Vì sao nhu cầu tuyển dụng một số ngành nghề sụt giảm?

Trong 4 tháng đầu năm 2023, nhu cầu tuyển dụng lao động giảm trung bình 18%, lĩnh vực giảm sâu nhất lên đến 43% so với thời điểm thị trường ổn định trước dịch.

Mới đây, Navigos Group đã có một số ghi nhận về biến động thị trường lao động so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch Covid-19 thông qua báo cáo và phân tích tình hình tuyển dụng tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2023. Báo cáo này được tổng hợp dựa vào nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tại các kênh tuyển dụng VietnamWorks và Navigos Search.

Theo báo cáo, nhu cầu tuyển dụng của các ngành trong 4 tháng đầu năm 2023 giảm trung bình 18% so với thời điểm trước dịch; và giảm trung bình 16% so với thời điểm phục hồi sau dịch (năm 2022).

Nhu cầu tuyển dụng lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn giảm sút trong 4 tháng đầu năm 2023. MỸ QUYÊN

Du lịch, nhà hàng, khách sạn giảm sâu nhất

Chuyên gia của Navigos Group cho rằng du lịch, nhà hàng, khách sạn được xem là lĩnh vực chịu ảnh hưởng sâu sắc từ đại dịch Covid-19. 

Trong 4 tháng đầu năm 2022, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của lĩnh vực này giảm sâu đến 55% so với thời điểm bình ổn trước dịch. Còn trong 4 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ sụt giảm là 43%, cao nhất trong tất cả các lĩnh vực.

Lĩnh vực dệt may và da giày đứng thứ 2, với tỷ lệ sụt giảm 39% do chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Lạm phát tại các thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế đều tăng cao đã tác động lên sức mua, đơn hàng và đơn giá của doanh nghiệp.

Xây dựng và bất động sản giảm sút 34%, theo đại diện Navigos Group, nguyên nhân đến từ tác động của các chính sách nhà nước khi có sự thắt chặt về tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp.

Với công nghệ thông tin, nhu cầu tuyển dụng 4 tháng đầu năm nay giảm sút 20% dù lĩnh vực này luôn được xem là xu hướng của Việt Nam và toàn thế giới. Nguyên nhân cũng được nhận định là do ảnh hưởng của suy thoái từ biến động kinh tế thế giới từ năm 2022 đến nay.

Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng lĩnh vực ngân hàng dịch vụ tài chính lại tăng trưởng 10% so với thời điểm cùng kỳ đang bình ổn trước dịch Covid-19. "Sự tăng này đến từ xu hướng toàn ngành về chuyển đổi số, phát triển ngân hàng bán lẻ, tăng thu nhập dịch vụ, đa dạng hệ sinh thái và bùng nổ xu hướng đầu tư trên các kênh điện tử. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này còn thấp so với đầu năm 2022. Dự báo lĩnh vực này sẽ vẫn gặp nhiều thách thức trong năm 2023", đại diện Navigos Group nhận định.

Nhiều doanh nghiệp sẽ cắt giảm trên 5% lao động từ nay đến hết năm 2023

Theo báo cáo khảo sát khó khăn doanh nghiệp và triển vọng kinh tế cuối năm 2023 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, làn sóng sa thải người lao động có thể sẽ còn tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do doanh nghiệp khó khăn. Khoảng 5.200 trong số gần 9.560 doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ cắt giảm trên 5% lao động từ nay đến hết năm 2023.

Navigos Group dự báo cho đến khi nền kinh thế giới chạm đáy và phục hồi trở lại, các doanh nghiệp sẽ cố gắng thực hiện những biện pháp cắt giảm chi phí để bảo toàn nhân sự hoặc có thể sẽ càng thắt chặt thêm nếu tình hình trở nên tệ hơn. Như vậy, nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới có thể sẽ chưa có gì đột phá.

Theo Mỹ Quyên/TNO

Tin cùng chuyên mục

Nhu cầu nhân lực ngành trí tuệ nhân tạo tạo sinh GenAI có xu hướng tăng vọt. Công việc có kỹ năng GenAI được trả lương cao hơn 47% so với các công việc khác ngay trong lĩnh vực CNTT.
Dưới đây là gợi ý những ngành học được dự đoán dễ xin việc làm trong tương lai và có mức lương cao dành cho bạn tham khảo thêm.
Ngày 18.5, theo thống kê trên cổng thông tin của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), trong tháng 4, có 2.267 người tìm việc và 6.280 công việc đang tuyển dụng.
ĐH Quốc gia TP.HCM vừa ban hành thông báo tuyển dụng các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành về công tác đợt 2 theo Chương trình VNU350. Trong đó, một đơn vị công bố mức thu nhập trung bình từ 28-51 triệu đồng/tháng dành cho ứng viên tham gia chương trình tuyển dụng.
Kết quả của một khảo sát mới công bố cho thấy 99% người lao động Việt Nam nghĩ rằng việc tìm thấy ý nghĩa trong công việc thực sự quan trọng đối với họ. Đáng chú ý, chỉ 11% hài lòng về ý nghĩa công việc hiện tại.
Bộ GD-ĐT cho hay, mỗi năm các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thú y cần đến 46.000 lao động trình độ từ cao đẳng trở lên (chưa kể trung cấp). Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, số lượng nhân lực nhóm ngành này chỉ đáp ứng được khoảng 11,2% nhu cầu.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề