Khu Công nghệ cao TP HCM hơn 20 năm bị khiếu kiện

1.400 tỷ đồng sẽ được bồi thường cho các hộ dân trước Tết Nguyên đán, sau hàng chục năm họ liên tục gửi đơn khiếu nại ra trung ương.

Tọa lạc tại cửa ngõ Đông Bắc của TP HCM, Khu Công nghệ cao (SHTP) được quy hoạch năm 1998, khánh thành năm 2002, là một trong ba Khu Công nghệ cao quốc gia do Chính phủ thành lập. Sau 17 năm, SHTP thu hút đầu tư 156 dự án với tổng số vốn 7,2 tỷ USD tập trung 4 ngành: Vi điện tử - Công nghệ thông tin - Viễn thông; Cơ khí chính xác - Tự động hóa; Công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường; Năng lượng mới - Vật liệu mới - Công nghệ Nano...

Tuy nhiên, phía sau những thành công nhìn thấy, hơn 20 năm qua cả trăm hộ dân vẫn kêu cứu đến các cơ quan trung ương, cho rằng chính quyền thành phố làm Khu Công nghệ cao không đúng bản đồ quy hoạch; không lập phương án bồi thường hỗ trợ thiệt hại theo quy định; thu hồi dư 334 ha đất ngoài ranh quy hoạch... khiến cuộc sống gia đình họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Khu Công nghệ cao TP HCM nằm ở cửa ngõ Đông Bắc. Ảnh: Google maps.

Trong quyết định đầu tiên của Thủ tướng về dự án hồi tháng 11/1998, SHTP chỉ rộng 800 ha. Bốn năm sau, TP HCM đề xuất mở rộng thêm 4 ha và được Chính phủ chấp thuận. Toàn bộ diện tích đất bị thu hồi thuộc 5 phường Tân Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Long Thạnh Mỹ và Phước Long B. Trong đợt điều chỉnh cuối cùng năm 2007, diện tích toàn dự án tăng lên 913 ha. Tổng cộng, hơn 3.100 hộ dân phải di dời.

Về các khiếu kiện của người dân, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có nhiều kết luận, thông báo. Trong kết luận gần nhất (số 659, tháng 3/2017), UBND TP HCM được xác định làm đúng thẩm quyền và phù hợp quy hoạch chung của thành phố khi ban hành Quyết định thu hồi 804 ha (Quyết định số 2666/2002) để thực hiện dự án. Tuy nhiên, việc thành phố thu hồi thêm 6,9 ha (Quyết định 2171/2003) và 102 ha (Quyết định 2193) khi chưa được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể Khu Công nghệ cao là chưa đúng trình tự, thủ tục thu hồi và giao đất.

TTCP cũng kết luận Chủ tịch UBND thành phố thời kỳ thực hiện dự án có thiếu sót là không lập phương án đền bù, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc khiếu nại bức xúc kéo dài của nhiều hộ dân. Trách nhiệm để xảy ra thiếu sót thuộc về UBND thành phố, Sở Tài chính, UBND quận 9 và Ban Quản lý SHTP.

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo thành phố bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất khu vực 41 ha (trong ranh quy hoạch). Căn cứ thực hiện tính từ thời điểm ban hành Quyết định 458 ngày 18/4/2007 của Thủ tướng (cho phép điều chỉnh diện tích dự án lên 913 ha). Riêng 49 trường hợp có đơn khiếu nại, tố cáo gửi Chính phủ, UBND thành phố phải có biện pháp giải quyết theo hướng bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất, không để phát sinh khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Khu công nghệ cao TP HCM có diện tích hơn 900 ha. Ảnh: Quỳnh Trần.

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan, các sai phạm ở dự án SHTP mang tính chất kỹ thuật, thiếu sót khi xử lý các văn bản quy phạm pháp luật. Việc triển khai dự án trải qua nhiều thời kỳ, nhưng lãnh đạo thành phố hiện nay xem trách nhiệm sửa sai thuộc về mình. "Chính sách giải quyết đền bù thế nào cũng không thể thỏa mãn hết mong muốn của bà con. Chúng tôi mong bà con chia sẻ, đồng hành cùng thành phố trong quá trình giải quyết những thiếu sót tại Khu Công nghệ cao", ông Hoan nói.

Thành phố đã dành hơn 1.400 tỷ đồng (lấy từ nguồn dự phòng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020) để bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng ở khu vực 41 ha. Do đây là đất trong ranh quy hoạch dự án nên không áp dụng chính sách như trường hợp 4,3 ha ở dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Việc bồi thường dự kiến hoàn thành trước Tết Âm lịch 2020.

Đối với 49 trường hợp đang khiếu nại, thành phố sẽ nghiên cứu cơ chế đặc thù theo hướng bán nền tái định cư cho các hộ dân theo giá bán tái định cư để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Vị trí đất nền tái định cư là tại khu đất 4.000 m2 mặt tiền đường Lê Văn Việt; một số nền đất thuộc Khu nhà ở Khang Điền, thuộc phường Phước Long B và Khu tái định cư Long Bình - Long Thạnh Mỹ.

Về xử lý trách nhiệm các cán bộ để xảy ra sai sót ở dự án này, ông Hoan cho biết, UBND thành phố chưa có kết luận nhưng việc kiểm điểm khả năng sẽ khó vì nhiều người đã về hưu, hoặc đã mất.

Theo Trung Sơn/Vnexpress

 

Tin cùng chuyên mục

Nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú của các gian tư vấn tại Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển đại học - cao đẳng năm 2024 dành cho thí sinh.
Nằm trong chuỗi Chương trình tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh năm 2024 do tạp chí Giáo dục TP.HCM kết hợp với Sở GD – ĐT và Đài Phát thanh - truyền hình..
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh sự ra đời Câu lạc bộ (CLB) là sự kiện lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng với giáo dục đại học Việt Nam.
Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng DN kinh doanh dịch vụ tư vấn du học (TVDH) lớn nhất cả nước. Để các DN hoạt động lành mạnh và phát triển bền vững, ngành giáo dục Thủ đô đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp; đồng thời lắng nghe ý kiến từ cơ sở.
Phát triển dựa vào khoa học công nghệ, trong đó có chuyển đổi số, phát triển ngành bán dẫn là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Sáng 15/12, trường đại học Cần Thơ tổ chức tọa đàm trực tuyến lần thứ 8, trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tầm nhìn 2045.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề