Công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sau ra trường cần thực chất

Nhiều cơ sở giáo dục đại học công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường đạt trên 90%, thậm chí 97 - 98%.

Sinh viên ngành Công nghệ may, Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội thực hành phần mềm thiết kế. Ảnh: NTCC

Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ này phần nào thể hiện chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo nhưng phải thực chất, đừng để phản tác dụng.

Những con số biết nói

Theo GS.TS Chúc Anh Tú – Trưởng ban Khảo thí và Quản lý chất lượng (Học viện Tài chính), tính đến 30/6/2022, tổng quy mô đào tạo của Học viện trên 20.400 nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên. Tỷ lệ sinh viên hệ đại học chính quy có việc làm trong 1 năm sau khi tốt nghiệp đạt bình quân trên 97%.

Còn Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết, có hơn 120 nghìn sinh viên đại học đã tốt nghiệp từ cơ sở đào tạo này. Theo GS.TS Phạm Bảo Dương – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Học viện đã hợp tác với hơn 100 doanh nghiệp để bố trí việc làm cho sinh viên.

Hàng năm, tổ chức ngày hội việc làm với sự tham gia của 60 đến 100 doanh nghiệp. Giải quyết việc làm cho 4.000 đến 6.000 sinh viên. Theo kết quả khảo sát, trên 97% sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp hoặc tự khởi nghiệp.

Theo Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, 95% sinh viên tốt nghiệp trong vòng 12 tháng có việc làm ngay. Trung bình, mỗi năm có từ 94 - 98% sinh viên ngành Công nghệ may của nhà trường tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo; trên 90% làm ở vị trí quản lý và kỹ thuật. Kết quả khảo sát sinh viên có việc làm của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân năm 2021 dao động từ 84,24% - 97,73%. Ngành Khoa học máy tính có tỷ lệ cao nhất là 97,73%. Tiếp đến là Quản trị nhân lực 94,59%; Marketing 94,16%...

Khảo sát tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau khi ra trường được Trường ĐH Mở Hà Nội triển khai thường xuyên từ năm 2015. Theo ThS Đỗ Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông, trước đây khảo sát bằng phiếu nên một số sinh viên không phản hồi, nhưng tình trạng này đã cơ bản khắc phục khi triển khai trên hệ thống online.

Thông qua khảo sát, Trường ĐH Mở Hà Nội nắm bắt được tình hình thực tế công tác đào tạo, có sự so sánh, đối chiếu chất lượng đào tạo của khoa/ngành, từ đó làm căn cứ điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát còn đánh giá được thực trạng đào tạo, chất lượng sinh viên qua các thông số như mức thu nhập, các nhu cầu, mong muốn. Những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong 12 tháng đầu tiên của Trường đạt trên 90%, một số ngành tỷ lệ 100%”, ThS Đỗ Ngọc Anh chia sẻ.

Khó khăn chủ yếu hiện nay là khi liên lạc một số sinh viên thay đổi số điện thoại, email hoặc địa chỉ nơi ở… Để khắc phục, Trường ĐH Mở Hà Nội đã tổ chức mạng lưới cố vấn học tập và ban liên lạc cựu sinh viên để nắm bắt tình hình sinh viên khi ra trường.

Việc thực hiện công tác điều tra việc làm sinh viên sau khi tốt nghiệp được lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế rất quan tâm. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Thoa, Trưởng phòng Đào tạo đại học & Công tác sinh viên, thực tế khảo sát cho thấy đa phần sinh viên nhiệt tình tham gia và có ý kiến đóng góp cho nhà trường về hoạt động GD-ĐT. Song một số cựu sinh viên không quan tâm; số ít liên lạc nhiều lần mới phản hồi. Ngoài ra, địa chỉ, số điện thoại và các địa chỉ Facebook, Zalo một số sinh viên không còn sử dụng nên không thể liên lạc để gửi khảo sát.

“Giải pháp khắc phục khó khăn và để có thống kê chất lượng, tin cậy là số hoá công tác lưu trữ dữ liệu thông tin sinh viên tốt nghiệp. Cùng đó, thành lập và phát huy vai trò Ban Liên lạc cựu sinh viên ở tất cả các tỉnh/thành và nước ngoài. Lập các trang mạng xã hội dưới sự quản lý của nhà trường để tăng cường hoạt động kết nối, thông tin việc làm cho các cựu sinh viên, giới thiệu các hoạt động của nhà trường, của các khoa…”, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Thoa chia sẻ.

Thí sinh tìm hiểu ngành nghề đào tạo của Viện Đào tạo quốc tế (Học viện Tài chính) tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023. Ảnh: Đình Tuệ

Cung - cầu đã gặp nhau?

Theo các chuyên gia, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm mang nhiều ý nghĩa. TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, đây là con số biết nói thể hiện năng lực, chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tất nhiên, đó không phải là những số liệu “bốc thuốc” mà phải được thống kê, khảo sát bài bản, khoa học và có đủ cơ sở tin cậy. Muốn vậy, các trường cần có minh chứng rõ ràng, thực chất để xã hội tin tưởng.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhìn nhận, thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường là một phần quan trọng mà các cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai. Đây cũng là một trong những hình thức cam kết chất lượng đào tạo với xã hội. “Tôi mừng khi nhìn vào tỷ lệ sinh viên có việc làm của nhiều trường lên đến 95 - 98%. Con số này thể hiện việc đào tạo đã đáp ứng được thị trường lao động. Ở góc nhìn khác, nó thể hiện cung - cầu đã gặp nhau. Song, đó phải là con số thực chất, không phải số liệu ảo cho đẹp” – PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Khẳng định khi khảo sát tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp, cần làm rõ các ngành đào tạo của giáo dục đại học khác với ngành nghề kinh tế - xã hội, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, cần phân định tường minh giữa số liệu sinh viên ra trường có việc làm với việc làm đúng chuyên ngành đào tạo. Đây là 2 số liệu khác nhau nên ý nghĩa khác nhau.

“Liệu rằng, thời điểm trước mùa tuyển sinh, có hay không việc các cơ sở giáo dục đại học công bố tỷ lệ sinh viên ra trường cao ngất ngưởng nhằm mục đích tuyển sinh đủ chỉ tiêu đề ra” – PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đặt vấn đề, đồng thời nhấn mạnh, các trường sẽ phải chịu trách nhiệm với số liệu công bố công khai, đừng để những con số biết “nhảy múa” phản tác dụng.

TS Lê Viết Khuyến cho hay, theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ mùa tuyển sinh năm 2018, các cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau ra trường của các năm trước. Đây là một trong những căn cứ quan trọng cho chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của các cơ sở đào tạo.

Theo Minh Phong - Hiếu Nguyễn/ GD&TĐ

Tin cùng chuyên mục

Bộ GD&ĐT công bố danh sách các đơn vị được phê duyệt, gia hạn, điều chỉnh liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
Bộ GD-ĐT vừa công bố danh sách các trường đại học và các chương trình đào tạo được đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục
Có thể xem nghiên cứu sinh như một phần đội ngũ cơ hữu của trường đại học (ĐH) là một ý kiến được nêu trong hội thảo lấy ý kiến dự thảo Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0 đến năm 2030, do Bộ GD-ĐT tổ chức hôm 16.9.
Trong chương trình thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ, ĐH Quốc gia TPHCM có đề xuất cho phép được thí điểm bổ nhiệm các chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS) và trợ lí GS.
Thanh tra Bộ GD&ĐT ban hành văn bản hướng dẫn thanh tra, kiểm tra năm học 2024-2025 đối với các cơ sở đào tạo. Các khâu trong công tác tuyển sinh các trình độ của giáo dục đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non đều được thanh tra, kiểm tra.
Năm học 2024-2025, nhiều trường phổ thông tại TPHCM đã cho học sinh lớp Mười hai “học chạy” 2 môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đáp ứng sở thích và nhu cầu nghề nghiệp của các em.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.