Băn khoăn chuẩn đầu vào - đầu ra đào tạo tiến sĩ

Từ quy định tối thiểu của Bộ GD&ĐT, cơ sở đào tạo đại học (ĐH) được phép nâng “sàn” nên đôi khi những người trong cuộc cảm thấy băn khoăn do chưa thực sự nắm bắt được ngọn nguồn vấn đề trong đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam

Năm 2021, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 18 về quy chế đào tạo tiến sĩ. Thông tư này khiến nhiều nhà khoa học sốc vì bỏ yêu cầu bắt buộc giảng viên hướng dẫn và nghiên cứu sinh có công bố quốc tế vẫn có thể đủ điều kiện hướng dẫn và bảo vệ luận án tiến sĩ. Bộ GD&ĐT lí giải những yêu cầu của thông tư chỉ mang tính chất tối thiểu, các cơ sở giáo dục đào tạo ĐH căn cứ vào đó để có thể đặt ra mức các tiêu chuẩn cao hơn.

Vừa qua, báo Tiền Phong nhận được phản ánh của nghiên cứu sinh về băn khoăn liên quan đến quy chế đào tạo tiến sĩ của ĐH Bách khoa Hà Nội. Theo phản ánh, tại Quy chế đào tạo của ĐH này, nghiên cứu sinh muốn bảo vệ luận án tiến sĩ điều kiện tối thiểu phải có 2 bài trên tạp chí quốc tế có phản biện. Trong khi đó, giảng viên hướng dẫn nghiên cứu sinh điều kiện tối thiểu có thể không cần công bố quốc tế, chỉ cần công bố trên tạp chí trong nước có phản biện đủ 4 điểm.

Có nghĩa là yêu cầu đối với nghiên cứu sinh của ĐH Bách khoa Hà Nội tăng lên nhưng yêu cầu đối với giảng viên hướng dẫn lại giữ nguyên mức tối thiểu như Bộ GD&ĐT quy định. Theo phản ánh, quy định của ĐH Bách khoa Hà Nội dẫn đến nghịch lý tiêu chuẩn công bố quốc tế của nghiên cứu sinh cao hơn giảng viên hướng dẫn.

Các tân tiến sĩ của ĐH Bách khoa Hà Nội nhận bằng năm 2023 Ảnh: Hà Kim

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Ngọc Khánh, Phó Trưởng ban Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội, khẳng định quy chế đào tạo tiến sĩ của ĐH Bách khoa Hà Nội không hạ chuẩn giảng viên hướng dẫn so với nghiên cứu sinh. Quy định phải có tối thiểu 2 bài báo trên tạp chí quốc tế có phản biện là khi nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ, tức là điều kiện đầu ra.

Còn quy định trên đối với giảng viên hướng dẫn là khi giảng viên bắt đầu nhận nghiên cứu sinh. Như vậy, sau thời gian nghiên cứu sinh làm tiến sĩ, các bài báo quốc tế của nghiên cứu sinh đều có sự đóng góp của giảng viên hướng dẫn nên tác giả bài báo không thể chỉ nghiên cứu sinh đứng tên. Có nghĩa là Quy chế đào tạo tiến sĩ của ĐH Bách khoa Hà Nội đưa ra quy định đối với nghiên cứu sinh là chuẩn đầu ra, còn quy định đối với giảng viên hướng dẫn là chuẩn đầu vào của quá trình làm luận án tiến sĩ.

“Công bố quốc tế trên các tạp chí ISI/scopus có uy tín vừa xem như một điều kiện cần, một công cụ quan trọng đánh giá khách quan chất lượng luận án tiến sĩ, nâng cao chất lượng đội ngũ, còn có ý nghĩa góp phần quan trọng thúc đẩy sự hội nhập quốc tế của khoa học và giáo dục đào tạo của Việt Nam”. GS Nguyễn Đình Đức

Theo ông Khánh, ĐH Bách khoa Hà Nội luôn chú trọng liêm chính học thuật. Điều này được thể hiện rõ trong quy chế đào tạo tiến sĩ với yêu cầu nghiên cứu sinh là tác giả chính (tác giả đứng tên đầu hoặc tác giả liên hệ duy nhất) của bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án đăng trên tạp chí quốc tế. “ĐH Bách khoa Hà Nội không chấp nhận tình trạng “gá, ké” tên trong các bài báo khoa học của nghiên cứu sinh. Và việc quy định 2 bài báo quốc tế chỉ là quy định tối thiểu”, ông Khánh nói.

Nội hàm tham gia xếp hạng ĐH thế giới

Hiện nay, cơ sở giáo dục ĐH đều ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ với yêu cầu khác nhau về chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra của nghiên cứu sinh dựa trên khung quy định chung của Bộ GD&ĐT. Quy định của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng yêu cầu cao hơn quy chế hiện hành của Bộ. Cụ thể, nghiên cứu sinh trong quá trình đào tạo phải có công bố quốc tế, là tác giả chính. Luận án và tất cả các công trình nghiên cứu khoa học trước khi gửi xuất bản, công bố hoặc bảo vệ phải được kiểm tra sao chép, trùng lặp. Tiêu chuẩn người hướng dẫn nghiên cứu sinh cũng yêu cầu cao hơn của Bộ, chỉ có GS, PGS, TSKH mới được hướng dẫn chính nghiên cứu sinh.

Người hướng dẫn có học vị tiến sĩ (chưa có chức danh GS hoặc PGS) để hướng dẫn chính nghiên cứu sinh thì phải có thành tích xuất sắc (liên tục trong 3 năm liên tiếp mỗi năm phải là tác giả chính 1 bài báo quốc tế đăng trên tạp chí có uy tín thuộc danh mục Wos/Scopus) và có tối thiểu 1 năm làm công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy kể từ khi có quyết định cấp bằng tiến sĩ.

Trong thời gian 5 năm tính đến thời điểm có quyết định công nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh, người hướng dẫn chính, người hướng dẫn độc lập, người đồng hướng dẫn phải có thêm kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên môn liên quan tới đề tài luận án hướng dẫn. Thống kê của ĐH Quốc gia Hà Nội cho thấy, hơn 90% các công bố quốc tế có liên quan đến đào tạo nghiên cứu sinh. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, nguyên Trưởng ban Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định không có công bố quốc tế, các trường đại học sẽ không có nội hàm để tham gia xếp hạng đại học.

Theo ông Đức công bố trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín vẫn là tiêu chí quan trọng đánh giá năng lực và trình độ nghiên cứu của nhà khoa học. Thực tiễn trên thế giới cho thấy nghiên cứu sinh chính là lực lượng quan trọng thực hiện các ý tưởng của các GS hướng dẫn và qua đó thúc đẩy công bố quốc tế của các trường. Vì vậy, yêu cầu ngoài công bố trên các tạp chí trong nước, nghiên cứu sinh, GS, PGS nhất định phải có công bố quốc tế.

Theo Nghiêm Huê/ Tiền Phong

 

Tin cùng chuyên mục

Hiện nay, nhiều thí sinh muốn học khối ngành kỹ thuật nhưng lại không biết khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng cử nhân hay bằng kỹ sư. Theo các cơ sở đào tạo (các đại học, trường đại học, trường cao đẳng), sinh viên tốt nghiệp có thể nhận bằng cử nhân hoặc bằng kỹ sư tùy theo lựa chọn của người học.
Theo các nhà chuyên môn, hiện nay có một số ngộ nhận về nhân lực trình độ đại học cho công nghiệp chip bán dẫn cần được "giải ảo".
Từ khi các trường ĐH được thực hiện tự chủ mở ngành, hàng trăm ngành học mới được mở ra nhưng trong số đó nhiều ngành không tuyển được sinh viên dẫn đến đóng cửa.
Từ khi trường ĐH được tự chủ mở ngành đào tạo, hàng loạt ngành mới xuất hiện mỗi năm. Nhưng nhiều ngành đã nhanh chóng đóng cửa chỉ sau một vài năm tuyển sinh.
Rất nhiều quảng cáo hấp dẫn về các khóa luyện thi, các sách luyện đề đánh giá năng lực được tung ra, nhất là trong giai đoạn nước rút. Các chuyên gia nhất quán cho rằng, tham gia những khóa luyện thi vừa tốn tiền, vừa mất thời gian mà không mang lại hiệu quả.
Năm học 2023 - 2024, Nghệ An tăng 7.226 học sinh lớp 9, gây áp lực tuyển sinh vào lớp 10. Tại TPHCM, áp lực với học sinh thi vào lớp 10 cũng khốc liệt khi có đến 20.000 thí sinh rớt khỏi “đường đua vào trường công”.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề