Ngành IT thiếu hụt từ 150.000 - 200.000 nhân sự/năm

Mặc dù mức lương và tiền thưởng của ngành công nghệ thông tin (IT) đang tăng lên đáng kể, song từ năm 2023 - 2025, Việt Nam vẫn sẽ thiếu hụt từ 150.000 - 200.000 lập trình viên, kỹ sư hàng năm.

Đây là dự báo trong Báo cáo thị trường IT Việt Nam năm 2023 vừa được TopDev - nền tảng chuyên tuyển dụng nhân sự ngành IT công bố.

Từ nay đến 2025, Việt Nam thiếu hụt khoảng 150.000 - 200.000 lập trình viên, kỹ sư mỗi năm. TRƯỜNG SƠN

Khoảng 30% nhân sự đáp ứng được kỹ năng, yêu cầu

Theo báo cáo, sự thiếu hụt nhân sự IT luôn là vấn đề khó khăn nhất đối với thị trường công nghệ thông tin. Số lượng lập trình viên hiện tại của Việt Nam mới đạt khoảng 530.000 người. 

Mặc dù mức lương và tiền thưởng của ngành này đang tăng lên đáng kể, nhưng dự đoán từ năm 2023 - 2025, Việt Nam vẫn sẽ thiếu hụt từ 150.000 - 200.000 lập trình viên, kỹ sư hàng năm.

Trong số hơn 57.000 kỹ sư công nghệ bước vào thị trường lao động mỗi năm, chỉ khoảng 30% nhân sự đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn, yêu cầu thực tế mà doanh nghiệp đặt ra. 70% còn lại cần được bố trí đào tạo thêm tại doanh nghiệp trong 3 - 6 tháng để làm quen với công việc và môi trường làm việc.

Đánh giá của TopDev, lao động Việt Nam có khả năng tiếp thu nhanh về lý thuyết nhưng còn hạn chế về kỹ năng thực hành về ứng dụng công nghệ cao.

Về tình hình tuyển dụng, TopDev cho biết nhiều công ty công nghệ có tốc độ tăng trưởng cao đã tuyển dụng quá mạnh mẽ trong và sau đại dịch để đáp ứng nhu cầu chưa từng có về hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số. Mặc dù tỷ lệ việc làm tại TP.HCM giảm nhẹ (2%) so với năm 2022 nhưng TP.HCM vẫn đóng vai trò quan trọng là trung tâm công nghệ tại Việt Nam.

Đáng chú ý, phần lớn các nhà tuyển dụng mong đợi các lập trình viên ít nhất phải có trình độ ngoại ngữ thành thạo ở mức cơ bản và giới hạn trong vai trò kỹ thuật của họ.

Ngoài tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Hàn nổi lên là hai yêu cầu ngoại ngữ phổ biến trong các bản mô tả công việc gần đây. Các nhà tuyển dụng từ Nhật Bản và Hàn Quốc, những người tìm kiếm các lập trình viên có kỹ năng ngoại ngữ, thường yêu cầu trình độ làm việc chuyên nghiệp.

Nhân sự mới vào nghề lương 1.000 USD/tháng

Báo cáo cho thấy, mức lương bình quân ngành IT chỉ tăng nhẹ 0,7% so với năm ngoái, nhưng so với các ngành khác, lương của các vị trí liên quan đến ngành này vẫn ở mức cao.

Hầu hết các vị trí đều bắt đầu sự nghiệp với mức lương không có sự chênh lệch quá lớn. Sau 2 năm ra trường, mô hình lương sẽ đi theo hướng khác liên quan đến công nghệ và có thể bị ảnh hưởng rất nhiều từ thị trường việc làm, tình hình kinh tế và các yêu cầu kinh doanh mới nổi.

Mức lương thường tăng lên khi người lao động thăng tiến trong các cấp bậc công việc. Lập trình viên với kinh nghiệm cùng mức thâm niên lâu được đãi ngộ, mức lương tốt hơn.

Cụ thể, nhân sự mới ra trường trong thị trường công nghệ thông tin trung bình nhận mức lương từ 435 - 514 USD/tháng. Sau 2 năm làm việc, khi các lập trình viên đã tích lũy được một số kiến thức nền tảng và kinh nghiệm làm việc, tốc độ tăng lương nhanh hơn.

Cụ thể, hơn 70% vị trí junior (mới vào nghề) có lương 600 - 1.000 USD/tháng; gần 50% nhân sự middle (trung cấp) lương dao động 1.100 -1.500 USD/tháng; nhân sự cấp cao khoảng 1.100 - 2.000 USD/tháng và chỉ khoảng 10% nhận từ 2.500 USD/tháng.

Các nhóm công nghệ cơ bản như Java, Python, .Net, C++ & PHP vẫn được coi là được trả lương cao liên tục qua nhiều năm. Các kỹ năng công nghệ cao mới liên quan đến đám mây/AI/ML/DevOps đang được đầu tư nhiều hơn với mức lương cao hơn với tác động to lớn của các ứng dụng trong thế giới thực hiện nay về điện toán đám mây, Generative - AI và quy trình phát triển phần mềm hiện đại.

Trong thời gian tới, do sự thay đổi và ảnh hưởng của tình hình kinh tế - xã hội cũng như dựa trên các kỹ năng cứng và mềm mà lập trình viên sở hữu, nền tảng tuyển dụng này dự báo mức lương của nhân sự trong ngành IT sẽ được phân loại rõ ràng hơn.

Vì vậy, bên cạnh nâng cao kỹ năng chuyên môn, những kỹ năng mềm như khả năng tư duy phát triển, giao tiếp, quản lý thời gian, trình độ ngoại ngữ cũng là yếu tố quan trọng mà các lập trình viên cần phải lưu ý.

Theo Thu Hằng/Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Các hoạt động chia sẻ từ các chuyên gia cùng với khu vực triển lãm các gian hàng là nơi quy tụ của các đơn vị doanh nghiệp, tổ chức cung cấp việc làm xanh, kỹ năng xanh cho thanh niên là cơ hội để giới trẻ Việt Nam có được định hướng nghề nghiệp tốt và nắm bắt cơ hội trong quá trình xây dựng nền kinh tế xanh của đất nước.
Kết quả khảo sát tình hình việc làm năm 2023 của ĐH Quốc gia TP.HCM cho thấy, phần lớn sinh viên ĐH này sau khi tốt nghiệp đã chọn làm việc tại TP.HCM.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khi triển khai sẽ cần số lượng lớn nguồn nhân lực. Nhưng hiện nay, các trường đại học trong nước khó có thể đào tạo kịp với nhu cầu thực tế.
Các chuyên gia, ĐBQH cho rằng,dự thảo Luật Nhà giáo cần có những chính sách đột phá cho giáo viên và ưu tiên, khuyến khích người giỏi vào sư phạm.
Theo các chuyên gia, đã đến lúc Việt Nam phải sẵn sàng “mở cửa” đón nhận các “đại bàng” công nghệ vào đầu tư, hợp tác, bằng việc giải quyết bài toán nhân lực thông qua việc thay đổi tư duy đào tạo từ sớm.
Công nghiệp bán dẫn đang được coi là trụ cột quan trọng của nền kinh tế số. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang tích cực mở cửa chính sách, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tham gia phát triển ngành công nghiệp này.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.