Vì sao nhiều thí sinh điểm cao lại từ chối học đại học?

Hàng trăm thí sinh có mức điểm cao đã quyết định không xét tuyển ĐH hoặc có khả năng đậu vào ĐH nhưng quyết định học trường CĐ. Trong đó, có người đạt 25, 26 điểm thi và hơn 900 điểm đánh giá năng lực.

Chọn lối đi phù hợp với điều kiện bản thân

Bùi Chí Hào quê ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, một thí sinh đạt điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM 915 điểm. Thế nhưng Hào đã quyết định nhập học ngành kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí của Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng.

Vì sao nhiều thí sinh điểm cao lại từ chối học đại học?

Sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng đăng ký tuyển dụng trong ngày hội việc làm của trường mới đây. N.V.S

Hào cho biết: "Em cũng đăng ký nguyện vọng vào các ngành tự động hóa và nhiệt lạnh của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Với mức điểm thi đánh giá năng lực này cộng với điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ cao, em tự tin là mình sẽ đậu nhưng quyết định chọn học CĐ, không đợi kết quả ĐH nữa. Lý do là ba mẹ định hướng cho em học CĐ từ đầu vì chỉ học 3 năm là có thể ra đi làm, chi phí học cũng thấp. Em tìm hiểu và nhận thấy học CĐ được thực hành nâng cao tay nghề nhiều nên cũng thích".

Trong khi đó, Thái Quang Lộc (Đồng Phú, Bình Phước) thi tốt nghiệp THPT được 26,1 điểm, là thủ khoa ngành công nghệ kỹ thuật ô tô ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT của Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cũng từ chối xét tuyển ĐH.

"Gia đình em không quá khó khăn nhưng nếu học ĐH thì thời gian lâu hơn, học phí cao hơn nên em lo ba mẹ sẽ nặng gánh tài chính, phải vất vả xoay xở. Em tìm hiểu và suy nghĩ rất kỹ, thấy nhiều người không học ĐH nhưng ra đời chịu khó học hỏi vẫn thành công. Học CĐ ngày nay rất dễ tìm việc, ngành công nghệ kỹ thuật ô tô em chọn cũng đang hot, nên em rất an tâm", Lộc bày tỏ.

Cũng có điểm thi cao (25,55), Nguyễn Thị Kim Liên (huyện Tánh Linh, Bình Thuận) chọn học ngành logistics của Trường CĐ Kinh tế đối ngoại và trở thành thủ khoa của trường ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Còn Trương Thị Lệ Tâm đạt 28,63 điểm học bạ, trở thành thủ khoa của Trường CĐ Kinh tế đối ngoại ở phương thức xét tuyển học bạ.

"Nhà em có 3 chị em đang đi học, ba mẹ lại làm nông nên em chọn học CĐ để học phí rẻ hơn, lại nhanh tốt nghiệp đi làm", Kim Liên chia sẻ. Lệ Tâm thì ngay từ đầu xác định học ngành kinh doanh xuất nhập khẩu hệ CĐ mà không xét tuyển vào bất kỳ trường ĐH nào vì kinh tế gia đình và muốn đi làm sớm.

Ngô Trọng Thoại (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), đạt 29,3 điểm học bạ, là thủ khoa ở phương thức xét học bạ của Trường CĐ Công thương TP.HCM, nhìn nhận: "Học CĐ được thực hành nhiều. Em muốn tay nghề mình thật vững vàng, ra đi làm xong tiếp tục liên thông lên ĐH. Học ĐH từ đầu cũng tốt nhưng đó không phải là con đường duy nhất. Em đã chọn cho mình con đường phù hợp với điều kiện của bản thân".

Ra trường dễ kiếm việc làm

Tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết: "Hàng năm tại trường có hàng trăm thí sinh điểm rất cao ở các phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ. Với mức điểm thi 25, 26 các em hoàn toàn có thể trúng tuyển vào các trường ĐH tốt, nhưng các em đã quyết định chỉ xét tuyển vào CĐ".

Tiến sĩ Kha lý giải thêm: "Sở dĩ như vậy vì thí sinh và phụ huynh tin tưởng vào sự thành công cũng như triển vọng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Chất lượng đào tạo của các trường CĐ hệ thống giáo dục nghề nghiệp được nâng cao trong thời gian qua, nhiều trường đã kiểm định trong nước và quốc tế, được doanh nghiệp đánh giá cao. Do đó, sinh viên khi tốt nghiệp có việc làm ngay đúng ngành nghề, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Các em cũng dễ dàng học liên thông ĐH nếu muốn".

Tại Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng trường này, thông tin năm nay có 977 tân sinh viên có mức điểm thi tốt nghiệp THPT từ 20 trở lên, chiếm khoảng 28% chỉ tiêu ở phương thức xét điểm thi và 1.700 em có điểm học bạ từ 22 trở lên, chiếm 48,57% chỉ tiêu ở phương thức xét điểm học bạ. Được biết, tổng chỉ tiêu của trường ở 2 phương thức này là 3.500.

Trường CĐ Công thương TP.HCM cũng có hàng trăm thí sinh điểm cao. Thạc sĩ Nguyễn Tấn Thắng, Trưởng phòng Đào tạo trường này, chia sẻ: "Thí sinh chọn được ngành mình yêu thích và môi trường học tập, sinh hoạt phù hợp với bản thân. Ngoài ra, học CĐ sẽ tốt nghiệp sớm hơn, dễ tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp".

Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Tin cùng chuyên mục

Logistics là ngành học không quá mới mẻ nhưng luôn có sức hút đặc biệt với sinh viên bởi khả năng tìm kiếm việc làm và mức lương hấp dẫn sau khi ra trường.
Luôn nằm trong nhóm ngành có tỷ lệ thí sinh nhập học cao, việc làm với mức lương hấp dẫn, sinh viên tự tin khi mới ra trường… là những minh chứng thể hiện sức hấp dẫn của ngành ngôn ngữ.
Tại mùa tuyển sinh năm 2024, việc chọn ngành như thế nào để hạn chế tình trạng làm trái ngành, trái nghề sau khi ra trường tiếp tục là băn khoăn của thí sinh, phụ huynh. Các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên để các em có thể học một ngành nhưng làm được nhiều nghề.
Mặc dù kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chưa bắt đầu nhưng thời điểm này, thí sinh đã có thể đăng ký xét tuyển ĐH tại nhiều trường, trong đó có phương thức xét tuyển sớm.
Theo các nhà quản lý trong lĩnh vực GD-ĐT, hiện nay là thời điểm quan trọng để học sinh xác định các thông tin, cách làm cụ thể cho quá trình đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ.
Mục tiêu chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT và tiêu chí xét tuyển ĐH-CĐ. Hiện tại là thời điểm học sinh hoàn thành chương trình học THPT, chuẩn bị hành trang cần thiết, đầy đủ về mặt kiến thức, phương pháp tổ chức thực hiện để tham gia kỳ thi THPT diễn ra vào tháng 6-2024.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề