4 điều cần biết trước khi bước vào nghề thiết kế thời trang

Nghề thiết kế thời trang là lĩnh vực rất hấp dẫn nhưng cũng là môi trường cạnh tranh hết sức gay gắt. Đó là nghề nghiệp mà nhiều người đã thử sức nhưng ít ai vượt qua trở ngại và tạo được tiếng vang.

Lộng lẫy. Tỏa sáng. Nổi tiếng. Trở thành một nhà thiết kế thời trang hứa hẹn tất cả những điều này và hơn thế nữa. Nhưng liệu tình yêu dành cho thiết kế váy áo có đủ để giúp bạn trở thành một nhà thiết kế giỏi? Chia sẻ của người trong nghề sau đây sẽ làm rõ những điều cần biết trước khi bước vào nghề giúp bạn có quyết định sáng suốt nhất.

Nghề thiết kế thời trang là một công việc khó khăn và đôi khi bạn sẽ thấy nó khá mệt mỏi

Anh Đăng Nguyễn có hơn 5 năm làm nghề chia sẻ: “Mệt từ lúc còn học ở trường cơ. Nếu ai nói rằng lấy bằng đại học ngành thiết kế thời trang là điều dễ dàng thì đó là điều hoang đường nhất. Sinh viên thời trang thường căng thẳng và mệt mỏi hơn sinh viên các ngành khác vì lượng bài tập khổng lồ và có thời hạn hoàn thành gần như mỗi tuần. Theo lời giải thích cũng như động viên của các thầy cô thì “Các em sắp bước vào thế giới thời trang đầy cạnh tranh và đây là điều mà các em phải tập làm quen!”.

Ra trường đi làm rồi mới thấy nghề thiết kế thời trang không dễ dàng để thâm nhập. Có rất nhiều nhà thiết kế tài năng ngoài kia, nhiều lúc thấy mình chẳng khác nào một kẻ tí hon thách đấu với một gã khổng lồ. Để có chỗ đứng bạn cần phải có một porfolio tuyệt vời đồng thời biết cách “lăng xê” chính mình. Điều này nếu được thực hiện từ trên ghế nhà trường thì rất tốt. Có nhiều cuộc thi như “Nhà thiết kế trẻ” mà các bạn có thể tham dự để ghi được dấu ấn bước đầu.”

Thời trang chưa bao giờ là dễ dàng và tất nhiên không phải lúc nào cũng hào nhoáng như người ta vẫn lầm tưởng

Minh Tuyền hiện đang công tác tại một công ty thời trang có tiếng tâm sự: “Đằng sau vẻ lung linh là rất nhiều nhiệm vụ khó khăn, thời hạn nghiêm ngặt, những thay đổi vào phút cuối và những đêm mất ngủ.

Để nhận được những tràng pháo tay của khán giả dưới sàn diễn, có khi bạn phải vùi đầu vẽ vẽ tô tô từ tháng này qua tháng khác, lúc nào cũng kè kè bản phác họa và viết chì kể cả khi ăn rồi sẵn sàng bỏ hàng trăm giờ chỉ để đính đá kết cườm. Tính chất công việc như vậy đòi hỏi đam mê và kiên trì thật sự. Một nhà thiết kế thời trang cần phải tích cực, làm việc chăm chỉ và và quyết tâm đi xa hơn nữa để đạt được mục tiêu. Nếu bạn chưa có được điều này thì có lẽ thiết kế thời trang không dành cho bạn!”

“Để theo đuổi nghề thiết kế thời trang, bạn phải có những kỹ năng độc đáo bên cạnh việc làm việc chăm chỉ.”

Nhà thiết kế thành công luôn có sự kết hợp hài hòa giữa nhiều yếu tố

Dương Nhi, nhà thiết kế áo cưới nêu quan điểm: “Mạnh về tài chính hay vững vàng kiến thức thời trang chỉ giúp con đường bước vào nghề thiết kế thời trang của bạn bớt chông gai hơn. Nhưng thiết kế được đón nhận hay không lại là chuyện khác. Nhà thiết kế thành công luôn có sự kết hài hòa giữa trải nghiệm + kiến thức + sự sáng tạo độc đáo.

Trải nghiệm ở đây là quan sát xung quanh để lấy cảm hứng từ mọi thứ, có thể là thú cưng của bạn, trần nhà của căn phòng, âm nhạc, sự kiện, rạp chiếu phim, bài thơ, hình ảnh, thiên nhiên hoặc con người… Bộ sưu tập thời trang lấy cảm hứng từ những kỷ niệm đẹp mà bạn có về người bà của mình. Tại sao không? Quan trọng là tầm nhìn sáng tạo và cách bạn diễn giải nó như thế nào.

Chỉ có sáng tạo và tư duy đột phá bạn mới tạo ra các thiết kế khác biệt thu hút mọi người đặt mua hoặc được bàn luận sôi nổi trên các tạp chí nổi tiếng. Thử lấy áo vest làm ví dụ. Bạn có thể thấy cách áo vest được thiết kế vài năm trước. Chúng thường được kết hợp với quần dài hoặc váy ngắn, với màu sắc đen, xanh hoặc xám là phổ biến và sau đó nó được may dài hơn, kết hợp với quần sọt và cả váy dài với nhiều màu sắc nổi bật như xanh lá, hồng, đỏ, vàng… Áo vest bây giờ không còn dành riêng cho công sở nữa mà có thể đi chơi, tiệc tùng các kiểu… Tất cả những thay đổi này đến từ sự đổi mới và sáng tạo không ngừng nghỉ của các nhà thiết kế.

Tất nhiên sáng tạo không chỉ cần thiết khi làm việc với các mẫu thiết kế mà nó còn quan trọng khi nghĩ ra các giải pháp khả thi trong khuôn khổ ngân sách và áp lực thời gian… Có ai đó đã nói rằng nghề thiết kế thời trang chỉ dành cho những người tận tâm và sáng tạo nhất hành tinh, không có chỗ trên đỉnh cao cho những kẻ tầm thường. Đã có hơn 7 năm dấn thân trong nghề mình thấy điều này hoàn toàn đúng.”

Bạn cần phải có tinh thần thép cùng với sự tự tin để đối phó với những lời chỉ trích

Mỹ Anh, chủ shop thương hiệu thời trang công sở bày tỏ: “Bạn có phải là người chấp nhận nghe lời chỉ trích mà tinh thần vẫn không lung lay dao động? Nếu có thì chúc mừng bạn đã đạt được một tiêu chí cực kỳ quan trọng với người làm nghề thiết kế thời trang. Sẽ không có chuyện đồng nghiệp, cộng đồng người yêu thích thời trang nương tay khi phê bình các thiết kế của bạn. Bạn cần phải có tinh thần thép cùng với sự tự tin để đối phó với những lời chỉ trích đôi khi là rất khó nghe và bất hợp lý.

Thời trang là chủ quan giống như bất kỳ môn nghệ thuật nào khác, bạn sẽ luôn nhận được cả những bình luận cả tích cực và tiêu cực. Quan trọng là hãy làm quen với nó, chấp nhận lắng nghe và rơi nước mắt ở mức tối thiểu.

Ngay cả khi mắc một lỗi nhỏ, bạn cũng không nên để nó ảnh hưởng đến bất kỳ công việc nào của mình. Luôn tự hào về những gì bạn đã đạt được và những gì bạn học được thông qua đó. Nếu bạn không chắc chắn về công việc của mình, những người khác cũng sẽ như vậy… ngay cả khi các tác phẩm của bạn thực sự tuyệt vời!”

Theo Pha Lê/ CareerLink

Tin cùng chuyên mục

Game đang trở thành một trong nhiều ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào nền kinh tế số. Đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ, ngành game Việt đang “khát” nguồn nhân lực chất lượng, được đào tạo bài bản.
Trong Hội nghị thượng đỉnh chính phủ thế giới diễn ra vào tháng 2/2024, lời phát biểu của ông Jensen Huang - Giám đốc điều hành Tập đoàn Nvidia - đã gây sự chú ý lẫn những tranh luận đa chiều. Theo ông, giới trẻ không cần học lập trình nữa bởi trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ làm việc đó; giới trẻ chỉ nên học các ngành sinh học, giáo dục, nông nghiệp…
Quan hệ công chúng (viết tắt là PR) là một ngành thuộc lĩnh vực truyền thông.
Trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh giúp học sinh, sinh viên có thêm nhiều cơ hội học tập và nghiên cứu sâu về lĩnh vực này.
Ai cũng cần những người thầy trong đời. Người thầy đứng trên bục giảng nhìn xuống những gương mặt chăm chú của học trò để biết kiến thức của mình đang được gieo xuống mảnh đất màu mỡ mỗi ngày. Ở đó những mầm xanh hối hả vươn lên!
Điện thoại, máy tính, ti vi hay xe máy, ô tô, máy bay,… đều không thể vận hành nếu thiếu một thành phần cốt lõi, chip bán dẫn. Trong đó, các mạch tích hợp chứa hàng triệu, thậm chí hàng tỷ thành phần điện tử trên một chíp bán dẫn, giúp tạo ra các bộ vi xử lý mạnh mẽ, bộ nhớ dung lượng lớn và các ứng dụng di động ngày càng nhỏ gọn. Quá trình tạo ra các mạch tích hợp ấy chính là nhiệm vụ của ngành thiết kế vi mạch.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề