Chỉ 11% người lao động Việt Nam hài lòng về ý nghĩa công việc hiện tại

Kết quả của một khảo sát mới công bố cho thấy 99% người lao động Việt Nam nghĩ rằng việc tìm thấy ý nghĩa trong công việc thực sự quan trọng đối với họ. Đáng chú ý, chỉ 11% hài lòng về ý nghĩa công việc hiện tại.

Trong báo cáo “Tìm kiếm ý nghĩa trong công việc” công bố ngày 3.5, các chuyên gia phân tích ý kiến của 2.023 người tham gia khảo sát từ 6 quốc gia Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam).

Theo báo cáo, 99% trong số 274 người tham gia khảo sát ở Việt Nam cho rằng việc tìm thấy ý nghĩa trong công việc thực sự quan trọng đối với họ.

Cũng theo báo cáo, 40% người ở Việt Nam xác định mức lương và sự ổn định trong công việc là ưu tiên hàng đầu. Đáng chú ý, người lao động Việt cho rằng họ theo đuổi mức lương cao không phải vì mong muốn giàu có hơn mà nhằm mục đích chu cấp, mang đến một cuộc sống thoải mái hơn cho gia đình.

40% người lao động ở Việt Nam xác định mức lương và sự ổn định trong công việc là ưu tiên hàng đầu. MANPOWER

3 thách thức đối với người tìm việc

Bên cạnh đó, báo cáo chỉ ra rằng khoảng 11% người lao động Việt Nam cảm thấy “rất hài lòng” về mức độ ý nghĩa mà vị trí việc làm hiện tại của họ đem lại - tỷ lệ thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đây là điều các nhà tuyển dụng cần lưu ý nếu muốn tạo sự khác biệt trong việc thu hút nhân sự giỏi.

Báo cáo cũng chỉ ra 3 thách thức hàng đầu mà người lao động Việt Nam phải đối mặt khi tìm kiếm việc làm có ý nghĩa là: Các cơ hội việc làm xanh và việc làm vì cộng đồng còn hạn chế (34%); phải cân bằng giữa trách nhiệm cá nhân với mong muốn nghề nghiệp (18%); và thiếu kỹ năng và kinh nghiệm làm việc cần thiết (13%).

Theo báo cáo, 98% người tham gia khảo sát từ 6 quốc gia Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Việt Nam, và Thái Lan) cho biết việc tìm thấy ý nghĩa trong công việc thực sự quan trọng đối với họ. Chỉ 21% cảm thấy “rất hài lòng” với mức độ ý nghĩa mà công việc hiện tại của họ đem lại. Đáng chú ý, 84% người lao động đã chuyển đổi nghề nghiệp cho biết họ cảm thấy rất hài lòng với công việc mới. Ngoài ra, 77% cho rằng danh tiếng của công ty, nhất là về trách nhiệm xã hội, đã trở thành một yếu tố quan trọng đối với người tìm việc.

Theo ông Simon Matthews, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của ManpowerGroup, kết quả khảo sát thể hiện sự thay đổi về thái độ và kỳ vọng của người lao động Việt Nam đối với doanh nghiệp, môi trường làm việc và tính chất công việc trong năm qua.

“Bằng cách nuôi dưỡng văn hóa doanh nghiệp, coi trọng tính liêm chính về mặt đạo đức và đề cao phát triển bền vững, các doanh nghiệp có thể xây dựng hình ảnh tích cực khi không chỉ là nơi làm việc lý tưởng với người lao động mà còn là tổ chức có nhiều đóng góp có trách nhiệm cho xã hội và môi trường”, ông Matthews chia sẻ.

Ông Francois Lancon, Chủ tịch khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Trung Đông của ManpowerGroup, cho biết: “Kết quả khảo sát nhất quán với niềm tin cốt lõi của ManpowerGroup rằng công việc có ý nghĩa là động lực chính mang lại hạnh phúc, sức khỏe và năng suất cho người lao động".

Theo Phúc Duy/ Thanh niên

 

Tin cùng chuyên mục

Nhu cầu nhân lực ngành trí tuệ nhân tạo tạo sinh GenAI có xu hướng tăng vọt. Công việc có kỹ năng GenAI được trả lương cao hơn 47% so với các công việc khác ngay trong lĩnh vực CNTT.
Dưới đây là gợi ý những ngành học được dự đoán dễ xin việc làm trong tương lai và có mức lương cao dành cho bạn tham khảo thêm.
Ngày 18.5, theo thống kê trên cổng thông tin của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), trong tháng 4, có 2.267 người tìm việc và 6.280 công việc đang tuyển dụng.
ĐH Quốc gia TP.HCM vừa ban hành thông báo tuyển dụng các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành về công tác đợt 2 theo Chương trình VNU350. Trong đó, một đơn vị công bố mức thu nhập trung bình từ 28-51 triệu đồng/tháng dành cho ứng viên tham gia chương trình tuyển dụng.
Bộ GD-ĐT cho hay, mỗi năm các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thú y cần đến 46.000 lao động trình độ từ cao đẳng trở lên (chưa kể trung cấp). Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, số lượng nhân lực nhóm ngành này chỉ đáp ứng được khoảng 11,2% nhu cầu.
Dù doanh nghiệp khối kỹ thuật, xây dựng, môi trường... vào tận trường đặt hàng nhưng những năm gần đây, các ngành này lại khó tuyển sinh.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề