Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường trung cấp Việt Giao, cho biết nhu cầu học nghề ngắn hạn lấy chứng chỉ để xuất khẩu lao động trong 3 năm trở lại đây rất lớn, đặc biệt sau dịch Covid-19 các nước thiếu nhân lực trầm trọng.
Làm bánh là một trong những nghề thu hút nhiều người học. MỸ QUYÊN
"Nhiều đối tác nước ngoài đến trường tìm kiếm nguồn nhân lực và hợp tác đào tạo trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, nghiệp vụ buồng - phòng khách sạn, phục vụ nhà hàng khách sạn. Mỗi năm có hơn 200 lao động trẻ VN đăng ký các khóa học nghề tại trường để chuẩn bị cho việc đi làm ở nước ngoài", thạc sĩ Phương thông tin.
Theo ông Phương, các khóa học nghề thường kéo dài từ 3 - 12 tháng tùy theo nghề. Ví dụ, nghề bếp có thể kéo dài 12 tháng bao gồm đi thực tập, trong khi khóa học nghiệp vụ buồng - phòng, phục nhà hàng chỉ 3 tháng.
"Những chứng chỉ nghề nghiệp được cấp tại trường đã được các nước như Canada, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc chấp nhận và công nhận. Tuy nhiên, các lao động cũng cần đạt được các yêu cầu về ngôn ngữ, kỹ năng của từng nước trước khi xuất khẩu lao động", ông Phương chia sẻ thêm.
Bà Phan Hồng Diễm Linh, Ban Hướng nghiệp Trường Hướng nghiệp Á - Âu, cũng cho hay mỗi năm có khoảng 20.000 học viên đăng ký học nghề, trong số đó có đến 8-10% học nghề với mục đích đi định cư hoặc làm việc tại nước ngoài.
"Các bạn trẻ đi định cư Canada theo diện du học nghề hoặc thực tập hưởng lương thường khá trẻ, từ 18 - 25 tuổi, còn nếu định cư thì thường trên 35 tuổi. Các lĩnh vực đang mở rộng cơ hội việc làm cho lao động nhập cư tại Canada gồm các khối ngành F&B (đầu bếp, làm bánh, pha chế, quản trị nhà hàng - khách sạn), chăm sóc sắc đẹp", bà Linh cho biết.
Với những khóa học được thiết kế cho người có nhu cầu đi định cư, bên cạnh kỹ năng tay nghề, theo bà Linh, trường tập trung nhiều hơn vào các yếu tố như năng lực cung ứng dịch vụ, kiến thức về sức khỏe, an toàn lao động và tiếng Anh chuyên ngành.
Được biết nhiều đơn vị tư vấn định cư Canada tại VN cũng đang hợp tác với Trường Á - Âu để đào tạo nghề cho nhóm khách hàng này và chứng chỉ nghề của trường được chấp nhận trong hồ sơ định cư.
Nhiều trường trung cấp có đào tạo các khóa ngắn hạn về chăm sóc sắc đẹp, nhà hàng - khách sạn, đầu bếp, làm bánh... MỸ QUYÊN
Học để có việc, không còn quá coi trọng bằng cấp
Hiện nay, rất nhiều trường trung cấp có đào tạo các khóa ngắn hạn về chăm sóc sắc đẹp, nhà hàng - khách sạn, đầu bếp, làm bánh... Do có chứng chỉ nghề nên những lao động này sẽ có mức lương cao hơn lao động phổ thông khi ra nước ngoài làm việc.
Ông Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, nêu những lý do bạn trẻ học nghề ngắn hạn để làm việc trong nước hoặc đi lao động nước ngoài: "Thứ nhất là nhiều em thấy học ĐH tốn nhiều thời gian và chi phí trong khi tốt nghiệp không dễ kiếm việc. Thứ hai, nhiều nước có chính sách thu hút lao động nước ngoài. Việc ra nước ngoài hiện nay không chỉ dành cho người nhiều tiền mà kể cả người không có tiền cũng có thể đi được nhờ các chính sách hỗ trợ như chính sách cho vay vốn của chính phủ... Người học chỉ cần học ngoại ngữ và học nghề từ 3 - 6 tháng là có thể đạt chuẩn tay nghề để đi làm việc tại nước ngoài".
Thạc sĩ Trần Phương cũng cho rằng hiện nay nhận thức của người học đã dần thay đổi, chú trọng hơn đến việc có một nghề nghiệp và việc làm ổn định. "Một trong số nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này là tỷ lệ thất nghiệp của người tốt nghiệp ĐH vẫn còn cao, khiến nhiều người nhận thức rằng việc có bằng ĐH không đủ để đảm bảo có việc làm tốt. Bên cạnh đó, nhiều nghề kỹ thuật, dịch vụ lại có cơ hội việc làm và thu nhập tốt hơn so với một số công việc văn phòng. Đặc biệt, khi tuyển dụng nhiều doanh nghiệp có xu hướng coi trọng kinh nghiệm, kỹ năng thực tế của ứng viên hơn là bằng cấp", ông Phương đánh giá.
Ngoài ra, theo ông Phương, nhiều người trẻ thích tự tạo ra công việc thay vì làm công ăn lương, do đó họ chú trọng học các kỹ năng nghề nghiệp hơn. Vì vậy, xu hướng học nghề để có việc làm, thu nhập ổn định ngày càng phổ biến.