Liên kết đào tạo: Vàng thau lẫn lộn

Tính đến tháng 12/2021, cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động. Tuy nhiên có tới 62,71% cơ sở giáo dục đại học có đối tác nước ngoài không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường đại học trên thế giới.

62,71% đối tác nước ngoài không được xếp hạng

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thống kê cho thấy các chương trình liên kết đào tạo (LKĐT) với Anh là nhiều nhất (101 chương trình), tiếp sau là Mỹ (59 chương trình), Pháp (53 chương trình), Úc (37 chương trình) và Hàn Quốc (27 chương trình). Các nước có nền giáo dục đại học (ĐH) phát triển và các cơ sở giáo dục ĐH uy tín, xếp thứ hạng cao trên thế giới như New Zealand có 16 chương trình, Đức có 10 chương trình, Bỉ 10 chương trình. Các chương trình đào tạo trong nhóm ngành kinh tế và quản lý vẫn chiếm đa số với 64%, nhóm ngành khoa học và công nghệ 25%, nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn 8% và các ngành khác như y khoa, dược, luật… 3%.

Liên kết đào tạo: Vàng thau lẫn lộn

Sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội, một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực liên kết đào tạo quốc tế, trong giờ học điện tử viễn thông - Ảnh: Kim Chi

Căn cứ theo thương hiệu của các cơ sở giáo dục ĐH của nước ngoài, thực trạng tuyển sinh, quy mô đào tạo, ngành đào tạo… cho thấy các chương trình LKĐT tại Việt Nam đang tồn tại không ít hạn chế.

Cụ thể, trong số gần 180 cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài LKĐT với 86 cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam, không có nhiều cơ sở có xếp thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới. Có tới 62,71% cơ sở giáo dục ĐH có đối tác nước ngoài không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường ĐH trên thế giới (theo QS Ranking và THE năm 2021), 6,21% cơ sở xếp hạng 1.000+.

Chỉ có 9,04% số cơ sở xếp hạng 501 - 1.000, 9,04% số cơ sở xếp hạng 301 - 500, 9,6% số cơ sở xếp hạng trong 100 - 299 (17 cơ sở). Chỉ có sáu cơ sở được xếp hạng trong tốp 100 thế giới tại bảng xếp hạng của QS Ranking năm 2021 là ĐH Sydney, ĐH Australia (hạng 40), ĐH New South Wales, Úc (hạng 44); ĐH Queensland (hạng 46), ĐH Quốc gia Đài Loan (hạng 66); ĐH KU Leuven, Bỉ (hạng 84) và ĐH Nottingham, Anh (hạng 99).

Bên cạnh đó, kết quả điểm trúng tuyển đầu vào thấp hơn nhiều so với các chương trình đào tạo trong nước ở cùng ngành, cùng trường. Nhiều chương trình LKĐT chỉ cần ứng viên dự tuyển tốt nghiệp THPT với điểm học bạ từ 6,5 trở lên, không yêu cầu kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia và chứng chỉ ngoại ngữ. Mặc dù nhiều chương trình LKĐT với nước ngoài có chất lượng giảng dạy tốt nhưng vẫn tồn tại nhiều chương trình có chất lượng đào tạo kém.

Câu hỏi về chất lượng

Đánh giá về LKĐT hiện nay, một chuyên gia ĐH cho rằng, việc xác định quy mô đào tạo liên quan tới việc hạn chế về chất lượng đào tạo. Nhiều chương trình chạy theo lợi nhuận từ việc thu học phí cao hơn nhiều lần so với chương trình đào tạo trong nước. Việc tăng quy mô đào tạo diễn ra ở các chương trình LKĐT với đối tác không được xếp hạng hoặc xếp hạng ngoài tốp 1.000 trên thế giới. Ngược lại, các chương trình LKĐT với các đối tác có thương hiệu, xếp thứ hạng cao chỉ tuyển sinh và đào tạo với quy mô nhỏ để tập trung cho chất lượng đào tạo.

Hiện nay, các chính sách về LKĐT với nước ngoài ở Luật số 34 và Nghị định số 86 đang tập trung vào điều kiện để thành lập một chương trình LKĐT, chưa đặt ra các điều kiện để nâng cao chất lượng. Ngoài ra, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện tự chủ phê duyệt, thực hiện tuyển sinh và đào tạo ở các chương trình LKĐT còn hạn chế. Hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng ở Việt Nam còn bộc lộ những yếu kém. Hiện nay, cả nước có hơn 8.000 chương trình đào tạo các trình độ và các hình thức đào tạo nhưng mới chỉ có 486 chương trình được kiểm định chất lượng, chiếm khoảng 6%.

Nhìn nhận việc LKĐT tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận các chương trình đào tạo chất lượng ở nước ngoài, giáo sư Bùi Văn Ga, ĐH Đà Nẵng, cho rằng cần phát triển các chương trình đào tạo bán thời gian trong nước và nước ngoài, ưu tiên các chương trình hợp tác giảng dạy trực tuyến kết hợp trực tiếp. Tạo cơ hội cho sinh viên được thực tập, trải nghiệm thực tế ở nước ngoài…

Để đẩy mạnh chất lượng các chương trình LKĐT, giảng viên một trường ĐH đóng tại TPHCM, kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần phải nghiên cứu, đánh giá tổng thể về chất lượng thực hiện các chương trình LKĐT. Đồng thời, phải có quy định và điều kiện để các trường lựa chọn cơ sở đối tác ở nước ngoài có uy tín, xếp thứ hạng cao trong khu vực châu Á và trên thế giới… 

Theo Dung Nhi/PNO

 

Tin cùng chuyên mục

Không chỉ học vượt chương trình chỉ trong 3,5 năm, Thái Tài còn tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa với GPA 9,38 (điểm trung bình tích lũy), đạt xếp loại xuất sắc.
Từ ngày 24 - 28.4, Bộ GD-ĐT mở hệ thống quản lý thi để học sinh đang học lớp 12 thử đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT tại địa chỉ: thisinh.thithptquocgia.edu.vn.
Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội đã công bố phổ điểm 3 đợt đầu bài thi đánh giá năng lực HSA 2024.
“Tin vui là trong hơn 300 thí sinh đăng ký theo học ngành Giáo dục mầm non, đã có một thí sinh nam”, ông Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) chia sẻ.
Ngày mai 24-4, học sinh lớp 12 trên cả nước có thể thử đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên hệ thống quản lý thi.
Nhóm ngành công nghệ thông tin có rất nhiều trường đại học đào tạo. Học phí các trường có sự chênh lệch rất lớn.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề