Nghề tạo kiểu cho sản phẩm là gì mà thu hút người trẻ?

Product stylist (tạm dịch người tạo kiểu và bố cục cho sản phẩm) là một nghề tuy còn mới mẻ ở Việt Nam nhưng luôn có sức hấp dẫn với những ai yêu thích lĩnh vực truyền thông và đồ họa.

Không còn là công việc bán thời gian

Vài năm trước đây, product stylist là một nghề tương đối mới và có khá ít người theo đuổi nghiêm túc. Tuy nhiên, hiện nay đi kèm với sự phát triển của nghề product photography (chụp ảnh sản phẩm) thì ngày càng có nhiều người bắt đầu gắn bó và xem đây là một công việc toàn thời gian chứ không phải bán thời gian để kiếm thêm thu nhập.

Chẳng hạn, Lê Thanh Hạ Chi dù tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc (TP.HCM) năm 2017 nhưng không lựa chọn trở thành kiến trúc sư mà quyết định theo đuổi nghề product stylist cho đến nay.

Nghề tạo kiểu cho sản phẩm là gì mà thu hút người trẻ?

Nghề product stylist hiện nay đang được khá nhiều bạn trẻ yêu thích sáng tạo theo đuổi. NGÂN HÀ

Ban đầu, Hạ Chi nhận làm trang trí đám cưới, trang trí cửa hàng ở các trung tâm thương mại. Sau đó, cô cùng bạn thực hiện những sản phẩm chung và đăng lên mạng xã hội. Sản phẩm được anh chị đi trước chú ý, từ đó cô theo ekip phụ việc để tích lũy kinh nghiệm, dần dần xây dựng đội nhóm riêng như hiện tại. Với Hạ Chi, cái khó nhất khi theo nghề là giữ được sự đam mê, nhiệt huyết, đồng thời biết cách duy trì sự cân bằng trong cuộc sống.

Nghề tạo kiểu cho sản phẩm là gì mà thu hút người trẻ?

Hạ Chi yêu thích những công việc tạo ra cái đẹp, vì thế cô chọn nghề product stylist. HẠ CHI

Cần học gì để theo nghề product stylist?

Hiện tại, các lớp học nghề product stylist ở Việt Nam khá ít, chủ yếu là những khóa học do cá nhân tự tổ chức và chưa một đơn vị nào đào tạo bài bản. Để có kiến thức làm nghề, product stylist chủ yếu phải tự học từ các khóa hướng dẫn nước ngoài hoặc tiếp thu kinh nghiệm từ những người đi trước; và phải có thêm kiến thức căn bản về nhiếp ảnh, màu sắc, bố cục...

Những bạn trẻ không xuất thân từ những trường mỹ thuật vẫn có thể tham gia các lớp học, workshop ngắn hạn. Các product stylist chia sẻ dù học bất kỳ ngành nào, chỉ cần đủ đam mê, chịu khó học hỏi, thực hành và rèn luyện sự khéo léo thì ai cũng có thể theo đuổi nghề này.

Nghề tạo kiểu cho sản phẩm là gì mà thu hút người trẻ?

Tố chất cần có của một product stylist là độ cảm thụ mỹ thuật và tỉ mỉ, khéo tay. THUẬN VÕ

Là một “tay ngang” bước vào nghề này sau khi tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Ngoại Thương, Lê Ngân Hà (một product photographer tại TP.Hà Nội) cho biết, ngoài cơ duyên thì yếu tố đam mê đã giúp cô theo đuổi nghề này đến nay được 7 năm.

Mô tả công việc của product stylist, Ngân Hà cho hay ekip phải dựa trên sản phẩm của khách hàng hoặc các hình ảnh tham khảo, rồi lên phương án cần mua những món đồ gì, sắp xếp như thế nào để chụp ra được bức hình mong muốn. Chẳng hạn, bộ ảnh cần một quả dâu thì product stylist sẽ là người lựa chọn giữa hàng trăm quả dâu để tìm được quả thích hợp.

Product stylist là những người tạo mẫu và bố cục sản phẩm nhằm giúp hình ảnh hoặc video về sản phẩm trở nên nổi bật hoặc truyền tải những thông điệp qua bộ ảnh. Các stylist sẽ dùng những đạo cụ và lên ý tưởng để tạo ra một câu chuyện thông qua sản phẩm. Đạo cụ bao gồm phông nền, phụ kiện thủ công... Sau khi lựa chọn đạo cụ và concept (mô hình, bố cục, phong cách, nội dung) chụp, product stylist sẽ phác thảo hình ảnh để khách hàng có thể hình dung và lựa chọn. Trong quá trình chụp, product stylist sẽ căn chỉnh góc máy, ánh sáng, bố cục… rồi sắp xếp sao cho bộ ảnh trở nên sống động và đẹp nhất.

Ngân Hà chia sẻ: "Trong cả quá trình sản xuất thì khâu chuẩn bị đạo cụ là khó khăn nhất. Đôi khi có những ý tưởng rất độc đáo, rất hay muốn thực hiện nhưng phải bỏ dở vì không đủ nguồn vốn và thiết bị". Với những buổi chụp ảnh kéo dài nhiều ngày, product stylist sẽ là người đi mua đồ, phân loại, sắp xếp và sau đó điều chỉnh liên tục. Vì vậy, sức khỏe là một yếu tố vô cùng quan trọng để theo được nghề.

Nghề tạo kiểu cho sản phẩm là gì mà thu hút người trẻ?

Theo đuổi nghề product stylist được 7 năm, Ngân Hà luôn cảm thấy yêu công việc của mình và hạnh phúc mỗi khi làm việc. NGÂN HÀ

Với kinh nghiệm từ chính bản thân, Ngân Hà đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ muốn theo đuổi nghề này: "Nếu bạn đã lựa chọn thì hãy kiên trì theo đuổi nó. Không có thành công nào đến dễ dàng khi các bạn chưa tích lũy đủ thời gian và đam mê với công việc".

Mức độ cạnh tranh cao

Dù chỉ phổ biến với một nhóm đối tượng nhất định, product stylist vẫn là một nghề có những nét thu hút với giới trẻ bởi các bộ ảnh đều đòi hỏi tính thẩm mỹ, sáng tạo và trẻ trung. Đồng thời, thành phẩm thể hiện phần nào cá tính lẫn ẩn ý nghệ thuật của stylist và ekip thực hiện.

Nghề tạo kiểu cho sản phẩm là gì mà thu hút người trẻ?

Theo Thuận Võ, chỉ cần chịu khó học hỏi, thực hành, rèn luyện sự khéo léo thì các bạn trẻ sẽ có cơ hội thử sức với nghề. THUẬN VÕ

Nói về khó khăn trong lúc theo đuổi nghề product stylist, Thuận Võ, hiện là một art director (tạm dịch giám đốc nghệ thuật) tại TP.HCM, bộc bạch: “Lúc mới làm (giai đoạn 2016 - 2019), tôi từng rất đau đầu vì khách hàng rất khó tính. Sau đó, khi thị trường mở rộng, mọi thứ đòi hỏi nhanh nên dần dần mình không thấy khó nữa. Giờ nhìn lại sản phẩm ở giai đoạn trước thì vẫn thích hơn hiện tại”.

Nghề tạo kiểu cho sản phẩm là gì mà thu hút người trẻ?

Vốn tốt nghiệp chuyên ngành đồ họa, do đó Thuận có sự am hiểu nhất định về mỹ thuật. THUẬN VÕ

Là người có kinh nghiệm trong nghề, product stylist Thuận Võ chia sẻ: “Đối với các bạn freelancer (làm tự do), tôi luôn dành lời khuyên đó là hãy ứng tuyển vào một nhóm, một công ty để làm ít nhất 1 năm. Trong quá trình đó, các bạn hãy luôn tự mình làm dự án cá nhân. Hiện nay mức độ cạnh tranh quá cao, nếu bạn bắt đầu là một freelancer thì khó hơn thời trước rất nhiều. Nếu không có định hướng thì bạn rất dễ đi theo con đường 'mì ăn liền', không thể phát triển bản thân xa hơn”.

Theo Bảo Trâm - Tiểu Ngọc/TNO

 

Tin cùng chuyên mục

Trong Hội nghị thượng đỉnh chính phủ thế giới diễn ra vào tháng 2/2024, lời phát biểu của ông Jensen Huang - Giám đốc điều hành Tập đoàn Nvidia - đã gây sự chú ý lẫn những tranh luận đa chiều. Theo ông, giới trẻ không cần học lập trình nữa bởi trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ làm việc đó; giới trẻ chỉ nên học các ngành sinh học, giáo dục, nông nghiệp…
Quan hệ công chúng (viết tắt là PR) là một ngành thuộc lĩnh vực truyền thông.
Trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh giúp học sinh, sinh viên có thêm nhiều cơ hội học tập và nghiên cứu sâu về lĩnh vực này.
Ai cũng cần những người thầy trong đời. Người thầy đứng trên bục giảng nhìn xuống những gương mặt chăm chú của học trò để biết kiến thức của mình đang được gieo xuống mảnh đất màu mỡ mỗi ngày. Ở đó những mầm xanh hối hả vươn lên!
Điện thoại, máy tính, ti vi hay xe máy, ô tô, máy bay,… đều không thể vận hành nếu thiếu một thành phần cốt lõi, chip bán dẫn. Trong đó, các mạch tích hợp chứa hàng triệu, thậm chí hàng tỷ thành phần điện tử trên một chíp bán dẫn, giúp tạo ra các bộ vi xử lý mạnh mẽ, bộ nhớ dung lượng lớn và các ứng dụng di động ngày càng nhỏ gọn. Quá trình tạo ra các mạch tích hợp ấy chính là nhiệm vụ của ngành thiết kế vi mạch.
Đến năm 2030, Đại học Quốc gia TP.HCM đặt mục tiêu đào tạo được 1.500 kỹ sư và 500 thạc sỹ thiết kế vi mạch; đào tạo và cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho 15.000 kỹ sư.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề