Tuyển sinh ngành y không cần môn sinh: Liệu có ổn?

Năm 2023, tiếp tục có thêm các trường đại học mở rộng tuyển sinh khối ngành sức khỏe bằng tổ hợp xét tuyển không có môn sinh. Điều này gây không ít băn khoăn về chất lượng đào tạo khối ngành sức khỏe vốn rất chú trọng nền tảng kiến thức sinh học.

Ngày càng nhiều trường đại học mở rộng xét tuyển các tổ hợp không có môn sinh học đối với khối ngành sức khỏe (trong ảnh: Sinh viên học khối ngành sức khỏe tại Trường đại học Công nghệ TPHCM) - Ảnh: M.L.

Mới đây, Trường đại học (ĐH) Y Dược TPHCM công bố đề án tuyển sinh ĐH chính quy năm 2023 với nhiều điểm mới đáng chú ý. Đặc biệt, thay vì chỉ xét tuyển tổ hợp truyền thống B00 (toán, hóa, sinh), thì năm nay, lần đầu tiên trường mở rộng xét tuyển cả tổ hợp A00 (toán, lý, hóa) với 11/14 ngành đào tạo.

Bên cạnh ngành dược học đã tuyển sinh cả hai tổ hợp A00 và B00 từ những năm trước, năm nay thí sinh xét tuyển tổ hợp A00 còn “rộng cửa” vào các ngành vốn chỉ dành cho khối B00 như: y học dự phòng, điều dưỡng, điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng và y tế công cộng. Chỉ tiêu xét tuyển tối đa năm 2023 cho tổ hợp A00 của các ngành là 25% tổng chỉ tiêu ngành (trừ ngành dược học).

Nhiều ngành sức khỏe không xét tuyển môn sinh 

Phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Quốc Đạt - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Y Dược TPHCM - cho biết từ chủ trương của Bộ GD-ĐT giao các trường tự chủ tuyển sinh, hằng nằm nhà trường đều rà soát và thông qua hội đồng khoa học để đánh giá các phương thức tuyển sinh. Tinh thần của nhà trường là xem xét những ngành có thể mở rộng hình thức tuyển sinh để tạo thêm cơ hội cho thí sinh. Trước đó, nhà trường đã áp dụng tuyển sinh tổ hợp A00 với ngành dược, qua đánh giá cho thấy các thí sinh tuyển sinh bằng tổ hợp A00 đáp ứng được yêu cầu đào tạo tương đương với tuyển sinh bằng các hình thức khác. 

Trên tinh thần đó, hội đồng trường đánh giá, cân nhắc mở rộng hình thức tuyển sinh đối với một số ngành. Chẳng hạn, ngành kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học có liên quan nhiều đến kiến thức vật lý, do đó mở rộng tuyển sinh khối A00 là phù hợp. “Đối với một số ngành như y tế công cộng, y tế dự phòng, trước đây quan điểm là đều phải liên quan đến sinh học. Tuy nhiên, tùy theo nhu cầu từng giai đoạn mà việc đánh giá năng lực cần thay đổi chứ không cố định như trước.

Hiện nay, tuyển thí sinh vào một ngành đòi hỏi cả khả năng ngoại ngữ và các kiến thức khác. Thời gian học ĐH không đào tạo được tất cả kiến thức về nghề mà quan trọng là thí sinh có năng lực về tư duy, ngoại ngữ để từ đó có năng lực học tập suốt đời. Do đó, nhà trường cho rằng các phương thức tuyển sinh nên hướng tới cách tiếp cận mở sẽ phù hợp hơn trong bối cảnh hiện tại” - ông Ngô Quốc Đạt nói.

Thực tế, vài năm gần đây, việc các trường mở rộng xét tuyển các tổ hợp không có môn sinh với khối ngành sức khỏe không hiếm. Ở khu vực phía Bắc, Trường ĐH Y tế công cộng mở rộng xét tuyển các tổ hợp A00 và A01 (toán, lý, tiếng Anh), D01 (toán, văn, tiếng Anh), D07 (toán, hóa, tiếng Anh) với các ngành y tế công cộng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật phục hồi chức năng. Trường ĐH Y khoa Tokyo Việt Nam cũng xét tuyển tổ hợp A00 và A01 cho cả 4 ngành đào tạo sức khỏe của trường.

Tại TPHCM, một số trường như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tuyển sinh các ngành sức khỏe với 3 tổ hợp không có môn sinh gồm A00, A01 và D07. Trường ĐH Công nghệ TPHCM mở rộng tuyển sinh các ngành A00, D07 với cả 3 ngành sức khỏe (kỹ thuật xét nghiệm y học, điều dưỡng và dược học). 

Thậm chí, ngay cả với ngành y khoa (đào tạo bác sĩ y đa khoa), rất nhiều trường cũng “mở cửa” xét tuyển các tổ hợp không có môn sinh (A00, A01, D07), như Học viện Quân y, Trường ĐH Y Dược Hải Phòng, Trường ĐH Y Dược Thái Bình, Trường ĐH Y Dược - ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Kinh Bắc, Trường ĐH Phan Châu Trinh...

Điều bất thường

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Phùng Đắc Cam - nguyên cán bộ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - cho rằng việc tuyển sinh các khối ngành liên quan đến y học nhưng “bỏ quên” môn sinh là điều bất thường. Con người là một sinh vật, có đầy đủ quy luật của một sinh vật, ngành y đào tạo về khoa học con người thì bắt buộc phải có kiến thức sinh học, đó là nguyên tắc cơ bản.

Ông nhìn nhận: “Không thể nói rằng môn sinh ở phổ thông không quan trọng và có thể bù đắp khi lên ĐH, vì kiến thức phổ thông là nền tảng, là “chân đế” để thí sinh tiếp thu các kiến thức chuyên sâu hơn ở bậc ĐH. Mỗi cấp lớp có mức độ kiến thức khác nhau, giống như từng bậc thang đi lên mới vững chắc. Nếu sinh viên không có kiến thức nền tảng sinh học ở bậc phổ thông thì chắc chắn gặp những khó khăn nhất định trong quá trình học y. Trong khi đó, một số trường hiện nay chẳng những tuyển sinh không có môn sinh mà còn không có cả môn hóa, nghĩa là “hổng” cả hai môn quan trọng với ngành sức khỏe”. 

Theo ông Phùng Đắc Cam, các nước trên thế giới đều rất coi trọng kiến thức môn sinh và hóa trong đào tạo nhóm ngành sức khỏe. Với xu thế phát triển, tiếng Anh rất quan trọng nhưng chỉ là công cụ chứ không thể thay thế được kiến thức các môn về khoa học con người trong việc đào tạo nghề y. Ông lo ngại việc thiếu kiến thức sinh học không chỉ gây khó khăn cho người học mà về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ngành này.

Ở một góc nhìn khác, thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên dạy môn sinh tại hệ thống giáo dục HOCMAI (TP Hà Nội) - cho rằng, xét về mặt tư duy thì khối A00 hay B00 đều ổn vì đều là khối tự nhiên, cho nên thí sinh đạt 27 điểm trở lên ở khối nào cũng có tư duy tốt và có thể học được ngành y. Tuy vậy, nếu xét về mặt định hướng nghề nghiệp thì không ổn. Theo thầy, các ngành khác có thể tuyển bằng nhiều tổ hợp khác nhau, vì thực chất là tuyển sinh ĐH là tuyển người có tư duy.

Thế nhưng, y là ngành đặc thù nên cần có cái nhìn đặc thù hơn. Học y và làm việc trong ngành y là một hành trình rất dài và vất vả. Do đó, học sinh phải thực sự yêu thích ngành y, có ý thức định hướng nghề nghiệp ngay từ đầu, mà biểu hiện là việc đam mê và học tập tốt môn sinh từ phổ thông. 

Có thể thấy, tổ hợp mà học sinh chọn để xét tuyển ĐH chắc chắn là môn các em yêu thích và làm bài tốt nhất. Do đó, nếu không chọn tổ hợp có môn sinh để xét tuyển thì nhiều khả năng các em không thích hoặc không học tốt môn này. Như vậy, một học sinh không yêu thích hoặc dở sinh học ở phổ thông thì sẽ khó có đủ đam mê, kiên trì để bám trụ quá trình đào tạo, hành nghề rất dài và vất vả, lại có liên quan mật thiết đến môn học này. 

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó chủ tịch Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam:

Bộ GD-ĐT cần định hướng, giám sát
Tôi không đồng tình với việc tuyển sinh các khối ngành sức khỏe mà không chú trọng kiến thức sinh học. Đặc biệt, với chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay, ở cấp THCS, học sinh học môn sinh dưới dạng tích hợp trong môn khoa học tự nhiên. Lên đến cấp THPT, môn sinh trở thành môn tự chọn. Vậy sẽ thế nào nếu một học sinh không chọn học môn sinh ở cấp THPT, nghĩa là gần như “hổng” kiến thức sinh học, mà vẫn xét tuyển vào ngành y? Trong khi đây là môn căn bản, mang tính định hướng nghề nghiệp rõ nhất của khối ngành sức khỏe. 

Việc mở rộng khối xét tuyển vào ngành y không có môn sinh sẽ thuận lợi cho các trường trong việc đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng quyền lợi của người học, không đảm bảo nhu cầu đào tạo nhân lực ngành sức khỏe cho xã hội. Tôi đã từng phản ánh các bất cập trong công tác tuyển sinh lên Bộ GD-ĐT, tuy nhiên lãnh đạo bộ thường cho rằng Luật Giáo dục hiện nay đã giao các trường tự chủ trong công tác tuyển sinh.

Thế nhưng, tôi cho rằng nói như vậy là chưa tròn trách nhiệm quản lý nhà nước. Luật chỉ quy định khung, còn Bộ GD-ĐT với vai trò cơ quan quản lý vẫn phải có định hướng, giám sát để việc mở ngành mới và đa dạng phương thức xét tuyển phải đảm bảo chất lượng đầu vào, đầu ra, phù hợp với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực. Tự chủ không đồng nghĩa với tự do. Trách nhiệm tự chủ tuyển sinh của các trường cũng phải gắn với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm xã hội.

Theo Phương Thanh/ PNO

Tin cùng chuyên mục

Nhà giáo cũng là người lao động, là viên chức nhà nước và tất nhiên các chế độ, quyền lợi phải thực hiện và tuân thủ theo các chủ trương chung.Tin liên quan
Hiện nay ngày càng nhiều thí sinh vừa đỗ ĐH đã đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh theo quy định. Tỷ lệ này ngày càng tăng qua từng năm, có trường tới 50 - 70%.
Ngày càng nhiều học sinh ôn luyện các bài thi như SAT, đánh giá năng lực ngay từ bậc THCS để "chắc suất" vào ĐH tốp đầu, trong bối cảnh nhiều trường chọn dùng kết quả này để tuyển sinh trong các năm qua.
Xây dựng Luật Nhà giáo nhằm định vị vị trí pháp lý và các điều kiện phát triển nhà giáo.
Lãnh đạo trường và bộ môn có trách nhiệm rất lớn. Đề thi phải có trưởng bộ môn duyệt, kí vào đó. Bám sát chuẩn đầu ra- mục tiêu của môn học đó để đừng đánh giá sai, để tránh trường hợp lạm phát điểm.
Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với SV sư phạm.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.