Học ngành liên quan khí hậu, môi trường có phải chỉ để dự báo thời tiết?

Dù có nhiều ứng dụng trong đời sống xã hội nhưng hiện các ngành về khí hậu và khí tượng đang khan hiếm người học.

Theo ngành về khí hậu để giúp nông dân

Gia đình làm nông nghiệp, chứng kiến những tác động của thời tiết và khí hậu gây ra đối cuộc sống cũng như kinh tế, Lê Nhựt Thành (sinh viên năm 3, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) đã chọn ngành về khí hậu.

Nam sinh viên ngành khí tượng-khí hậu học cho biết: "Từ nhỏ tôi đã nghĩ nếu có thể dự báo được mưa bão hay hạn hán thì không chỉ gia đình mình và những người nông dân khác cũng sẽ giảm được phần nào khó khăn do thời tiết gây ra. Ban đầu, tôi cũng gặp khó khăn khi thuyết phục gia đình do đây là ngành đặc thù. Tôi dự định sau tốt nghiệp sẽ xin vào làm tại phòng dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ".

Sinh viên tham quan, thực tập mô hình công trình thủy (mô hình cống ngăn triều, mặn). Ảnh: NVCC

Còn Nguyễn Hạnh Nhi (sinh viên năm cuối ngành khí tượng-khí hậu học, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) chia sẻ điều thú vị khi theo học ngành này là có thể nhận biết các loại mây sẽ mang lại thời tiết như thế nào. Sau khi ra trường, Hạnh Nhi dự định làm việc tại Trung tâm Khí tượng hàng không.

"Các học phần như quan trắc khí tượng bề mặt, khí tượng cao không và radar, phân tích dự báo thời tiết… bám sát vào kiến thức chuyên môn phục vụ công việc sau này. Trong hai đợt thực tập làm quan trắc viên và dự báo viên, tôi được tiếp cận với các thiết bị sử dụng trong đo đạc quan trắc các yếu tố khí tượng như: nhiệt độ, lượng mưa, hướng-tốc độ gió… Ngoài ra, tôi còn được tìm hiểu và sử dụng những công cụ dự báo để sản xuất các bản tin", nữ sinh viên Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chia sẻ.

Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM còn trang bị 2 trạm khí tượng (1 trạm cơ bản và 1 trạm tự động) ngay tại sân trường và phòng máy, phòng thực hành cũng có các thiết bị hiện đại để mô phỏng thời tiết, thủy văn, khí hậu… giống như quá trình dự báo ở các cơ quan nghiệp vụ để sinh viên có cơ hội rèn luyện tay nghề.

Công việc âm thầm, cống hiến lặng lẽ

Tiến sĩ Cấn Thu Văn, Trưởng khoa Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết hiện nay khoa đang đào tạo 3 ngành là khí tượng-khí hậu học, thủy văn học và biến đổi khí hậu-phát triển bền vững.

Theo tiến sĩ Văn, trong khoảng 5 năm trở lại đây, lượng sinh viên theo học tại khoa có xu hướng giảm xuống, kéo theo việc thiếu nhân sự chuyên môn tại các cơ quan có nhu cầu tuyển dụng. Năm học 2023, chỉ tiêu tuyển sinh mỗi ngành giảm còn 25 sinh viên so với 50 sinh viên như trước đây.

Về lý do thiếu hụt sinh viên theo học, tiến sĩ Văn nhận định: "Hiện các bạn trẻ có xu hướng không còn ưa chuộng các ngành kỹ thuật chuyên sâu và đặc thù mà lựa chọn khối kinh tế, kinh doanh hay công nghệ thông tin. Với lượng sinh viên ít, quá trình đào tạo gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tổ chức lớp hay thực hành thực tập cần làm nhóm đủ người theo ca, kíp (theo quy phạm). Lớp ít cũng làm giảm hứng thú, sáng tạo cho cả giảng viên lẫn sinh viên".

Sinh viên tham quan mô hình công trình thủy lợi (mô hình cống ngăn triều, mặn). Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Văn đồng thời chia sẻ: "Công việc của cán bộ khí tượng thủy văn âm thầm nhưng lại rất quan trọng trong cuộc sống. Chẳng hạn, những bản tin thời tiết, bản tin bão, lũ, hạn, mặn được người làm khí tượng thủy văn đưa ra là hết sức cấp thiết". Do đây là ngành khoa học kỹ thuật có tính đặc thù rất lớn nên nhiều người không hiểu, không thấy "sang", dịch vụ hóa những sản phẩm khí tượng thủy văn còn ít nên thu nhập không quá cao khiến ít sinh viên lựa chọn, theo tiến sĩ Văn.

Tiến sĩ Văn cũng nhấn mạnh, nếu số lượng sinh viên không cải thiện thì sau khoảng 5 năm nữa, sẽ không có nhân lực làm việc trong ngành khí tượng thủy văn hay biến đổi khí hậu để phục vụ đất nước và phát triển kinh tế xã hội.

Trạm khí tượng được đặt ngay trong khuôn viên Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM để sinh viên được thực tập thường xuyên trong quá trình học. Ảnh: NVCC

Nguồn cung nhân lực không đủ đáp ứng

Gắn bó với ngành 5 năm, anh Nguyễn Văn Chiến (tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư thủy văn, đang làm việc tại Viện Thủy lợi và Môi trường, TP.HCM) cho biết: "Hiện tại cơ hội việc làm của ngành đang cao vì tình hình biến đổi khí hậu cũng như các vấn đề về môi trường đang rất được quan tâm kèm theo đó là nhiều cơ hội để phát triển".

Đồng quan điểm này, tiến sĩ Cấn Thu Văn cho biết, chỉ riêng trong khối nhà nước, cụ thể là Tổng cục Khí tượng thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đang có nhu cầu tuyển dụng khá nhiều. Ngoài ra, ở các sở, ban ngành địa phương về lĩnh vực khí tượng thủy văn cũng cần khá nhiều nhưng nguồn cung rất ít và không đáp ứng đủ.

"Hơn nữa, các ngành sản xuất như nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ cũng cần những người có chuyên môn. Vì thế, nhu cầu lao động của ngành này khá lớn và đặc biệt lớn ở khối tư nhân, khối cung cấp dịch vụ thời tiết, khí hậu, thủy văn, phòng tránh thiên tai", tiến sĩ Văn nói.

Tiến sĩ Cấn Thu Văn, Trưởng khoa Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, đề xuất: "Các cơ quan quản lý cần tăng cường tuyên truyền về các hoạt động, công việc, những đóng góp của ngành khí tượng thủy văn đối với kinh tế-xã hội đất nước. Chính phủ cũng cần có chính sách phù hợp hơn đối với người làm trong ngành này, đặc biệt là về thu nhập để họ hứng thú, yêu quý và muốn gắn bó với ngành. Đồng thời, công tác xã hội hóa, tư nhân hóa các sản phẩm dịch vụ khí tượng thủy văn cần được đẩy nhanh và đi sâu vào cuộc sống".

Theo Thúy Liễu - Kỷ Hương/ TNO

Tin cùng chuyên mục

Logistics là ngành học không quá mới mẻ nhưng luôn có sức hút đặc biệt với sinh viên bởi khả năng tìm kiếm việc làm và mức lương hấp dẫn sau khi ra trường.
Luôn nằm trong nhóm ngành có tỷ lệ thí sinh nhập học cao, việc làm với mức lương hấp dẫn, sinh viên tự tin khi mới ra trường… là những minh chứng thể hiện sức hấp dẫn của ngành ngôn ngữ.
Tại mùa tuyển sinh năm 2024, việc chọn ngành như thế nào để hạn chế tình trạng làm trái ngành, trái nghề sau khi ra trường tiếp tục là băn khoăn của thí sinh, phụ huynh. Các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên để các em có thể học một ngành nhưng làm được nhiều nghề.
Mặc dù kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chưa bắt đầu nhưng thời điểm này, thí sinh đã có thể đăng ký xét tuyển ĐH tại nhiều trường, trong đó có phương thức xét tuyển sớm.
Theo các nhà quản lý trong lĩnh vực GD-ĐT, hiện nay là thời điểm quan trọng để học sinh xác định các thông tin, cách làm cụ thể cho quá trình đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ.
Mục tiêu chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT và tiêu chí xét tuyển ĐH-CĐ. Hiện tại là thời điểm học sinh hoàn thành chương trình học THPT, chuẩn bị hành trang cần thiết, đầy đủ về mặt kiến thức, phương pháp tổ chức thực hiện để tham gia kỳ thi THPT diễn ra vào tháng 6-2024.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề