Hơn 35% công việc đang tuyển tại TP.HCM không cần bằng cấp

Ngày 18.5, theo thống kê trên cổng thông tin của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), trong tháng 4, có 2.267 người tìm việc và 6.280 công việc đang tuyển dụng.

Trong đó, ghi nhận tới 2.035 vị trí công việc ngành lao động phổ thông, 1.622 vị trí ngành thực phẩm - đồ uống và 1.230 vị trí cần tuyển trong ngành sản xuất da giày - may mặc.

Những ngành như báo chí - thông tin, địa lý - đất đai, giáo dục - chính trị - triết học, hóa chất - sinh học, kinh tế, luật, nông - lâm - thủy sản, sư phạm - giáo dục, tài nguyên - môi trường, văn hóa - xã hội không tuyển bất kỳ vị trí nào (tức số lượng người lao động cần tuyển là 0).

Trong khi đó, nhu cầu tìm việc của người lao động trải đều trên nhiều vị trí. Ví dụ, có 82 người tìm công việc ngành báo chí - thông tin, 98 người tìm công việc ngành địa lý - đất đai, 157 người cần công việc ngành giáo dục - chính trị - triết học, 137 người đang tìm vị trí công việc ngành kinh tế…

Người lao động có trình độ phổ thông ứng tuyển vào một công ty may tại TP.HCM. TRỌNG NGHĨA

Phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhu cầu tuyển dụng người lao động không bằng cấp chiếm tới 35,35%. Theo sau đó, có 27,87% nhu cầu tuyển người lao động có chứng chỉ nghề ngắn hạn dưới 3 tháng; 14,25% tuyển người có trình độ trung cấp; 10,06% tuyển người có trình độ cao đẳng; 6,70% tuyển người có trình độ sơ cấp từ 3 - 12 tháng. Đáng lưu ý, chỉ có 5,76% nhu cầu tuyển dụng người có trình độ đại học trở lên.

Trước đó, hồi cuối tháng 3, các số liệu từ báo cáo quý 1/2024 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) cũng đặt ra lo ngại rằng TP.HCM đang thiếu lao động phổ thông và thừa nhân lực có trình độ cao, như từ đại học trở lên.

Cụ thể, quý 1/2024, qua khảo sát nhu cầu nhân lực của 14.300 lượt doanh nghiệp với 82.600 chỗ làm việc cho thấy nhu cầu tuyển người có trình độ đại học trở lên chiếm 21,30%; cao đẳng chiếm 19,32%; trung cấp chiếm 23,60%; sơ cấp là 22,26% và lao động phổ thông cần tới 13,52%.

Trong khi đó, khảo sát 37.235 người lao động thì nhu cầu tìm việc làm có trình độ đại học trở lên chiếm tới 62,42%; cao đẳng là 12,68%; trung cấp là 11,77%; sơ cấp là 10,34% và lao động phổ thông chỉ có 2,79%.

Chưa có ứng viên Việt Nam đáp ứng nhu cầu của công ty nước ngoài

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM, từ ngày 1.1 - 5.3, đơn vị tiếp nhận 3.377 thông báo của doanh nghiệp về việc tuyển dụng lao động Việt Nam (lao động chất lượng cao) vào các vị trí dự kiến tuyển dụng lao động người nước ngoài theo Nghị định 70 của Chính phủ năm 2023. Các doanh nghiệp tuyển tới 7.052 vị trí tuyển dụng.

Hiện theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM, có 789 vị trí, chức danh công việc là quản lý, chuyên gia, lao động chuyên môn kỹ thuật còn trong thời hạn tuyển dụng với mức lương 50 triệu đồng/tháng.

Đơn vị cũng ghi nhận có 276 lượt người lao động Việt Nam tương tác ứng tuyển nhưng chưa có người nào trúng tuyển vào các vị trí tuyển dụng.

Lý do, thứ nhất vì một phần người lao động Việt Nam có trình độ cao chưa biết nhiều về thông tin này. Thế nên, thời gian tới các cơ quan nhà nước cần truyền thông nhiều hơn để thông tin tuyển dụng tiếp cận nhiều người hơn.

Thứ hai, yêu cầu của nhà tuyển dụng cao, khắt khe, cộng gộp nhiều yếu tố dẫn đến người lao động Việt Nam chưa tiếp cận được các vị trí việc làm đang tuyển dụng.

Theo Phạm Thu Ngân/ Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Quy mô vốn Nhà nước đầu tư cho hạ tầng đang tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xây dựng.
Trong quý cuối cùng của năm 2024, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng các vị trí như nhân viên bán hàng, tiếp thị, phát triển sản phẩm, kỹ sư công nghệ... đối với sinh viên tốt nghiệp CĐ, ĐH. Đặc biệt, có một lĩnh vực luôn có mức lương cao vượt trội so với các ngành nghề khác.
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc mở rộng ra thị trường quốc tế luôn “khát” nhân lực giỏi ngoại ngữ.
Để giải quyết nghịch lý tình trạng thiếu giáo viên mà không sử dụng hết biên chế được giao trong khi sinh viên sư phạm ra trường không tìm được việc làm, có những giải pháp đã được đặt ra.
Việc sản xuất, lắp ráp ô tô trở thành lĩnh vực mũi nhọn và được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mạnh mẽ.
Không chỉ những tập đoàn lớn đang ra sức “săn đón” nhân sự ngành trí tuệ nhân tạo (AI) mà nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng ráo riết tuyển dụng.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.