Cách để trí tuệ nhân tạo không thay thế biên dịch viên

Các ứng dụng, phần mềm dịch thuật tự động được tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng hoàn thiện và có thể thay thế biên dịch viên và phiên dịch viên hay không?

Chỉ là công cụ hỗ trợ

Các công cụ dịch thuật như Google Dịch được cải tiến không ngừng qua các năm và gần đây là sự xuất hiện của ChatGPT được cảnh báo sẽ tác động đến nhân lực của nhiều ngành nghề, trong đó có biên-phiên dịch.

Tuy nhiên, thay vì lo sợ, một số sinh viên chuyên ngành này hay dịch giả đã tận dụng các tiện ích dịch thuật để đạt hiệu quả trong học tập, công việc.

Nhờ sử dụng các công cụ này, Trần Phi Yến (sinh viên chuyên ngành biên-phiên dịch tiếng Anh, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) có thể hiểu sơ lược nội dung đoạn văn cần dịch, cũng như học nhanh nghĩa của các từ, cụm từ mới.

Không chỉ vậy, Lưu Nhật Nam (sinh viên khoa ngữ văn Anh, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) còn nhận thấy một số ưu điểm khác: "Ngoài tiết kiệm thời gian dịch thuật, đôi khi các công cụ gợi ý cho tôi một số cách dịch khá sáng tạo mà bản thân không nghĩ đến".

Sinh viên nên trau dồi khả năng ngôn ngữ trong thời đại bùng nổ AI. NHƯ MAI

Nắm bắt xu thế công nghệ chung, giảng viên khối ngành ngôn ngữ ở một số trường đã tìm hiểu và đưa AI vào lớp học để hỗ trợ sinh viên tối đa, đồng thời tạo niềm cảm hứng học tập cho họ.

"Nếu buổi học cứ lặp đi lặp lại với phương pháp giảng dạy truyền thống là cho văn bản, yêu cầu sinh viên dịch rồi viết lên bảng, sinh viên sẽ mất hứng thú. Việc đưa bài tập liên quan đến các ứng dụng dịch thuật sẽ làm hoạt động lớp học thú vị hơn", tiến sĩ Nguyễn Thị Như Ngọc (Phó trưởng khoa ngữ văn Anh và Trưởng bộ môn biên-phiên dịch, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) trả lời Báo Thanh Niên.

Không chỉ người dạy và học mới cần đến sự hỗ trợ của AI, dịch giả có nhiều kinh nghiệm cộng tác với các đơn vị dịch thuật như anh Lương Huỳnh Trọng Nghĩa (30 tuổi, hiện là chuyên viên bản quyền tại TP.HCM) cũng tận dụng từ điển trực tuyến để hiểu nét nghĩa, sắc thái của từ và câu. Anh còn có thể quản lý tiến độ dịch thuật qua một số ứng dụng khác để đảm bảo hoàn thành công việc đúng thời hạn.

Có những thứ AI không làm tốt bằng con người

Tiện lợi là thế, song AI vẫn còn nhiều điểm hạn chế, nói cách khác là không thể đáp ứng toàn bộ yêu cầu của nghề biên-phiên dịch.

Cụ thể, tiến sĩ Nguyễn Thị Như Ngọc chỉ ra hai khái niệm cần làm rõ trong dịch thuật là "năng lực dịch thuật" và "năng lực dịch giả". AI có năng lực dịch thuật để tạo ra bản dịch ở mức chấp nhận được, nhưng lại thiếu đi năng lực dịch giả gồm các kỹ năng tương tác cá nhân, hiểu biết văn hóa, ứng xử nghề nghiệp... để cho ra bản dịch tốt.

"Nhất là với các văn bản có nội dung chuyên ngành, AI không đảm bảo độ chính xác của thông điệp vì chưa hiểu hết được đối tượng, không gian và thời gian tiếp nhận bản dịch", cô Ngọc nói thêm.

Ngoài ra, công cụ AI chỉ chuyển đổi ngôn ngữ mà thiếu đi tính cảm xúc cần có, khiến bản dịch mất tự nhiên. "AI không cảm thụ tốt bằng biên-phiên dịch viên. Cách dùng từ của bản dịch máy còn cứng nhắc, chỉ truyền đạt thông tin đơn thuần, còn con người có cảm xúc nên bản dịch mang tính văn học, trôi chảy hơn", anh Lương Huỳnh Trọng Nghĩa (dịch giả tại TP.HCM) nói.

So sánh văn bản máy dịch và người dịch

Bản máy dịch và bản người dịch cho đoạn nội dung dưới đây (thuộc tác phẩm trinh thám Danh sách mua sắm của kẻ sát nhân, tác giả Jiyoung Kang) cho thấy sự khác biệt như nhận định của anh Trọng Nghĩa.

Bản gốc: "그녀가 물건들을 챙겨 채 떠나기도 전에 중년 부인 하나가 나물이 든 일회용 봉지를 밀어놓는다. 깐 도라지, 불린 고사리, 숙주나물 300그램, 시루떡 두 개들이 팩 하나, 약과와 유과, 동태포, 무와 양지머리 한 덩이, 양초 한 갑, 마감 임박 세일 조기 세 마리. 중년 부인은 오늘 제사를 준비할 모양이다. 아직 남편을 여의기엔 이른 나이지만 그건 알 수 없는 일이다. 화장이 짙다. 남편의 제삿날 마스카라와 붉은색 립스틱을 바르는 건 어색하다. 조상의 기일일 가능성이 더 크다. 손가락에 낀 비취 반지와 긴 손톱, 여자는 제법 여유롭고 한갓진 삶을 사는 모양이다. 오십대 후반 정도로 보이니 자식들이 집을 떠나 두 내외만 오붓하게 살고 있는지 모른다. 제사 음식치고는 소박한 편이다. 시부모의 제사라면 살아생전 그리 사이가 좋지만은 않았으리라".

Bản dịch máy: "Trước khi cô ấy có thể thu dọn đồ đạc và rời đi, một người phụ nữ trung niên đã đẩy một túi thảo mộc dùng một lần sang một bên. Hoa chuông đã bóc vỏ, dương xỉ ngâm nước, 300 gam giá đỗ, hai gói sirutduk, yakgwa và yugwa, cá minh thái mùa đông, củ cải và ức, một gói nến và ba con chim bán sớm. Người vợ trung niên dường như đang chuẩn bị cho nghi lễ tổ tiên ngày hôm nay. Vẫn còn quá sớm để mất chồng, nhưng đó là điều chưa biết. Trang điểm đậm. Thật khó xử khi chuốt mascara và tô son đỏ trong ngày giỗ chồng. Nhiều khả năng đó là ngày mất của tổ tiên. Chiếc nhẫn ngọc trên ngón tay và móng tay dài, người phụ nữ dường như đang sống một cuộc sống nhàn nhã và nhàn nhã. Họ dường như đã ngoài 50 tuổi nên không biết con cái đã bỏ nhà ra đi và chỉ sống thoải mái với hai vợ chồng. Khá đơn giản cho một bữa cơm cúng tổ tiên. Nếu là lễ cúng tổ tiên của bố mẹ chồng thì cả đời họ cũng không thân thiết lắm".

Bản người dịch: "Trước khi cô ấy gom đồ vào túi và rời đi, có một người phụ nữ trung niên đẩy một túi thảo mộc dùng một lần lên bàn tính. Rễ hoa chuông khô, dương xỉ ngâm nước, 300g giá đỗ, hai gói bánh gạo hấp, yakgwa và yugwa, cá minh thái đông lạnh, củ cải và một miếng sườn bò, một hộp nến và ba món hàng giảm giá cận đát. Có vẻ hôm nay bà ấy chuẩn bị cúng giỗ. Nhưng tầm tuổi này làm gì đến nỗi mất chồng, mà cũng chưa dám chắc được. Bà ấy trang điểm rất đậm. Ngày giỗ của chồng mà chải mascara và tô son đỏ thì cũng hơi lạ. Chỉ có thể là cúng giỗ ông bà. Bà ấy nuôi móng tay dài, ngón tay đeo nhẫn ngọc bích; trông bà ấy như đang có một cuộc sống dư dả và nhàn rỗi. Liệu tuổi đã ngoài năm mươi mà con cái cũng dọn ra riêng như vậy thì hai vợ chồng sống với nhau có hạnh phúc không nhỉ? Dù sao cúng kiếng gì cũng đơn giản hơn cả. Nếu là cúng giỗ bố mẹ chồng thì khi còn sống chắc họ cũng không hòa thuận nhau lắm".

Do đó, tính đến thời điểm hiện tại, các công cụ AI chưa thể thay thế cho kỹ năng dịch thuật của con người, mà chỉ có vai trò hỗ trợ, giúp giảm thiểu sai sót, nâng cao chất lượng dịch.

Sinh viên cần rèn luyện như thế nào?

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Như Ngọc, sinh viên không nên quá phụ thuộc vào các ứng dụng dịch thuật, khiến khả năng xử lý ngôn ngữ kém nhạy bén, cảm ngôn không cao.

Tuy không phụ thuộc hoàn toàn vào công cụ AI, nhưng để cạnh tranh trong môi trường làm việc nhiều biến động, cô Ngọc đề xuất: "Sinh viên cần nâng cao kỹ năng nghiên cứu về các nội dung chuyên sâu khi AI chưa giải quyết triệt để; tìm hiểu và sử dụng công nghệ trong dịch thuật để các nhà tuyển dụng không phải đào tạo lại từ đầu; chủ động tham gia vào các mạng lưới dịch thuật để tăng cơ hội nghề nghiệp…".

Sinh viên đừng "lạm dụng" AI trong việc dịch thuật. SHUTTERSTOCK

Trong khi đó, việc cập nhật kiến thức tổng quát lẫn chuyên ngành ở đa lĩnh vực cũng rất cần thiết để dịch thuật chuẩn xác. "Có những chuyên ngành như thương mại, luật,… thì chỉ có học từ vựng của các chuyên gia nghiên cứu mới có thể dịch nghĩa một cách hoàn chỉnh", Lê Đăng Khoa (sinh viên ngành ngôn ngữ Trung Quốc trường ĐH Tôn Đức Thắng) chia sẻ.

Theo Thúy Liễu/TNO

Tin cùng chuyên mục

Trong Hội nghị thượng đỉnh chính phủ thế giới diễn ra vào tháng 2/2024, lời phát biểu của ông Jensen Huang - Giám đốc điều hành Tập đoàn Nvidia - đã gây sự chú ý lẫn những tranh luận đa chiều. Theo ông, giới trẻ không cần học lập trình nữa bởi trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ làm việc đó; giới trẻ chỉ nên học các ngành sinh học, giáo dục, nông nghiệp…
Quan hệ công chúng (viết tắt là PR) là một ngành thuộc lĩnh vực truyền thông.
Trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh giúp học sinh, sinh viên có thêm nhiều cơ hội học tập và nghiên cứu sâu về lĩnh vực này.
Ai cũng cần những người thầy trong đời. Người thầy đứng trên bục giảng nhìn xuống những gương mặt chăm chú của học trò để biết kiến thức của mình đang được gieo xuống mảnh đất màu mỡ mỗi ngày. Ở đó những mầm xanh hối hả vươn lên!
Điện thoại, máy tính, ti vi hay xe máy, ô tô, máy bay,… đều không thể vận hành nếu thiếu một thành phần cốt lõi, chip bán dẫn. Trong đó, các mạch tích hợp chứa hàng triệu, thậm chí hàng tỷ thành phần điện tử trên một chíp bán dẫn, giúp tạo ra các bộ vi xử lý mạnh mẽ, bộ nhớ dung lượng lớn và các ứng dụng di động ngày càng nhỏ gọn. Quá trình tạo ra các mạch tích hợp ấy chính là nhiệm vụ của ngành thiết kế vi mạch.
Đến năm 2030, Đại học Quốc gia TP.HCM đặt mục tiêu đào tạo được 1.500 kỹ sư và 500 thạc sỹ thiết kế vi mạch; đào tạo và cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho 15.000 kỹ sư.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề