Mỗi tỉnh sẽ thành lập một hội đồng chọn sách giáo khoa

Năm học tới là năm bản lề chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và thực hiện luật Giáo dục vừa được Quốc hội thông qua. Mỗi tỉnh, thành sẽ phải thành lập một hội đồng thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa cho học sinh của địa phương mình.
Mỗi tỉnh sẽ thành lập một hội đồng chọn sách giáo khoa
Chương trình giáo dục mới sẽ có nhiều SGK và UBND tỉnh, thành quyết định lựa chọn SGK cho học sinh địa phương mình. Ảnh Ngọc dương
Ngày 12.8, Sở GD-ĐT TP.Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020. Dự hội nghị, lãnh đạo Bộ GD-ĐT và UBND TP.Hà Nội đã “đặt hàng” nhiều vấn đề quan trọng với ngành GD-ĐT nói chung và TP nói riêng trong năm học mới.
Mời cả chuyên gia trong và ngoài nước lựa chọn SGK
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh tầm quan trọng của năm học sắp tới khi luật Giáo dục đã được thông qua với hơn 70% nội dung mới. Một trong những nội dung quan trọng trong luật là việc thực hiện nhiều sách giáo khoa (SGK) và UBND tỉnh, thành quyết định lựa chọn sử dụng SGK nào cho học sinh (HS) của tỉnh, thành mình. Đây cũng là năm học chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Xung quanh vấn đề này, ông Độ cho biết Bộ đã thành lập Hội đồng thẩm định SGK lớp 1. Ví dụ, sau khi thẩm định, có thể chọn được vài ba bộ sách đạt yêu cầu thì sau đó trách nhiệm của các sở GD-ĐT sẽ phải tham mưu cho UBND tỉnh, thành thành lập hội đồng thẩm định của tỉnh, thành để chọn ra bộ sách cho mình.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, khẳng định: TP sẽ không thể chờ đến năm 2021 mà phải làm ngay từ bây giờ để chuẩn bị đổi mới giáo dục phổ thông. Do vậy, ông Chung đề nghị sở, phòng GD-ĐT và ban giám hiệu của tất cả hệ thống các trường học trên toàn TP sớm nghiên cứu, thành lập một hội đồng do Giám đốc Sở GD-ĐT làm chủ tịch hội đồng để nghiên cứu, đánh giá, mời các nhà khoa học trong và ngoài nước để sớm tham mưu, đề xuất cho Thành ủy, UBND TP triển khai chương trình mới.
Về mục tiêu của giáo dục, ông Chung cho biết: “Tôi nghĩ đơn giản gồm mấy yếu tố: thứ nhất là phải có sức khỏe, thứ hai là coi trọng giáo dục đạo đức và vấn đề thứ ba là kiến thức, tri thức bao gồm kiến thức, văn hóa của dân tộc kết hợp với quốc tế để làm sao sản phẩm giáo dục không chỉ đáp ứng yêu cầu trong nước mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”.
Khuyến khích trường chuyên chuyển sang tự chủ ?
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Chung nhiều lần nhấn mạnh tới việc làm sao để giáo dục thủ đô hội nhập với giáo dục quốc tế, tuy nhiên không hề nhắc đến những lùm xùm đang gây bức xúc dư luận từ vụ việc đau lòng của Trường phổ thông liên cấp Gateway mạo danh trường quốc tế trên địa bàn.
Lý giải vì sao thời gian vừa qua Hà Nội thí điểm đào tạo song bằng ở một loạt các trường THCS và THPT công lập, ông Chung cho rằng TP mỗi năm có vài ba ngàn HS đi du học nhưng khi sang nước ngoài thì hầu hết đều phải học thêm 1 - 2 năm để có thể theo học được ở các trường ĐH, mỗi gia đình mất thêm ít nhất 50.000 - 60.000 USD. Do vậy, việc đào tạo hệ song bằng ngay khi học THPT ở trong nước tạo điều kiện để HS bước thẳng vào các trường ĐH trên thế giới mà không cần học bổ sung thêm.
“Chúng ta hội nhập quốc tế thì phải có những trường đạt chuẩn quốc tế. Không có lý do gì mà những trường như Trường THPT Chu Văn An đã đào tạo ra những nguyên thủ quốc gia mà không đạt chuẩn quốc tế”, ông Chung nói. Ông Chung cũng cho rằng cần xây dựng hệ thống giáo dục thủ đô không để mất cân bằng, làm sao để tạo ra một hệ thống trường tương đương nhau để dần dần giảm việc học trái tuyến do chất lượng các trường không đồng đều.
Đáng chú ý, ông Chung khẳng định quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo TP còn khuyến khích Sở GD-ĐT cùng một số trường như trường Hà Nội - Amsterdam, Chu Văn An… và một loạt các trường cần mạnh dạn đề xuất cơ chế tự chủ. “Tôi đã thăm dò phụ huynh HS và tin rằng phụ huynh của các trường này sẵn sàng đóng trọn gói nếu các trường đưa ra chương trình đào tạo và cơ chế minh bạch, có sự giám sát của phụ huynh HS”, ông Chung nói.
Ông Nguyễn Đức Chung khẳng định năm học tới Hà Nội sẽ phải giải quyết dứt điểm những tồn tại về việc xét tuyển giáo viên hợp đồng đã nhiều năm. Kết quả rà soát cho thấy trong 20 năm qua toàn TP còn khoảng gần 30.000 trường hợp GV hợp đồng lâu năm và năm nay phải giải quyết dứt điểm, không để tiếp tục tình trạng này.
Sẽ công khai danh tínhcác trường quốc tế đúng nghĩa
Trao đổi bên lề hội nghị, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Hà Nội, cho biết thống kê tới nay, Hà Nội có 11 trường mà theo Nghị định 86 thì có cơ sở để gọi là trường quốc tế, còn các trường khác có yếu tố nước ngoài chứ không thể gọi là trường quốc tế. Nhiều trường mạo danh “quốc tế” sẽ phải chấm dứt. “Thời gian tới chúng tôi sẽ công khai danh tính các trường được gọi là trường quốc tế và trường có yếu tố nước ngoài để toàn thể nhân dân, cha mẹ HS, HS biết và chọn lựa”, ông Quang nói.

Theo Tuệ Nguyễn/TNO

Tin cùng chuyên mục

Nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú của các gian tư vấn tại Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển đại học - cao đẳng năm 2024 dành cho thí sinh.
Nằm trong chuỗi Chương trình tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh năm 2024 do tạp chí Giáo dục TP.HCM kết hợp với Sở GD – ĐT và Đài Phát thanh - truyền hình..
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh sự ra đời Câu lạc bộ (CLB) là sự kiện lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng với giáo dục đại học Việt Nam.
Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng DN kinh doanh dịch vụ tư vấn du học (TVDH) lớn nhất cả nước. Để các DN hoạt động lành mạnh và phát triển bền vững, ngành giáo dục Thủ đô đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp; đồng thời lắng nghe ý kiến từ cơ sở.
Phát triển dựa vào khoa học công nghệ, trong đó có chuyển đổi số, phát triển ngành bán dẫn là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Sáng 15/12, trường đại học Cần Thơ tổ chức tọa đàm trực tuyến lần thứ 8, trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tầm nhìn 2045.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề