"Đi từng trường, gõ từng ngành, tiếp cận từng học sinh" để hướng nghiệp

"Đi từng trường, gõ từng ngành, tiếp cận từng học sinh"; hướng nghiệp tại phòng tư vấn tâm lý... là những cách thức hướng nghiệp độc đáo, hiệu quả đang được nhiều trường THPT tại TPHCM đẩy mạnh.

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân tham quan lớp học sư phạm Sinh tại Trường đại học Sư phạm TPHCM

Học sinh "đặt hàng" nhà trường hướng nghiệp 

Hơn 2.000 học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) vừa có chuyến tham quan trải nghiệm thực tế tại 16 trường đại học tại TPHCM. Đây là những trường đại học được học sinh "đặt hàng" theo sở thích, nguyện vọng.

Hình thức hướng nghiệp "đi từng trường, gõ từng ngành, tiếp cận từng học sinh" được Trường THPT Bùi Thị Xuân áp dụng nhiều năm nay và đặc biệt đẩy mạnh trong năm học này với học sinh khối 10 - khối lớp đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Có nguyện vọng theo học ngành sư phạm Vật lý, Trường đại học Sư phạm TPHCM, Phạm Ngọc Liên Chi (lớp 12, Trường THPT Bùi Thị Xuân) cho biết đã tìm hiểu rất nhiều thông tin về trường song chuyến trải nghiệm "mắt thấy, tai nghe" về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, tham quan phòng thí nghiệm, dự giờ lớp học của sinh viên... vẫn khiến bản thân không khỏi bất ngờ. 

"Em rất thích trở thành giáo viên vật lý nhưng ngành học này lại có điểm đầu vào khá cao của trường Sư phạm. Trước đây em luôn cho rằng chỉ có học sư phạm vật lý mới có thể giảng dạy được vật lý nhưng khi đến tham quan trực tiếp về chương trình, nội dung đào tạo của trường, em có thêm sự lựa chọn nữa về ngành sư phạm Khoa học tự nhiên" - Liên Chi chia sẻ. 

Trong khi đó, lựa chọn tham quan tìm hiểu Khoa Y, Trường đại học Y dược TPHCM, với Tú Anh - học sinh lớp 10 - những trải nghiệm thực tế tại đây đã giúp bạn có cái nhìn thực tế hơn về ngành học dự kiến sẽ theo đuổi. "Thực sự em đã rất sốc khi tham quan bộ môn giải phẫu học. Ngay khi bước vào khu vực học giải phẫu, đập vào mắt em là các cơ thể người thật đã qua xử lý, mùi formol, hóa chất bốc lên nồng nặc khiến nước mắt nước mũi chảy giàn giụa, đầu óc em choáng váng. Nhiều bạn cũng như em phải chạy ra ngoài để lấy lại bình tĩnh... Chắc chắn trải nghiệm này sẽ giúp em cân nhắc hơn khi theo đuổi ngành y".

Thầy Nguyễn Hùng Khương - Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân - cho hay, trước khi đi trải nghiệm thực tế tại các trường đại học, nhà trường đã tổ chức cho học sinh trò chuyện với các trường theo hình thức "tư vấn chung, tư vấn riêng" ngay tại trường. Đại diện các trường đại học sẽ chia theo từng phòng, học sinh quan tâm đơn vị nào sẽ đến phòng đó để tìm hiểu.

"Công tác hướng nghiệp được nhà trường đẩy mạnh thực hiện theo nguyện vọng của từng học sinh. Học sinh "đặt hàng" các trường đại học mà các em quan tâm, các ngành học có mong muốn học tập, nhà trường sẽ tìm cách kết nối để các em tìm hiểu, tham quan, nắm bắt thông tin đầy đủ nhất về trường học, ngành học đó" - thầy Nguyễn Hùng Khương nói.

Hướng nghiệp tại phòng... tư vấn tâm lý

Việc đổi mới hướng nghiệp cho học sinh hiện nay là rất quan trọng

Trường THPT Lê Trọng Tấn (quận Bình Tân) đang thực hiện hiệu quả công tác hướng nghiệp theo hình thức tư vấn tâm lý. Những thắc mắc về ngành học, khám phá về sở thích, năng lực của học sinh được giải đáp qua hình thức tư vấn tâm lý 1:1 hoặc sinh hoạt nghề nghiệp.

Cô Lê Thị Bích Hạnh - giáo viên tư vấn tâm lý, hướng nghiệp, Trường THPT Lê Trọng Tấn - chia sẻ: "Từ hiệu quả của các buổi tư vấn ở sân trường, học sinh ngày càng tìm đến với phòng tư vấn nhờ cô hỗ trợ giải đáp ngành nghề. Điều đáng mừng là không chỉ học sinh cuối cấp mà học sinh khối 10, 11 cũng tìm đến rất nhiều, mạnh dạn đặt câu hỏi. Để hỗ trợ các em hiệu quả nhất, ngoài tự tìm hiểu kiến thức nghề nghiệp tôi phải đi học thêm nhiều khóa học nâng cao kỹ năng tư vấn, hướng nghiệp". 

Sau hai năm áp dụng hình thức hướng nghiệp theo kiểu "đi từng trường, gõ từng ngành, tiếp cận từng học sinh", Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân Nguyễn Hùng Khương đánh giá, số trường đại học kết nối, mở cửa đón học sinh nhà trường đến trải nghiệm, tìm hiểu ngày càng nhiều, giúp tiệm cận nhất với nguyện vọng của từng học sinh, mở rộng thêm cơ hội cho các em chọn lựa được ngành học đúng năng lực, đam mê. 

"Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bậc THPT được xác định là giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Vì thế, cách thức hướng nghiệp "đi từng trường, gõ từng ngành, tiếp cận từng học sinh" sẽ tác động mạnh mẽ đến học sinh khối 10, giúp các em sớm định hướng được ngành học yêu thích, hạn chế thấp nhất việc đổi lớp lựa chọn" - thầy Nguyễn Hùng Khương đánh giá.

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai - Trưởng ban công tác sinh viên, Đại học Quốc gia TPHCM - cho rằng, song song cách thức hướng nghiệp truyền thống tại sân trường, khi được trực tiếp trải nghiệm, tìm hiểu sâu về các ngành học tại các trường đại học mà học sinh có nguyện vọng muốn học tập, các em sẽ dễ dàng hình dung thêm được sự phù hợp và chưa phù hợp của bản thân với ngành học, từ đó hạn chế được việc chọn ngành học theo xu hướng, quan điểm "ngành hot, trường hot". 

"Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bậc THPT xuất hiện các nhóm môn học tự chọn, học sinh được lựa chọn theo năng lực, sở thích và mong muốn, nguyện vọng nghề nghiệp sau này. Do vậy, với riêng khối lớp 10 năm nay các em cần được tiếp cận, trải nghiệm sớm hơn, đa dạng hơn các hình thức hướng nghiệp bám sát theo chương trình mới, định hướng nghề nghiệp thông qua các môn học tự chọn..." - tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai gợi ý.

Theo Quốc Trung/ PNO

Tin cùng chuyên mục

Logistics là ngành học không quá mới mẻ nhưng luôn có sức hút đặc biệt với sinh viên bởi khả năng tìm kiếm việc làm và mức lương hấp dẫn sau khi ra trường.
Luôn nằm trong nhóm ngành có tỷ lệ thí sinh nhập học cao, việc làm với mức lương hấp dẫn, sinh viên tự tin khi mới ra trường… là những minh chứng thể hiện sức hấp dẫn của ngành ngôn ngữ.
Tại mùa tuyển sinh năm 2024, việc chọn ngành như thế nào để hạn chế tình trạng làm trái ngành, trái nghề sau khi ra trường tiếp tục là băn khoăn của thí sinh, phụ huynh. Các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên để các em có thể học một ngành nhưng làm được nhiều nghề.
Mặc dù kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chưa bắt đầu nhưng thời điểm này, thí sinh đã có thể đăng ký xét tuyển ĐH tại nhiều trường, trong đó có phương thức xét tuyển sớm.
Theo các nhà quản lý trong lĩnh vực GD-ĐT, hiện nay là thời điểm quan trọng để học sinh xác định các thông tin, cách làm cụ thể cho quá trình đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ.
Mục tiêu chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT và tiêu chí xét tuyển ĐH-CĐ. Hiện tại là thời điểm học sinh hoàn thành chương trình học THPT, chuẩn bị hành trang cần thiết, đầy đủ về mặt kiến thức, phương pháp tổ chức thực hiện để tham gia kỳ thi THPT diễn ra vào tháng 6-2024.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề