Logistics là ngành học không quá mới mẻ nhưng luôn có sức hút đặc biệt với sinh viên bởi khả năng tìm kiếm việc làm và mức lương hấp dẫn sau khi ra trường.
Theo các chuyên gia, logicstics là lĩnh vực còn nhiều dư địa để các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo.
Hiểu đúng về logistics
TS Trần Ngọc Mai - Khoa Kinh doanh quốc tế (Học viện Ngân hàng) cho biết thuật ngữ "logistics" đã xuất hiện từ lâu. Đây là một phần của chuỗi cung ứng, liên quan đến việc lưu trữ, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ. Logistics là khâu trung gian để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
Còn quản lý chuỗi cung ứng là một bức tranh lớn, liên kết quy trình kinh doanh của các công ty, gồm sự hợp tác giữa các nhà cung cấp, đối tác, nhà sản xuất, nhà bán buôn, bán lẻ và khách hàng.
Học sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Hiện nay, các trường thực hiện đào tạo sinh viên ngành logistics theo hướng chuyên môn hóa. Về kiến thức chuyên ngành, sinh viên theo học ngành logistics được đào tạo chuyên sâu kiến thức về kinh tế logistics, quản trị nhân sự, quản trị logistics, quản trị hệ thống phân phối, quản trị chuỗi cung ứng, Luật Vận tải, giao nhận vận tải, khai thác vận tải đa phương thức, kế toán trong các đơn vị kinh doanh dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức.
Về kỹ năng chuyên môn, sinh viên có thể tham gia thực hiện lập kế hoạch, tổ chức và điều hành dịch vụ vận tải đa phương thức; thực hành nghiệp vụ về giao nhận vận tải đa phương thức. Sinh viên cũng có khả năng phân tích dòng hàng, xác định nhu cầu của khách hàng, quy hoạch trung tâm phân phối và quản trị quy trình phân phối từ nơi sản xuất đến tay khách hàng.
Chương trình đào tạo cụ thể sẽ khác nhau giữa từng trường đại học, nhưng một số học phần chính mà hầu hết sinh viên được tiếp cận. Ví dụ, Học viện Ngân hàng sẽ đào tạo một số môn học gồm Kinh doanh logistics, Nguyên lý logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Quản lý kho hàng và phân phối, Quản lý mua hàng toàn cầu...
Trường Đại học Ngoại thương, sinh viên được tiếp cận và giải quyết các vấn đề liên quan logistics và quản lý chuỗi cung ứng nói riêng, kinh doanh quốc tế nói chung; tham gia các hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Một số vị trí việc làm phổ biến với cử nhân ngành logistics là chuyên viên lập kế hoạch, vận hành, điều phối và quản lý chuỗi cung ứng tại các doanh nghiệp và tập đoàn sản xuất trong và ngoài nước; chuyên viên quản lý mua hàng, quản lý và điều phối vận tải, quản lý kho vận và tồn kho, phân tích dữ liệu và điều phối hệ thống phân phối tại các công ty giao nhận, logistics trong nước và quốc tế; chuyên viên tại mảng kế hoạch, khai thác thị trường, marketing, xuất nhập khẩu, dịch vụ khách hàng tại các công ty xuất nhập khẩu; chuyên viên quản lý nhà nước trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng...
Trong các vị trí quản lý, chuyên gia về logitstics sẽ chịu trách nhiệm điều hành và giám sát các hoạt động hàng ngày, trong khi những người phân tích sẽ tập trung vào nghiên cứu và cải tiến hiệu suất chuỗi cung ứng. Người có chuyên môn trong lĩnh vực này có thể nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học và cơ sở giáo dục…
Theo TS Trần Ngọc Mai, nhân sự ngành logistics được phân chia theo nhiều cấp bậc, có thu nhập tốt hơn mặt bằng chung. Mức lương khởi điểm của sinh viên mới tốt nghiệp ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng thường nằm trong khoảng 10 - 15 triệu đồng mỗi tháng. Sau khoảng 5 năm làm việc và tích lũy kinh nghiệm, mức lương có thể tăng lên, thường nằm trong khoảng 20 - 30 triệu đồng; mức lương trên có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như kỹ năng, kinh nghiệm, hiệu suất làm việc.
Khát nhân lực chất lượng cao
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, logistics đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các thị trường trong và ngoài nước. Trong những năm gần đây, ngành logistics tại Việt Nam đang có những bước phát triển vượt bậc dẫn đến nhu cầu nhân lực ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này ở nước ta hiện vừa thiếu vừa yếu.
Thực tế cho thấy, mặc dù đã có một số trường đại học đang đào tạo nhân lực bậc đại học cho lĩnh vực logistics nhưng đây vẫn là lĩnh vực còn nhiều dư địa để các trường đại học và dạy nghề khác, tiếp tục mở rộng và đặc biệt là nâng cao chất lượng đào tạo thông qua hợp tác, liên kết giữa các trường đại học trong nước và quốc tế.
Dự báo đến năm 2030, ngành logistics cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, trong đó có khoảng 200.000 nhân lực chất lượng cao, có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ. Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp từ các đơn vị đào tạo chỉ có 2.500 sinh viên, học viên mỗi năm.
PGS.TS Bùi Duy Phú - Khoa Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng (Trường ĐH Đại Nam) thông tin: đến đầu năm 2023, cả nước mới có 49 trường đại học đào tạo đúng chuyên ngành logistic và số lượng sinh viên vào học chuyên ngành này chưa nhiều. Không những vậy, sinh viên lại chưa được trang bị tốt kiến thức chuyên sâu về tài chính ngân hàng, đặc biệt là những kiến thức về công nghệ thông tin. Do vậy, khi tiếp cận tới những vấn đề thiết kế và quản lý hệ thống, xử lý phát sinh về mảng tài chính ngân hàng trong quá trình ứng dụng Fintech (công nghệ tài chính), những sinh viên này sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Nhân lực ngành logistics được đào tạo một cách bài bản và chuyên nghiệp vẫn còn ít so với tốc độ phát triển của ngành logistics hiện nay. Đối với các vị trí cơ bản, nhân sự có thể làm việc trong ngành này là không ít, tuy nhiên đối với các vị trí đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, có thể đảm nhận những công việc quan trọng thì lại khá khiêm tốn. Do đó, nếu muốn phát triển trong lĩnh vực này, sinh viên phải bắt đầu học hỏi ngay từ bây giờ và theo học tại những đơn vị đào tạo ngành logistics có chất lượng cao.
Để phát triển ngành logistics cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên gồm doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, các nhà trường. Đồng ý với quan điểm trên, TS. Đào Trường Thành - Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cho rằng, giải pháp cấp bách hiện nay là phát triển hoạt động đào tạo ngành logistics tại các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của mạng lưới các trường đại học.
“Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với tốc độ nhanh, nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, dẫn đến nhu cầu về các dịch vụ logistics ngày càng tăng. Logistics ngày càng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thương mại quốc tế” - trích kỷ yếu Hội thảo “Logistics vùng đồng bằng sông Hồng” do Trường ĐH Thủ đô Hà Nội tổ chức.
Theo Nam Du/ Kinhtedothi