Trí tuệ nhân tạo có thể xoá sổ ngành học lập trình?

Trong Hội nghị thượng đỉnh chính phủ thế giới diễn ra vào tháng 2/2024, lời phát biểu của ông Jensen Huang - Giám đốc điều hành Tập đoàn Nvidia - đã gây sự chú ý lẫn những tranh luận đa chiều. Theo ông, giới trẻ không cần học lập trình nữa bởi trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ làm việc đó; giới trẻ chỉ nên học các ngành sinh học, giáo dục, nông nghiệp…

AI không thể thay thế con người

Trước ý kiến của ông Jensen Huang, ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) - công tác ở Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông - nhận định, trong tương lai gần, AI giúp tự động hóa nhiều quy trình và công việc liên quan đến lập trình. Nhưng theo ông, kỹ năng lập trình vẫn là cơ bản, quan trọng để phát triển, kiểm soát và tối ưu hóa AI. 

Trường đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức cho học sinh phổ thông tìm hiểu về kỹ năng lập trình - Ảnh: T.T.

Ông nói: “AI và lập trình viên có mối quan hệ tương hỗ. Lập trình viên tạo ra, huấn luyện và tối ưu hóa AI, còn AI giúp lập trình viên tự động hóa các nhiệm vụ rườm rà, phức tạp. Một lập trình viên hiểu biết sâu sắc về AI sẽ có khả năng phát triển giải pháp hiệu quả, tối ưu hóa quy trình làm việc và tăng khả năng giải quyết vấn đề”.

Đồng quan điểm, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Vũ - Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TPHCM - giải thích, lập trình là một trong những công việc cần thiết trong phát triển hệ thống phần mềm, trong đó có hệ thống AI. Tuy nhiên, tỉ lệ lập trình viên trong đội ngũ phát triển phần mềm ngày càng giảm đi do sự ra đời và phát triển của các công cụ, phương pháp, ngôn ngữ lập trình, giải pháp AI. “AI làm giảm hơn nữa công việc lập trình bằng tay trong phát triển phần mềm. Tuyên bố của ông Jensen Huang phần nào nói lên điều này. Nhưng đối với những công việc khác như thiết kế, cấu trúc mã nguồn, làm cho phần mềm đáp ứng được yêu cầu của người dùng như tiện lợi, có khả năng mở rộng, dễ bảo trì thì AI khó thay thế được lập trình viên, ít nhất là trong vài chục năm nữa” - ông phân tích. 

Sinh viên Trường đại học Công nghiệp TPHCM tìm hiểu về lập trình - Ảnh: T.T.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường đại học Công nghiệp TPHCM - quan điểm của ông Jensen Huang là không chính xác. AI hỗ trợ cho nhiều lĩnh vực, trong đó có việc giúp các lập trình viên tăng hiệu suất làm việc. Trước đây, lập trình viên mất vài giờ để viết một đoạn mã thì nay, với sự hỗ trợ của AI, họ chỉ mất khoảng 15-20 phút. Nhưng AI không thể thay lập trình viên viết các đoạn mã trong các ứng dụng, hệ thống cụ thể. Ông nhận định: “Hiện nay, kỹ sư lập trình không nhất thiết phải quá giỏi về kỹ năng viết mã, nhưng phải am hiểu đầu vào, đầu ra, hành vi người dùng, đối tượng cần làm của một hệ thống - những điều mà AI không làm được”.

Nhu cầu tuyển lập trình viên vẫn cao

Năm 2024, Trường đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TPHCM tuyển sinh khoảng 1.000 chỉ tiêu cho lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin, bao gồm chương trình đại học chính quy và lớp cử nhân tài năng. Theo ông Nguyễn Văn Vũ, nhu cầu nhân lực phần mềm ở Việt Nam luôn cao hơn khả năng đào tạo của các trường đại học. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin làm việc trong lĩnh vực phát triển phần mềm và nội dung số, ở những vị trí như lập trình viên, kiểm thử viên, phân tích viên. Khi có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng, họ sẽ làm những công việc chuyên sâu hơn, như thiết kế kiến trúc và quản lý dự án. 

Sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TPHCM tìm hiểu về lập trình - ẢNH: T.T

Nhiều năm qua, Trường đại học Công nghiệp TPHCM có chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành công nghệ thông tin ổn định; mỗi năm cho “ra lò” khoảng 150 kỹ sư phần mềm, có thể viết mã cho các dự án trong và ngoài nước với thu nhập tối thiểu 15 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Trung Nhân cho biết, kỹ thuật phần mềm là ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong nhóm ngành công nghệ thông tin. Ngay trong kỳ thực tập, sinh viên đã phải ký cam kết ở lại làm việc cho doanh nghiệp nên nhà trường không thể giữ lại những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi. 

Trường đại học Công Thương TPHCM cũng đang đào tạo 3 ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, gồm công nghệ thông tin, an toàn thông tin và khoa học dữ liệu. Trong đó, trường chú trọng kiến thức lập trình từ cơ bản đến nâng cao tùy thuộc định hướng chuyên ngành của sinh viên. Hằng năm, trường đều lấy ý kiến phản hồi về kết quả sinh viên thực tập ở các doanh nghiệp để điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp. “Không có ngành học nào lỗi thời khi người học biết vận dụng và biết làm cho nó mới, hợp với thời thế. Cứ cố gắng học tập thật giỏi, rèn luyện các kỹ năng thích ứng với sự thay đổi của công nghệ, tự học, tự đào tạo và tìm hiểu thêm các kiến thức, công cụ để hòa nhập thì không sợ bị AI thay thế” - ông Thái Doãn Thanh khẳng định. 

Ông Ngô Minh Hiếu cho rằng, nhu cầu tuyển dụng lập trình viên ở Việt Nam và trên thế giới vẫn rất cao, với nhiều lĩnh vực như phát triển phần mềm, trang web, ứng dụng di động, dữ liệu lớn và AI. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng ngày càng đòi hỏi ứng viên có các kỹ năng liên quan đến AI và máy học. Để không bị AI thay thế, sinh viên ngành lập trình và lập trình viên cần hiểu biết về AI và máy học, có kỹ năng lập trình đa ngôn ngữ, có tinh thần tự học liên tục, thích nghi được môi trường làm việc linh hoạt và đa văn hóa. 

Theo Trang Thư/ Phụ nữ TP.HCM

“AI là kết quả của quá trình xây dựng và phát triển nên vẫn có thể mắc lỗi; việc hiểu về lập trình giúp con người phát hiện, sửa chữa những lỗi này một cách hiệu quả. Lập trình không chỉ quan trọng trong lĩnh vực công nghệ thông tin mà còn trong nhiều lĩnh vực khác. Việc học lập trình cũng giúp giới trẻ phát triển tư duy mạch lạc, khả năng xử lý thông tin và giải quyết vấn đề”.

Tiến sĩ Thái Doãn Thanh - Phó hiệu trưởng Trường đại học Công Thương TPHCM

Cần học để hiểu nguyên lý

Máy có thể đọc sách thành tiếng, vậy trẻ em có cần học đọc không? Có phần mềm soạn thảo văn bản thì có cần dạy trẻ em học viết không? Có máy tính bỏ túi rồi thì có cần dạy trẻ em học cộng, trừ, nhân, chia không? AI có thể vẽ tranh, soạn nhạc rất nhanh thì trẻ em có cần học mỹ thuật, âm nhạc không? Dù máy tính đã làm được nhiều việc nhưng trẻ vẫn phải học đọc, học viết, học làm toán, học vẽ, học nhạc… Do đó, AI không thể thay thế lập trình viên. 
Con người vẫn cần phải học để não không ngừng suy nghĩ, vận động, học để hiểu nguyên lý, từ đó sử dụng máy móc tốt hơn, để “lưu dữ liệu” cho trường hợp máy có vấn đề, để luyện những thứ mà nếu dùng máy thì sẽ không có được, như trẻ tập viết thì ngoài tạo ra chữ, còn rèn luyện óc thẩm mỹ, tính cẩn thận, kiên nhẫn. Học để sửa máy khi máy hỏng, để tạo ra những cỗ máy tốt hơn, để phản xạ nhanh hơn những người bị lệ thuộc vào máy…

Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC AI, Tập đoàn Công nghệ CMC

Đạt nhiều giá trị khi học lập trình 

Chỉ khi nào AI có thể tự tạo ra được AI cao cấp hơn chính nó thì con người mới có thể nghĩ đến việc không cần học lập trình. Học lập trình không chỉ để sau này làm nghề lập trình mà quan trọng nhất là việc học lập trình mang đến nhiều giá trị giáo dục. 

Qua nhiều năm dạy lập trình cho học sinh, tôi nhận thấy, việc đối mặt với các thách thức và tìm cách giải quyết chúng đã giúp các em tăng khả năng tư duy, kỹ năng giải quyết vấn đề một cách mạch lạc, thực tế; hình thành và tăng tư duy phản biện; tăng khả năng phân tích vấn đề sâu hơn, rộng hơn. Nhờ kiến thức và kỹ năng học được từ môn lập trình, các em không chỉ dám nghĩ mà còn dám làm, biến những ý tưởng thành hiện thực. Các em cũng được kích thích khả năng sáng tạo thông qua việc tạo ra các ứng dụng, trò chơi. Nhiều phụ huynh cho biết, nhờ học tốt môn lập trình, các em học những môn học khác ở trường hiệu quả hơn.

Hiện nay, không ít học sinh sa đà vào các trò chơi điện tử. Do đó, việc học lập trình là cách giúp các em sử dụng máy tính, sử dụng thời gian một cách hữu ích. Nước ta đang đẩy mạnh giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Cả 4 yếu tố này đều có trong bộ môn lập trình. Điều đáng nói là với tốc độ phát triển của công nghệ như hiện nay, trong tương lai, rất có thể con người không chỉ ỷ lại vào công nghệ mà còn bị phụ thuộc, bị chi phối. Nếu không học lập trình, không có hiểu biết, kiến thức về công nghệ thì những nguy cơ này sẽ càng gia tăng mạnh mẽ.

Ông Đặng Trần Long  (Học viện Đào tạo và Công nghệ V1Study, TP Hà Nội)
Minh Tuệ (ghi)

Tin cùng chuyên mục

Sợ con thất nghiệp, công việc không ổn định hay định kiến về các ngành nghệ thuật là rào cản khiến phụ huynh khó xử khi con muốn chọn theo nghề đạo diễn.
Những năm gần đây, người trẻ có cơ hội tiếp cận và tạo nên các xu hướng nghề nghiệp từ sự phát triển của mạng xã hội. Công việc trợ lý cá nhân (cho TikToker, Youtuber, KOL…) vốn không mới, nhưng lại thu hút nhiều bạn trẻ Gen Z lựa chọn bởi thời gian, không gian làm việc tự do, sáng tạo.
Trong mấy năm trở lại đây, nhóm ngành báo chí, truyền thông trở nên nóng vì luôn có lượng hồ sơ cao bậc nhất tại các trường ĐH và điểm chuẩn cũng cao chót vót với mỗi môn phải trên dưới 9 điểm.
Theo giáo viên, nhà quản lí giáo dục, tỉ lệ học sinh chọn bài thi Khoa học xã hội ngày càng cao là nhằm an toàn, thuận tiện cho xét tốt nghiệp THPT đồng thời cơ hội xét tuyển ngành nghề cũng ngày càng rộng mở.
Trước nhu cầu học lấy chứng chỉ nghề ngắn hạn để xuất khẩu lao động hoặc định cư nước ngoài của bạn trẻ ngày càng cao, nhiều trường trung cấp tại TP.HCM đã thiết kế các khóa đào tạo ngắn hạn từ 3 - 12 tháng.
Ngành trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang tạo ra một cuộc cách mạng công nghệ mới mẻ và đầy triển vọng. Nó len lỏi vào mọi ngóc ngách làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống và làm việc. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn tất cả thông tin cần thiết về ngành trí tuệ nhân tạo, từ khái niệm cơ bản đến những xu hướng phát triển mới nhất.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề