Đây là một trong những chuyên đề được chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc tế “Ngôn ngữ học ứng dụng – xu hướng chuyển đổi trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương – APCAL HANU”.
Chương trình do trường ĐH Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Ngôn ngữ học ứng dụng Australia tổ chức từ ngày 28 - 30/11.
Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, diễn giả, nhà nghiên cứu hàng đầu về ngôn ngữ học ứng dụng trong và ngoài nước. Ảnh: Trường ĐH Hà Nội
Hội thảo nhằm kết nối các nhà nghiên cứu trong nước và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong lĩnh vực ngôn ngữ học ứng dụng, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy trong xu hương chuyển đổi, đưa ra những đề xuất thiết thực và thúc đẩy đổi mới trong giảng dạy ngôn ngữ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề như: Ngôn ngữ học; Ngôn ngữ và Công nghệ; Đánh giá năng lực ngôn ngữ; Tiếng Anh như một phương tiện trong đào tạo các chuyên ngành; Dịch thuật; Giáo dục ngôn ngữ (phương pháp giảng dạy, phát triển chương trình, thụ đắc ngôn ngữ, phát triển chuyên môn của giảng viên v.v.); Văn hóa, Văn học trong giảng dạy ngôn ngữ.
Hội thảo chuyên đề số 1 với chủ đề “Phản hồi dưới dạng đối thoại trong hướng dẫn nghiên cứu” dành cho các ứng viên thạc sĩ, tiến sĩ và các giảng viên hướng dẫn. Hội thảo được chủ trì bởi GS.TS Elke Strackle - một nhà nghiên cứu về Ngôn ngữ học ứng dụng giàu kinh nghiệm đến từ Khoa giáo dục, Đại học Canberra, Úc.
Hội thảo chuyên đề số 2 “Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy ngoại ngữ” do Tiến sĩ Paul Moore - giảng viên chương trình Ngôn ngữ học ứng dụng sau Đại học tại Trường Ngôn ngữ và Văn hóa trực thuộc Đại học Queensland, Úc chủ trì.
Tại Hội thảo, Tiến sĩ Moore đã giới thiệu các nguyên tắc của phương pháp tiếp cận “ưu tiên sư phạm” hướng tới phát triển bền vững khi ứng dụng công nghệ bản địa hoá trong việc dạy và học ngôn ngữ. Mục đích của hội thảo không phải là giới thiệu công nghệ, mà là để người tham gia suy nghĩ về “độ sâu của phương pháp sư phạm” và “độ rộng của công nghệ”.
Qua đó nhằm khuyến khích việc áp dụng những nguyên tắc này vào thực tiễn hiện tại của mỗi người và chia sẻ những quan sát của họ về chiều sâu của phương pháp sư phạm thông qua các công cụ công nghệ cụ thể.
TS Đặng Xuân Thu (Đại học Torrens, Úc) đã có những chia sẻ tổng hợp, phân tích cách nâng cao khả năng viết trong việc sử dụng các ứng dụng được chấp nhận và nguyên tắc đạo đức của ChatGPT.
TS Đặng Xuân Thu trình bày chuyên đề tại Hội thảo. Ảnh: Trường ĐH Hà Nội
TS Thu trình bày các nội dung hướng tới hai mục tiêu chính gồm: Khám phá cách sử dụng được chấp nhận và không được chấp nhận của ChatGPT khi học các kỹ năng viết; Đề xuất hướng dẫn đảm bảo sinh viên sử dụng ChatGPT một cách đúng đắn khi cải thiện khả năng viết.
Các thông tin được TS Đặng Xuân Thu tổng hợp, phân tích qua các nghiên cứu trong giai đoạn 2022-2023 và kinh nghiệm thực hành trong lĩnh vực giáo dục đại học tại Úc. Nhờ đó, các đại biểu tham dự có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin quý báu, giúp định hướng tốt hơn các ranh giới và tiềm năng của ChatGPT. Từ đó tối ưu hóa tiềm năng của ChatGPT trong khi vẫn đảm bảo tính liêm chính học thuật.
Việt Sử/ Nguồn: Trường ĐH Hà Nội