Ra mắt Câu lạc bộ Mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh sự ra đời Câu lạc bộ (CLB) là sự kiện lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng với giáo dục đại học Việt Nam.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (bên trái) trao Quyết định thành lập Câu lạc bộ cho GS.TSKH Nguyễn Đình Đức. Ảnh: VNU-UET

Ngày 20/12/2023, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với trường Đại học Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo khoa học “Nhận diện những nhân tố mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam” và ra mắt CLB Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh sự ra đời CLB là sự kiện lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng với giáo dục đại học Việt Nam.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) được cử làm Chủ nhiệm CLB. Thành viên CLB là các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, các tổ chức/doanh nghiệp quan tâm đến giáo dục đại học (GDĐH), các chuyên gia và các nhà khoa học cùng tham gia nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động đào tạo và nghiên cứu, hội nhập quốc tế trong các cơ sở GDĐH.

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức khẳng định Câu lạc bộ sẽ bám sát Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu và thảo luận về các chủ đề như thúc đẩy hoàn thiện thể chế và mô hình tự chủ đại học; mô hình đại học - trường đại học ở Việt Nam; đẩy mạnh khai thác và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục đại học; xây dựng đại học số của Việt Nam; xây dựng chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo hội nhập với quốc tế và bối cảnh CMCN 4.0; đánh giá thực trạng và cơ cấu, quy mô ngành nghề đào tạo ở Việt Nam; giải pháp nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên Việt Nam; nghiên cứu hỗ trợ học sinh tự kỷ trong GDĐH,…

Câu lạc bộ sẽ nghiên cứu thảo luận về các chủ đề thiết thực như đổi mới chuẩn đầu ra và cấu trúc chương trình đào tạo; nâng cao hiệu quả và chất lượng các hoạt động khảo thí và kiểm định chất lượng trong các cơ sở giáo dục đại học; đẩy mạnh STEM, chia sẻ tài nguyên, học liệu trong hệ thống GDĐH; giải pháp nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ và chất lượng các hoạt động nghiên cứu khoa học của các cơ sở GDĐH nhằm đáp ứng những yêu cầu cao về chất lượng nguồn nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tham luận sôi nổi trong hội thảo khoa học. Nội dung các báo cáo đề cập đến xu thế vận động và mô hình mới của trường đại học và đại học số trong thời đại ngày nay, đến chuyển đổi số trong giáo dục; sự phát triển, ứng dụng mạnh mẽ và nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo cũng như hoạt động đổi mới sáng tạo trong nhà trường – đều là những nhân tố mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, xã hội 5.0.

Các đại biểu tham luận sôi nổi qua các báo cáo trong hội thảo khoa học “Nhận diện những nhân tố mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học”. Ảnh: VNU-UET

Điều này tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho GDĐH. Từ thực tế này cũng nảy sinh yêu cầu về cơ sở khoa học và thực tiễn để tiếp cận mới trong xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, phương pháp dạy và học mới, cũng như tiêu chuẩn của những tiêu chí và phương pháp đánh giá mới trong đảm bảo chất lượng GDĐH. Những yêu cầu này làm định hướng cho sự phát triển của các trường đại học Việt Nam trong thời gian tới.

Các nhà khoa học cũng đề xuất thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo, đi đôi với xây dựng thể chế, khung pháp lý để hỗ trợ người học và giảng viên trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học; thúc đẩy xây dựng trường học thân thiện, thông minh; đẩy mạnh xây dựng và khai phá dữ liệu; đẩy mạnh STEM trong giáo dục đại học; xây dựng các phần mềm mô phỏng kết hợp với trí tuệ nhân tạo để tạo ra những đột phá trong nghiên cứu.

Bên cạnh đó là tính cấp thiết và các tiêu chí, quy trình kiểm định các chương trình thuộc khối sức khỏe với mục tiêu thúc đẩy hội nhập và công nhận văn bằng với quốc tế.

Ngày 16/10/2023, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã ra Quyết định số 58/QĐ-HH-CLB về việc thành lập Câu lạc bộ Mạng lưới Bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam (BĐCL GDĐH Việt Nam). Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ gồm 15 người, đại diện cho lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn cả nước. 

Câu lạc bộ gồm các hoạt động như tuyển sinh, phát triển chương trình, giáo trình, cập nhật tài liệu chuyên môn, đổi mới phương pháp và công nghệ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp trong sinh viên và phục vụ cộng đồng, trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau để phát huy tốt ảnh hưởng của các trường có lợi thế, hỗ trợ các trường còn khó khăn, góp phần hiệu quả nâng cao chất lượng GDĐH của Việt Nam.

Cát Đằng (Theo VNU-UET)

Tin cùng chuyên mục

Nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú của các gian tư vấn tại Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển đại học - cao đẳng năm 2024 dành cho thí sinh.
Nằm trong chuỗi Chương trình tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh năm 2024 do tạp chí Giáo dục TP.HCM kết hợp với Sở GD – ĐT và Đài Phát thanh - truyền hình..
Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng DN kinh doanh dịch vụ tư vấn du học (TVDH) lớn nhất cả nước. Để các DN hoạt động lành mạnh và phát triển bền vững, ngành giáo dục Thủ đô đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp; đồng thời lắng nghe ý kiến từ cơ sở.
Phát triển dựa vào khoa học công nghệ, trong đó có chuyển đổi số, phát triển ngành bán dẫn là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Sáng 15/12, trường đại học Cần Thơ tổ chức tọa đàm trực tuyến lần thứ 8, trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tầm nhìn 2045.
Ngày 14 và 15/12, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM tổ chức Tuần lễ Khoa học Công nghệ lần thứ nhất.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề