Trước những đồn đoán về việc công nghệ hiện đại sẽ thay thế ngành kế toán, các chuyên gia cho biết: không công nghệ hay máy móc nào có thể thay thế được con người.
Do vậy, người học chuyên ngành kế toán không lo thiếu việc làm, tuy nhiên yêu cầu trình độ sẽ ngày càng cao.
Tỷ lệ có việc làm cao
Kế toán là một trong những ngành nghề quen thuộc của các trường đào tạo khối ngành kinh tế và xuất hiện tại danh sách đào tạo của rất nhiều trường đại học, cao đẳng khắp cả nước.
Nhiều năm trở lại đây, xuất hiện không ít thông tin cho rằng ngành kế toán là một trong những ngành có tỷ lệ thất nghiệp cao, có thể bị công nghệ thay thế, thậm chí có nguy cơ… biến mất.
Tuy nhiên, các chuyên gia tuyển dụng cho rằng, dù công nghệ phát triển hay tác động tiêu cực của đại dịch Covid- 19 đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam thì vẫn không gây quá nhiều tác động đến nhu cầu việc làm của ngành kế toán.
Nhiều học sinh quan tâm đến ngành kế toán. Ảnh: Nam Du
TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Hà Nội, cũng khẳng định, không một ngành nghề nào mà máy móc thay thế được con người, trong đó có ngành kế toán. Máy móc và công nghệ hay các phần mềm chỉ là công cụ hỗ trợ, tối ưu hóa các phần việc cho con người, phục vụ con người. Máy móc không thể hạch toán thay con người được nên nghề kế toán vẫn phải cần con người.
Số liệu từ Bộ LĐTB&XH, Tổng cục Thống kê, Cục Việc làm và Viện khoa học Lao động và Xã hội chỉ rõ, nhóm ngành kế toán - kiểm toán là những ngành đang có nhu cầu tuyển dụng cao nhất.
“Báo cáo tình hình việc làm của sinh viên” các năm gần đây của Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho thấy, tỷ lệ sinh viên kế toán sau khi tốt nghiệp có việc đạt 97,8%; tỷ lệ sinh viên ngành kế toán có việc làm ngay sau khi ra trường của Trường ĐH Ngoại thương là 97,24%; của Học viện Tài chính là 98.39%, còn với ĐH Thương mại, tỷ lệ này là 99,46%. Những con số biết nói trên khẳng định, sinh viên học ngành kế toán ra trường không lo thất nghiệp bởi bất cứ đơn vị, cơ quan, tổ chức tư nhân hay Nhà nước nào cũng cần nhân sự kế toán.
Bất kỳ DN nào muốn vận hành được đều cần đến bộ phận kế toán. Kế toán có vai trò quan trọng trong việc quản lý tài chính, đưa ra quyết định chiến lược và bảo đảm tuân thủ pháp luật tài chính của đơn vị, DN. Mỗi DN đều cần phải có 5 - 6 kế toán.
Đặc thù của ngành kế toán là hàng ngày làm việc với các con số, tính toán sổ sách, thu chi, chứng từ, lương bổng cho nhân viên... Tuy nhiên, tại mỗi đơn vị, DN, công việc của một kế toán rất đa dạng như: ghi sổ sách và thực hiện giao dịch tài chính, lập báo cáo tài chính, phân tích dữ liệu tài chính, quản lý thuế và tuân thủ pháp luật tài chính…
Sinh viên học ngành kế toán mở ra nhiều cơ hội và lựa chọn sự nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau: kế toán tài chính, kế toán quản trị, kế toán tổng hợp, kế toán kho, kế toán thuế, kế toán bán hàng, kế toán ngân hàng, kế toán tài sản, kế toán nội bộ…
Yêu cầu cao về trình độ
Hiện bất kỳ một ứng viên nào xin làm việc ở vị trí kế toán, đơn vị tuyển dụng cũng yêu cầu phải biết sử dụng thành thạo các phần mềm kế toán. Đây là điều sinh viên đã được trang bị và thực hành khi còn ngồi trên ghế nhà trường và trong thời gian đi thực tập nên hầu hết ứng viên đều nhanh chóng bắt nhịp, làm quen và đáp ứng được. Cũng như các ngành nghề khác, khi các ứng viên kế toán giỏi ngoại ngữ, khả năng tìm việc làm sẽ cao hơn và được đòi hỏi mức lương cao hơn.
Vì là ngành nghề của số liệu nên trong giai đoạn chuyển đổi số và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, các chuẩn mực của ngành kế toán đã và đang thay đổi. Điều này đòi hỏi các nhà trường phải liên tục nghiên cứu để có đổi mới trong thiết kế chương trình giảng dạy, mở nhiều chương trình đào tạo kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế hay chương trình chất lượng cao...
Nắm chắc được yêu cầu của nhà tuyển dụng về nghiệp vụ và yêu cầu của nhân sự kế toán, các chuyên gia tuyển dụng khuyên sinh viên hãy bắt tay ngay vào việc tích lũy kiến thức, kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu khi còn ngồi trên giảng đường ĐH. Cùng với đó, không ngừng rèn luyện những kỹ năng cần có của một kế toán về tính cẩn thận, tỉ mỉ, chịu trách nhiệm cao, làm việc nhóm và độc lập…
Ngoài ra, mỗi sinh viên kế toán hãy đặt cho mình kế hoạch như: học tốt một ngoại ngữ phổ biến như (tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Nhật); tích lũy kiến thức theo tiêu chuẩn quốc tế và Việt Nam; học chứng chỉ chuẩn quốc tế; rèn luyện kỹ năng mềm; rèn luyện tính nhẫn nại, tỉ mỉ…
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương thì các học sinh, sinh viên hãy cho mình cơ hội bằng cách tạo cho mình nhiều năng lực cốt lõi; không nên học ngành duy nhất mà hãy học theo hướng tiếp cận liên ngành.
“Sinh viên học kế toán, kinh tế có thể học thêm luật, khoa học dữ liệu… dưới một hình thức khác, không nhất thiết có thêm bằng nữa nhưng có khối lượng kiến thức đủ lớn để có cơ hội ứng phó tốt, có năng lực vượt trội trong tương lai. Nếu giỏi một ngành nào đó nhưng tự mở rộng kiến thức liên ngành, đa ngành và đẩy năng lực của mình tới mức rất cao thì việc tìm kiếm việc làm, đạt được mức lương như mong muốn là điều không khó” - PGS.TS Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.
Theo Nam Du/ Kinhtedothi