Không tuyển được nhân viên buồng phòng
Khách sạn Riverside Saigon (quận 1, TPHCM) có 100 phòng. Thông thường, 2 nhân viên (người dọn vệ sinh, người trải giường) phụ trách 14-18 phòng trong ca làm việc 8 tiếng. Tuy nhiên, ông Võ Minh Trung - Giám đốc khách sạn - cho hay, nhân sự mảng buồng phòng chưa đến chục người, trong khi khối lượng công việc lớn. Công việc không hề đơn giản vì đòi hỏi người làm phải được đào tạo bài bản, nhất là nhân viên trải giường. Người phụ trách công việc này có thể kiêm nhiệm việc dọn vệ sinh, nhưng người làm vệ sinh thì rất khó trải giường. “Khách sạn đang thiếu nhân sự trải giường. Chúng tôi phải thuê nhân viên thời vụ từ các khách sạn, nhà nghỉ khác, đồng thời thuê nhân viên dọn vệ sinh từ công ty cung ứng dịch vụ theo giờ”, ông Trung nói.
Tương tự, đại diện Royal Hotel Saigon cho biết, rất ít lao động buồng phòng trở lại làm việc sau dịch COVID-19. Công việc này cũng không có nhiều người muốn gắn bó vì lương, thù lao thấp. “Chúng tôi phải tìm tới các trường để tuyển dụng sinh viên chuyên ngành khách sạn, lưu trú. Đồng thời, liên hệ với đơn vị cung ứng lao động, kênh tuyển dụng, nhân sự cũ… để đảm bảo hoạt động của khách sạn”, đại diện Royal Hotel Saigon nói thêm.
Hiện, mức lương phổ biến với nhân sự buồng phòng mới đi làm tại các khách sạn 3-4 sao khoảng gần 5 triệu đồng/tháng, cộng thêm khoảng 10% phụ cấp. Người có kinh nghiệm, lương từ 6-8 triệu đồng/tháng. Khách sạn 5 sao thường trả lương cao hơn. Theo ông Võ Minh Trung, đó là chưa kể các khoản thưởng, trợ cấp, tăng ca… đặc biệt đây là nhóm được nhiều tiền “típ” của khách nhất.
Đại diện các khách sạn cho rằng, một trong những nguyên nhân gây thiếu nhân sự buồng phòng qua đào tạo do không ít người quan niệm bỏ thời gian 2-4 năm học cao đẳng, đại học lại đi làm công việc tạp vụ. Chưa kể, công việc này đòi hỏi thể lực vì phải thường xuyên di chuyển, nâng đồ đạc nặng… Đây cũng bị xem là công việc có tính chất đơn điệu, nhàm chán.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa - Phó trưởng khoa Quản trị du lịch - Nhà hàng - Khách sạn Trường đại học Công nghệ TPHCM - cho hay: “Dịch COVID-19 khiến lượng người học đăng ký ngành du lịch, nhất là lĩnh vực lưu trú giảm rất nhiều. Số lượng chỉ bằng 1/3 so với trước dịch”.
Doanh nghiệp tìm tới trường
Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Sài Gòn - cho biết, gần đây, các khách sạn, dịch vụ lưu trú chủ động tìm đến trường “săn đầu người”. Trong đó, có cả những chuỗi khách sạn quốc tế tại Việt Nam như Marriott, Melia… với chế độ đãi ngộ rất tốt. Thậm chí, là các quốc gia lân cận, nếu sinh viên sẵn sàng đi xuất khẩu lao động.
Theo bà Quỳnh Xuân, nhân sự buồng phòng tại các khách sạn thiếu do các bạn trẻ thích sự năng động, trải nghiệm nhiều hơn nên chọn làm hướng dẫn viên du lịch. Với những nhân sự cũ của các khách sạn, nhà hàng, sau dịch, họ không quay lại công việc cũ. Nguyên nhân cốt lõi vẫn là do mức lương thấp hơn các mảng khác. Nhân viên buồng phòng mới ra trường thu nhập bình quân chỉ từ 7-8 triệu đồng/tháng. Trong khi lĩnh vực này đòi hỏi nhân sự đầu vào phải có ngoại hình, ngoại ngữ.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, trước mắt trường dự định sẽ chiêu sinh học viên là các công nhân bị ảnh hưởng công việc ở các nhà máy, xí nghiệp để đào tạo các khóa nghiệp vụ ngắn hạn, cấp chứng chỉ nghề. “Tuy nhiên, trường băn khoăn khi trước đây nhu cầu mảng buồng phòng, các khách sạn ưu tiên cho phụ nữ trung niên. Gần đây, lại ưu tiên cho các bạn trẻ, có sức khỏe. Đó là một trong những thách thức cho trường khi muốn đào tạo”, bà Ngô Thị Quỳnh Xuân nói.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - cho hay, ngoài việc quan tâm đến đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch… hiện sở rất chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt là hướng dẫn viên du lịch, nhân viên khách sạn, như một trong những giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ và thương hiệu điểm đến cho TPHCM.
Theo Quốc Thái/Phụ nữ TP.HCM