Số liệu thống kê từ Bộ GD-ĐT cho thấy quy mô đào tạo ĐH tăng trung bình 4,4% trong giai đoạn 2013-2022. Số sinh viên (SV) nhập học trình độ ĐH có chiều hướng gia tăng từ năm 2013 đến năm 2015, sau đó có chiều hướng giảm đến năm 2019. Từ năm 2020 đến nay, số SV nhập học có chiều hướng tăng mạnh. Riêng năm học 2021-2022 quy mô SV đạt khoảng 2,1 triệu, trong đó số SV nhập học mới theo tất cả các hình thức đào tạo năm 2022 xấp xỉ 570.000.
Thống kê cho thấy số lượng ngành mới được các trường tự chủ mở lớn hơn rất nhiều so với tổng số ngành Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ đào tạo bậc ĐH. ẢNH: BỘ GD-ĐT
Tuy nhiên, quy mô đào tạo tăng nhưng tập trung ở các ngành, lĩnh vực có khả năng xã hội hóa cao như khối ngành kinh tế, tài chính, hoặc khối ngành có nhu cầu nguồn nhân lực lớn như công nghệ thông tin, các ngành về công nghệ, các ngành dịch vụ, khoa học sức khỏe… Sự chênh lệch quy mô người học theo từng khối ngành ở mức rất lớn. Trong cả 3 năm học từ 2020-2021 đến 2022-2023, số lượng lớn SV tập trung vào khối ngành III (kinh doanh và quản lý, pháp luật); khối ngành V (toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm và thủy sản, thú y) và VII (nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, khách sạn-du lịch-thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng).
Cùng với tăng số lượng SV nhập học từ năm 2020 là sự tăng mạnh của các ngành đào tạo mới trong các cơ sở giáo dục ĐH. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, chỉ chưa đầy 3 năm kể từ năm 2021 đã có 639 ngành đào tạo trình độ ĐH được mở mới tại các cơ sở đào tạo được thực hiện tự chủ mở ngành. Trong đó, năm 2021 số lượng ngành tự chủ mở mới tăng nhiều nhất với 262 ngành, tiếp đến năm 2022 là 201 ngành và trong 8 tháng năm 2023 đã có 176 ngành. Số lượng ngành được các trường tự chủ mở mới lớn hơn rất nhiều so với tổng số ngành Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ đào tạo bậc ĐH: năm 2021 có 56 ngành, năm 2022 có 40 ngành và 8 tháng đầu năm 2023 có 28 ngành.
Đáng nói, nhiều trường tự chủ mở ngành dù chưa đủ các điều kiện thực hiện tự chủ. Theo tổng kết của Bộ GD-ĐT trong năm 2023, có trường chưa có hội đồng trường, chưa kiện toàn thành phần theo quy định, chưa đạt chuẩn kiểm định, chưa ban hành đầy đủ các văn bản quy định… vẫn thực hiện tự chủ mở ngành. Sau quá trình thanh tra, năm học 2022-2023 Thanh tra Bộ GD-ĐT đã ban hành 94 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 94 lượt cơ sở đào tạo giáo dục ĐH. Trong đó, các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến công tác tuyển sinh, mở ngành đào tạo, duy trì điều kiện đã được mở ngành.
Kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT. CHỤP MÀN HÌNH
Tự chủ mở 16 ngành nhưng đóng cửa 13 ngành
Thanh tra Bộ GD-ĐT thực hiện thanh tra tự chủ mở ngành tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, trong thời gian 3 năm 2020-2022 trường mở 9 ngành trình độ ĐH. Trong đó, ngành digital marketing được mở trong năm 2020 và 8 ngành được mở trong năm 2021 gồm: quản trị sự kiện, thương mại điện tử, quan hệ công chúng, tâm lý học, quản lý giáo dục, ngôn ngữ Trung Quốc, ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Hàn Quốc. Nhưng cũng trong năm 2021, trường này có quyết định tạm dừng tuyển sinh 7 ngành khác trình độ ĐH từ năm học 2022-2023, gồm: giáo dục thể chất, thiết kế thời trang, quản lý công nghiệp, kỹ thuật xây dựng, Trung Quốc học, Hàn Quốc học và Nhật Bản học.
Trường ĐH Hoa Sen cũng mở 15 ngành trình độ ĐH trong thời gian 3 năm từ 2020-2022. Nhưng cũng trong thời điểm trên, trường không tổ chức tuyển sinh hoặc/và không tuyển sinh được 6 ngành từ năm 2021-2022 gồm: quản lý tài nguyên môi trường, mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, công nghệ thực phẩm, quản trị văn phòng, Hoa Kỳ học, bảo hiểm; ngành Nhật Bản học từ năm học 2022-2023. Trường tạm dừng tuyển sinh 4 ngành: luật quốc tế, bất động sản, hệ thống thông tin quản lý, phim. Một số ngành phải "đóng cửa" vào đầu năm 2023 chỉ sau một vài năm tuyển sinh như: bảo hiểm (mở năm 2020), bất động sản (mở đầu năm 2021), Hoa Kỳ học (mở đầu năm 2020), phim (mở đầu năm 2021)…
Đáng chú ý, những năm vừa qua Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã tự chủ mở 16 ngành. Trong đó, trong số 13 ngành phải tạm dừng tuyển sinh trong 2 năm 2022 và 2023 có những ngành trường tự chủ mở trong số 16 ngành trên như: toán kinh tế, quản lý văn hóa, quản lý công, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm… Trong đó 11 ngành trường dừng tuyển sinh từ năm 2022 gồm: lịch sử, văn học, văn hóa học, toán kinh tế, chính trị học, địa lý học, quốc tế học, sinh học ứng dụng, vật lý học, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, quản lý đô thị. Hai ngành tạm dừng tuyển sinh năm 2023 là quản lý văn hóa, quản lý công. Trong số 13 ngành dừng tuyển sinh, có 4 ngành không còn sinh viên theo học gồm: quản lý văn hóa, quản lý công, toán kinh tế, quản lý đô thị.
Một xu hướng ở nhiều trường là mở ngành mới theo xu hướng tên gọi mới nhưng điều kiện đảm bảo chất lượng không thực sự đảm bảo. Nên có những ngành học rất "hot", điểm chuẩn rất cao trường này nhưng vẫn không tuyển được người học ở trường khác"
Trưởng phòng Đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM
Khảo sát nhu cầu xã hội không đầy đủ khi mở ngành
Theo quy định của luật Giáo dục ĐH (2018), hiệu trưởng các cơ sở đào tạo ĐH được quyết định việc mở ngành đào tạo khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định. Việc mở ngành đào tạo trình độ ĐH được quy định cụ thể trong Thông tư 02/2022 Bộ GD-ĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ.
Một ngành được mở khi đáp ứng các điều kiện chung về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất… Trong đó, điều kiện chung đầu tiên là phù hợp với nhu cầu nhân lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, vùng, cả nước và của lĩnh vực đào tạo. Trong các điều kiện cụ thể, thông tư quy định chi tiết về điều kiện đội ngũ giảng viên các lĩnh vực.
Đáng chú ý, thông tư cũng quy định với ngành đào tạo đã được mở nhưng trong thời gian 3 năm liên tiếp với trình độ ĐH, cơ sở đào tạo không tổ chức tuyển sinh hoặc không tuyển sinh được thì quyết định mở ngành đó hết hiệu lực. Nguyên nhân "đóng cửa" ngành học một số đơn vị được nêu rõ trong kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT: không tuyển sinh được hoặc tuyển sinh rất ít sau khi mở ngành. Thanh tra cũng chỉ ra nguyên nhân xa hơn dẫn đến tình trạng không tuyển sinh được là khi thực hiện mở ngành trường đã thực hiện khảo sát nhu cầu xã hội không đầy đủ.
Bên cạnh đó, một số trường khi tự chủ mở ngành có giảng viên chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo không có ngành phù hợp với ngành dự kiến mở. Trường ĐH Thủ Dầu Một có 7/16 ngành cũng trong tình trạng trên. Tình trạng này xảy ra ở Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng với 7/9 ngành, có ngành giảng viên chủ trì ngành có bằng tiến sĩ không ghi ngành đào tạo như quan hệ quốc tế.
Tại Trường ĐH Hoa Sen, tại thời điểm mở ngành, 12 ngành trình độ ĐH trường tự chủ mở có giảng viên chủ trì thực hiện chương trình đào tạo không có ngành phù hợp với ngành dự kiến mở. Chẳng hạn ngành phim, đội ngũ giảng viên cơ hữu thời điểm mở ngành gồm 10 người chủ trì thực hiện chương trình đào tạo. Các giảng viên không cùng ngành phim, tại thời điểm mở ngành 7 giảng viên có hợp đồng lao động ký với trường thời hạn dưới 3 năm chưa đúng quy định.
Theo Trưởng phòng Đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM, từ khi quy định cho phép trường ĐH tự chủ mở ngành, số lượng các ngành đào tạo tăng lên nhanh chóng ở nhiều trường. "Trong đó, một xu hướng ở nhiều trường là mở ngành mới theo xu hướng tên gọi mới nhưng điều kiện đảm bảo chất lượng không thực sự đảm bảo. Nên có những ngành học rất "hot", điểm chuẩn rất cao trường này nhưng vẫn không tuyển được người học ở trường khác", Trưởng phòng Đào tạo này nhìn nhận.
Theo Hà Ánh/ Thanh niên