Việt Nam chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn

Phát triển dựa vào khoa học công nghệ, trong đó có chuyển đổi số, phát triển ngành bán dẫn là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thay mặt Chính phủ Việt Nam ký Công hàm trao đổi về dự án phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản.

Trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản, ngày 16/12, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã tham dự nhiều hoạt động của đoàn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã tham dự sự kiện Thủ tướng Chính phủ tiếp 10 doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản về vi mạch, bán dẫn. Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam luôn dành sự ưu tiên cho phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Thủ tướng cũng khẳng định, phát triển dựa vào khoa học công nghệ, trong đó có chuyển đổi số, phát triển ngành bán dẫn là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.

Để phát triển ngành công nghệ bán dẫn, Việt Nam tập trung phát triển hạ tầng bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng công nghệ và hạ tầng xã hội; tập trung thu hút, chuyển giao khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng cơ chế chính sách phát triển ngành bán dẫn, với mục tiêu cơ chế, chính sách thông thoáng, phát triển hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.

Với mong muốn sẽ có đột phá trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, xây dựng các Trung tâm nghiên cứu phát triển; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng các cơ sở sản xuất; xây dựng cứ điểm tại Việt Nam và giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trong buổi tiếp 10 doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản về vi mạch, bán dẫn

Tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản, trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thay mặt Chính phủ Việt Nam ký Công hàm trao đổi về dự án phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản.

Theo nội dung của Công hàm trao đổi, Chính phủ Nhật Bản sẽ cấp cho Chính phủ Việt Nam khoản viện trợ không hoàn lại 685 triệu Yên Nhật (khoảng 4,8 triệu USD) để dành học bổng toàn phần đào tạo công dân Việt Nam đang công tác tại các cơ quan nhà nước sang học tập tại Nhật Bản. Dự kiến năm 2024 sẽ có tối đa 45 ứng viên nhận học bổng đi học thạc sĩ và 5 ứng viên đi học tiến sĩ.

Từ năm 2000 đến nay, Dự án học bổng Phát triển nguồn nhân lực (JDS) triển khai tại Việt Nam đã tuyển được 827 ứng viên, trong đó có 806 người được nhận học bổng học thạc sĩ và 21 người nhận học bổng học tiến sĩ. Xuất phát từ nhu cầu thực tế và hiệu quả mà Dự án JDS đã thực hiện, Bộ GD&ĐT thống nhất với phía Nhật Bản thiết kế điều chỉnh văn kiện dự án JDS cho giai đoạn 2021-2024 phù hợp với ưu tiên phát triển nguồn nhân lực của phía Việt Nam và phù hợp với khuôn khổ hợp tác hai nước.

Theo kế hoạch, ngày 18/12, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ có các cuộc làm việc với một số cơ quan giáo dục của tỉnh Saitama, Nhật Bản để trao đổi về hợp tác trong việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về giáo dục phổ thông như: ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, PBL (Project Based Learning), giáo dục hòa nhập, sử dụng dữ liệu.

Đồng thời trao đổi một số vấn đề quan tâm như giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông, sự lồng ghép giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục quốc gia, cơ chế phân quyền và tính tự chủ của các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương và việc quản lý, quản trị nhà trường.

Thông qua chuyến thăm này, hai bên cùng nhau hướng đến hợp tác đào tạo các nhà quản lý và giáo viên phổ thông trong tương lai như đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn với phía Nhật Bản trong chuyến thăm vào tháng 10/2023.

Thực hiện Dự án học bổng Phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam (JDS), Bộ GD&ĐT đã phối hợp với phía Nhật Bản đưa ra các ngành nghề ưu tiên tuyển sinh mà Việt Nam có nhu cầu và là các chuyên ngành Nhật Bản có thể hỗ trợ như luật, chính sách công, giao thông, phát triển đô thị, nông nghiệp, phát triển nông thôn, môi trường và cải cách hành chính công.

Theo đánh giá, Dự án đã được triển khai đúng tiến độ, đúng mục tiêu và đạt hiệu quả cao. Nhiều học viên JDS trở về đã đóng góp tích cực đối với mục tiêu tổng thể của Dự án JDS, đó là góp phần cải thiện các vấn đề phát triển và góp phần tăng cường quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản.

Tính đến nay đã có 755 người đã hoàn thành khóa học về nước (750 thạc sĩ, 5 tiến sĩ). Thông qua học tập và nghiên cứu, học viên JDS được phát triển các kỹ năng và phát triển kiến thức nhằm tạo ra sự thay đổi và góp phần xây dựng mối quan hệ lâu dài giữa nhân dân hai nước. Các cựu học viên JDS trở về Việt Nam đã ứng dụng kỹ năng và kiến thức tiếp thu từ Nhật Bản, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Việt Sử (Theo Bộ GD&ĐT)

Tin cùng chuyên mục

Nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú của các gian tư vấn tại Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển đại học - cao đẳng năm 2024 dành cho thí sinh.
Nằm trong chuỗi Chương trình tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh năm 2024 do tạp chí Giáo dục TP.HCM kết hợp với Sở GD – ĐT và Đài Phát thanh - truyền hình..
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh sự ra đời Câu lạc bộ (CLB) là sự kiện lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng với giáo dục đại học Việt Nam.
Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng DN kinh doanh dịch vụ tư vấn du học (TVDH) lớn nhất cả nước. Để các DN hoạt động lành mạnh và phát triển bền vững, ngành giáo dục Thủ đô đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp; đồng thời lắng nghe ý kiến từ cơ sở.
Sáng 15/12, trường đại học Cần Thơ tổ chức tọa đàm trực tuyến lần thứ 8, trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tầm nhìn 2045.
Ngày 14 và 15/12, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM tổ chức Tuần lễ Khoa học Công nghệ lần thứ nhất.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề