Hàng nghìn doanh nghiệp hợp tác đào tạo với cơ sở Giáo dục nghề nghiệp

Hiện hàng nghìn doanh nghiệp có các biên bản ghi nhớ, và kế hoạch triển khai cụ thể các hoạt động hợp tác với cơ sở Giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo, sử dụng lao động ổn định và lâu dài.

Đây là thông tin đáng chú ý, được Bộ LĐ-TB&XH gửi đại biểu Quốc hội trong Báo cáo một số nội dung liên quan nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua.

Hàng nghìn doanh nghiệp có các biên bản ghi nhớ, kế hoạch hợp tác với cơ sở Giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo, sử dụng lao động.

Ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều tập đoàn lớn

Cụ thể, Báo cáo nêu rõ, hiện nay việc gắn kết giữa Giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp còn hạn chế, khiến nhiều doanh nghiệp thiếu lao động tay nghề cao và chất lượng, phải đào tạo lại hoặc đào tạo mới từ đầu, điều này đã làm giảm vai trò của Giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo nghề.

Cộng với thực tế, sau đại dịch covid-19, câu chuyện khan hiếm nhân lực càng làm cho doanh nghiệp cần kết nối với Giáo dục nghề nghiệp hơn bao giờ hết.

Chính bối cảnh này đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các nhà trường và doanh nghiệp cả trong nước và ngoài nước.

Mặt khác, trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại quốc tế (EVFTA, CPTPP, VKFTA, AANZFTA…), mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam, cũng là cơ hội cho Giáo dục nghề nghiệp tiếp cận sâu hơn với các doanh nghiệp nước ngoài, cọ sát với môi trường làm việc của nước ngoài.

Vì vậy, việc đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp ngày càng được đẩy mạnh trong Giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đã ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều tập đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI của Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… để đào tạo và cung ứng nhân lực cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai các dự án ODA từ nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại của các Chính phủ, tổ chức quốc tế (Cộng hòa Liên bang Đức, Úc, Đan Mạch, Nhật Bản…), các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đã hợp tác chặt chẽ với các trường để đào tạo nhân lực, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội.

Cơ chế, chính sách tạo điều kiện tăng cường gắn kết GDNN với DN

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động Giáo dục nghề nghiệp, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia, như: các chính sách ưu đãi về thuế dành cho doanh nghiệp; doanh nghiệp được thành lập cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, được đăng ký hoạt động Giáo dục nghề nghiệp để đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác;

Ngoài ra, được liên kết với cơ sở Giáo dục nghề nghiệp để tổ chức đào tạo các trình độ trung cấp, cao đẳng; tham gia vào quá trình xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; tham gia vào hoạt động tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực tập và đánh giá kết quả học tập của người học.

Có thể thấy, các cơ chế, chính sách của Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường gắn kết Giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp.

Về chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề và chất lượng nguồn nhân lực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhìn nhận, khoảng trên 80% người tốt nghiệp qua đào tạo nghề ở các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đã có việc làm, một số cơ sở Giáo dục nghề nghiệp có uy tín về chất lượng đào tạo, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp có tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp đạt 100%.

Đã hình thành các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế theo từng cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, từng vùng, địa phương và trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển ngành, lĩnh vực.

Ký kết hợp tác theo nhiều hình thức, ở nhiều địa phương

Đồng thời, bước đầu cũng đã phân tầng chất lượng chương trình đào tạo, có chương trình đại trà, chương trình chất lượng cao (chuẩn cao hơn chuẩn đầu ra thông thường), chương trình liên kết đào tạo nước ngoài, chương trình chuyển giao từ các nước phát triển hàng đầu về Giáo dục nghề nghiệp.

Đặc biệt, báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, hoạt động ký kết hợp tác giữa Giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp diễn ra theo nhiều hình thức, nội dung phong phú và ở nhiều địa phương trên cả nước.

Đến nay, đã có hàng nghìn doanh nghiệp có các biên bản ghi nhớ và kế hoạch triển khai cụ thể các hoạt động hợp tác với cơ sở Giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động ổn định và lâu dài.

Trong số này có nhiều doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động và ứng dụng công nghệ tiên tiến như: Daikin, Denso, Panasonic, FPT, BIM, Vingroup, Samsung Việt Nam, Tập đoàn Dệt May.

Theo Thành Công/ Dân sinh

Tin cùng chuyên mục

Học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề sẽ được miễn học phí. Với các trường hợp khác, ở một số ngành đặc thù, người học sẽ được giảm 70% học phí.
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và tốt nghiệp trung học phổ thông vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tăng từ 8% trong giai đoạn 2011-2015 lên 15% trong giai đoạn hiện nay.
Sáng 11/12 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý tại các phòng, ban của Sở.
Thời gian qua, những trường cao đẳng (CĐ), trung cấp uy tín tuyển sinh không hề khó, người học tốt nghiệp có việc làm ngay, nhưng cũng có không ít trường tuyển không đủ chỉ tiêu.
Nhiều học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề đã ra trường nhưng vẫn chưa nhận được tiền học phí cấp bù theo quy định của Nghị định 81 khiến phụ huynh phải đi lại, chờ đợi mệt mỏi, trường nghề thì không có kinh phí hoạt động...
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo với giáo viên (GV) bậc THCS được quy định rõ trong Thông tư 04/2021 của Bộ GD-ĐT.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề