khả năng và kinh nghiệm.

Cụ thể, mức lương của nhân viên mới tại các công ty PR chuyên nghiệp trung bình hàng tháng là từ 250 - 500 USD (từ 6 đến 12 triệu đồng). Nhóm chuyên viên tại các công ty, tập đoàn lớn có thu nhập cao hơn, từ 600 - 1000 USD (14 - 23 triệu đồng); còn nhóm quản lí cấp cao thì có mức lương là từ 1000 - 2500 USD (khoảng 23 - 59 triệu đồng)… Và mức lương ngày càng tăng mạnh do sự thiếu hụt nguồn lao động của ngành này.

Bà Kiều Xuân Trinh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Groovy chia sẻ, PR đã trở thành một ngành “hot” bởi nhu cầu nhân sự rất cao trong khi khả năng đáp ứng của xã hội còn quá ít. Trước nền kinh tế cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc một thương hiệu có thể sống và phát triển bền vững luôn là mơ ước của các doanh nghiệp.

“Với những nhân sự có chuyên ngành về quan hệ công chúng luôn được doanh nghiệp chúng tôi ưu tiên, để thực hiện việc xây dựng và quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, giúp công ty, tổ chức truyền tải được thông điệp tới khách hàng, nâng cao thị phần trên thị trường. Vì thế, cơ hội việc làm trong lĩnh vực này đã, đang, và sẽ rất rộng mở với nhiều bạn trẻ năng động, nhạy bén và tự tin”, bà Trinh cho biết.

Ảnh minh họa ITN.

Thách thức của ngành “hot”

Chú trọng việc “đầu tư” cho nghề nghiệp bằng nhiều hướng đi thực tế đã mang đến cho sinh viên ngành học năng động này những kết quả nghề nghiệp khá sớm. Bạn Trần Minh Thư (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, ngay từ năm thứ hai đã tham gia thực tập tại một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản để có thể cảm nhận và hiểu rõ hơn về ngành nghề mình đang theo học.

“Khi tham gia thực tập từ năm hai, mình đã có thể hình dung rõ bức tranh tổng thể của ngành đang diễn ra như thế nào, cách thức linh hoạt để ứng dụng kiến thức chuyên môn vào công việc, cơ hội phát triển tư duy sáng tạo và định hình xu hướng. Tất cả những thứ ấy dần dần trở thành sức hút đối với mình”, Minh Thư cho biết.

Ra trường đã nhiều năm và hiện đang công tác tại Công ty MayFogh ở vị trí Trưởng phòng Marketing, anh Bùi Văn Nam chia sẻ: “Để trở thành chuyên viên giỏi trong lĩnh vực PR, người học cần một lộ trình học tập, rèn luyện bền bỉ. Vì đây là ngành học năng động nên sinh viên cũng phải luôn năng động tiếp cận với cái mới và cần có những kinh nghiệm từ thực tế”.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt sự phát triển như vũ bão của công nghệ kỹ thuật số đã tác động không nhỏ đến mọi lĩnh vực. Nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quan hệ công chúng cũng ngày càng tăng nhanh. Chính vì thế, chương trình đào tạo của ngành PR tại các trường đại học luôn phải cập nhật và liên tục đổi mới để phù hợp với xu hướng thị trường.

Khi học ngành quan hệ công chúng, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức chuyên môn về lập kế hoạch truyền thông, quan hệ báo chí, quản trị rủi ro… Cùng với đó là những kiến thức về PR nội bộ, PR với giới đầu tư, cộng đồng, khách hàng; đạo đức PR… Không chỉ vậy, sinh viên còn được trau dồi thêm các kỹ năng khác như quản lý thời gian, giao tiếp, đàm phán, kỹ năng làm việc nhóm…

Theo Bảo Hân/ GD&TĐ

Tin cùng chuyên mục

Game đang trở thành một trong nhiều ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào nền kinh tế số. Đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ, ngành game Việt đang “khát” nguồn nhân lực chất lượng, được đào tạo bài bản.
Trong Hội nghị thượng đỉnh chính phủ thế giới diễn ra vào tháng 2/2024, lời phát biểu của ông Jensen Huang - Giám đốc điều hành Tập đoàn Nvidia - đã gây sự chú ý lẫn những tranh luận đa chiều. Theo ông, giới trẻ không cần học lập trình nữa bởi trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ làm việc đó; giới trẻ chỉ nên học các ngành sinh học, giáo dục, nông nghiệp…
Trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh giúp học sinh, sinh viên có thêm nhiều cơ hội học tập và nghiên cứu sâu về lĩnh vực này.
Ai cũng cần những người thầy trong đời. Người thầy đứng trên bục giảng nhìn xuống những gương mặt chăm chú của học trò để biết kiến thức của mình đang được gieo xuống mảnh đất màu mỡ mỗi ngày. Ở đó những mầm xanh hối hả vươn lên!
Điện thoại, máy tính, ti vi hay xe máy, ô tô, máy bay,… đều không thể vận hành nếu thiếu một thành phần cốt lõi, chip bán dẫn. Trong đó, các mạch tích hợp chứa hàng triệu, thậm chí hàng tỷ thành phần điện tử trên một chíp bán dẫn, giúp tạo ra các bộ vi xử lý mạnh mẽ, bộ nhớ dung lượng lớn và các ứng dụng di động ngày càng nhỏ gọn. Quá trình tạo ra các mạch tích hợp ấy chính là nhiệm vụ của ngành thiết kế vi mạch.
Đến năm 2030, Đại học Quốc gia TP.HCM đặt mục tiêu đào tạo được 1.500 kỹ sư và 500 thạc sỹ thiết kế vi mạch; đào tạo và cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho 15.000 kỹ sư.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề