Không ít ngành học có đầu vào “dễ thở”, đầu ra dễ tìm việc

Bộ GD-ĐT cho hay, mỗi năm các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thú y cần đến 46.000 lao động trình độ từ cao đẳng trở lên (chưa kể trung cấp). Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, số lượng nhân lực nhóm ngành này chỉ đáp ứng được khoảng 11,2% nhu cầu.

Việc luôn tìm người

Trên các trang tuyển dụng, kỹ sư nông, lâm, thủy sản thường được rao tuyển với mức lương trung bình từ 10-15 triệu đồng/tháng. Trong đó, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kết Nông (TPHCM) tuyển kỹ sư nông nghiệp chăm sóc cây chuối. Công ty cổ phần Bidicomed (tỉnh Bình Định) tuyển kỹ sư chăm sóc dược liệu…

Doanh nghiệp và sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trao đổi ở Ngày hội việc làm năm 2023 - ẢNH: M.T.

Một số đơn vị trả mức lương cao hơn như: Công ty cổ phần Xây lắp 319 (Hà Nội) tuyển kỹ sư lâm nghiệp - nông học, lương 12-18 triệu đồng/tháng. Hệ thống vườn Tùng Toàn JP (Hà Nội) tuyển kỹ sư cảnh quan, lương 18-22 triệu đồng/tháng…

Công ty TNHH Sunjin Vina (100% vốn Hàn Quốc, đóng tại tỉnh Đồng Nai) đang tuyển dụng nhiều vị trí: Lao động tốt nghiệp trung cấp (trở lên) ngành chăn nuôi thú y, có từ 1-5 năm kinh nghiệm cho các vị trí nhân viên kỹ thuật thị trường, mức lương từ 15-20 triệu đồng/tháng; lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học (ĐH) ngành nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản có từ 3-5 năm kinh nghiệm cho vị trí quản lý kinh doanh thức ăn thủy sản, mức lương từ 25-40 triệu đồng/tháng; lao động tốt nghiệp cao đẳng, ĐH các ngành thú y, có ít nhất 1 năm kinh nghiệm cho vị trí nhân viên kinh doanh thuốc thú y và nhân viên tư vấn kỹ thuật thú y, mức lương lần lượt từ 15-25 triệu đồng/tháng và 18-25 triệu đồng/tháng…

Đầu năm 2023, Công ty TNHH Hóa dược Hoàng An (TPHCM) có nhu cầu tuyển 20 kỹ sư nông nghiệp để phát triển thị trường Tây Nguyên. Các yêu cầu không quá khó: Tốt nghiệp trung cấp trở lên, thuộc các ngành nông học, lâm nghiệp, bảo vệ thực vật, khoa học cây trồng… Ngoài lương, đơn vị còn lo ăn, ở, phụ cấp… cho người lao động. Đơn vị ưu tiên ứng viên có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và gia đình có làm nông nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa tìm được nguồn tuyển.

Phân viện Điều tra, quy hoạch rừng Nam Trung bộ và Tây Nguyên (thuộc Viện Điều tra, quy hoạch rừng) có nhu cầu tuyển dụng nhiều vị trí từ năm 2022. Yêu cầu tốt nghiệp từ trung cấp trở lên các chuyên ngành lâm nghiệp, lâm sinh, quản lý tài nguyên rừng, quản lý đất đai; mức lương từ 15 triệu đồng trở lên. Cuối năm 2023, thông báo tuyển dụng còn được gửi đến Trường ĐH Tây Nguyên, nhưng đến nay nhiều vị trí vẫn đang “chờ người”.

Các trường ĐH Lâm nghiệp, Tây Nguyên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam… cho biết, hằng năm, các doanh nghiệp phối hợp với nhà trường tổ chức ngày hội việc làm để tìm kiếm nhân lực, song số sinh viên sắp ra trường mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của doanh nghiệp.

Đầu vào “dễ thở”

Theo Bộ GD-ĐT, năm 2022 cả nước có 521.263 sinh viên nhập học ở 25 lĩnh vực đào tạo. Trong đó chỉ 7.100 sinh viên nhập học khối ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản và thú y, chiếm tỉ lệ 1,37%. Trong khi hiện nay, khoảng 30% lao động đang hoạt động ở nhóm ngành nghề này.

Nhiều năm qua, điểm chuẩn đầu vào của nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, thú y đều “dễ thở” nhất. Từ năm 2021-2023, điểm trúng tuyển tất cả các ngành theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT của Trường ĐH Lâm nghiệp là 15.

Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, điểm trúng tuyển năm 2022 các ngành chăn nuôi, chăn nuôi thú y, công nghệ rau hoa quả và cảnh quan, công nghệ sinh dược, công nghệ thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch, nông nghiệp công nghệ cao là 16. Các ngành bệnh học thủy sản, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ thực vật, khoa học cây trồng, nông nghiệp có điểm trúng tuyển chỉ 15. Năm 2023, học viện lấy 17 điểm với các ngành chăn nuôi thú y - thủy sản; nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp đô thị; quản lý đất đai, bất động sản và môi trường. Ngành công nghệ sinh học và công nghệ dược liệu có điểm chuẩn là 18. Cao nhất là điểm chuẩn 19 của ngành thú y.

Điểm chuẩn năm 2022, 2023 của Trường ĐH Nông Lâm TPHCM với các ngành công nghệ chế biến thủy sản, công nghệ chế biến lâm sản, chăn nuôi, phát triển nông thôn, lâm học, lâm nghiệp đô thị, quản lý tài nguyên rừng, nuôi trồng thủy sản là 16. Điểm chuẩn các ngành nông học, bảo vệ thực vật, kinh doanh nông nghiệp là 17.

Mấy năm gần đây, Trường ĐH Tây Nguyên lấy điểm chuẩn cho các ngành chăn nuôi, công nghệ thực phẩm, khoa học cây trồng, bảo vệ thực vật, kinh tế nông nghiệp, lâm sinh, thú y theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT là 15, theo phương thức xét điểm học bạ là 18. Năm 2023, các ngành công nghệ chế biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, khoa học thủy sản, quản lý thủy sản, nuôi trồng thủy sản của Trường ĐH Nha Trang có điểm chuẩn từ 16-16,5. Năm 2022, điểm chuẩn các ngành này chỉ từ 15,5-16 điểm.
Do con số tuyển được của nhóm ngành này luôn thấp hơn chỉ tiêu nên các trường vẫn đang tìm mọi cách để phát triển, tạo cơ hội cho sinh viên.

Tiến sĩ Phạm Văn Điển - Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp - thông tin, trường có hướng mở ra một số ngành mới để phù hợp với nhu cầu nhân lực như logistics trong nông - lâm nghiệp, kỹ nghệ gỗ và nội thất... Trường cũng đã ký kết cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ. Đồng thời cam kết 100% sinh viên được giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã liên kết với trên 200 doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế lớn. Từ năm học 2020-2021, học viện đã cùng Công ty cổ phần GREENFEED Việt Nam đào tạo chuẩn hóa cho sinh viên các ngành chăn nuôi và chăn nuôi thú y. Ngoài hỗ trợ thực hành, thực tập của sinh viên tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, các chuyên gia của công ty còn tham gia giảng dạy những chuyên đề lý thuyết.

Nông, lâm, ngư nghiệp đang là nhóm ngành quan trọng trong phát triển kinh tế của nước ta. Nền nông nghiệp của nước ta được định hướng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững, nên đây chắc chắn là nhóm ngành ngày càng cần nhiều nhân lực chất lượng.

Theo Uông NgọcPhụ nữ TP.HCM

Tin cùng chuyên mục

Các hoạt động chia sẻ từ các chuyên gia cùng với khu vực triển lãm các gian hàng là nơi quy tụ của các đơn vị doanh nghiệp, tổ chức cung cấp việc làm xanh, kỹ năng xanh cho thanh niên là cơ hội để giới trẻ Việt Nam có được định hướng nghề nghiệp tốt và nắm bắt cơ hội trong quá trình xây dựng nền kinh tế xanh của đất nước.
Kết quả khảo sát tình hình việc làm năm 2023 của ĐH Quốc gia TP.HCM cho thấy, phần lớn sinh viên ĐH này sau khi tốt nghiệp đã chọn làm việc tại TP.HCM.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khi triển khai sẽ cần số lượng lớn nguồn nhân lực. Nhưng hiện nay, các trường đại học trong nước khó có thể đào tạo kịp với nhu cầu thực tế.
Các chuyên gia, ĐBQH cho rằng,dự thảo Luật Nhà giáo cần có những chính sách đột phá cho giáo viên và ưu tiên, khuyến khích người giỏi vào sư phạm.
Theo các chuyên gia, đã đến lúc Việt Nam phải sẵn sàng “mở cửa” đón nhận các “đại bàng” công nghệ vào đầu tư, hợp tác, bằng việc giải quyết bài toán nhân lực thông qua việc thay đổi tư duy đào tạo từ sớm.
Công nghiệp bán dẫn đang được coi là trụ cột quan trọng của nền kinh tế số. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang tích cực mở cửa chính sách, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tham gia phát triển ngành công nghiệp này.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.