Lương khởi điểm người có bằng đại học đa số ở mức 5-10 triệu đồng/tháng

Lương khởi điểm của người tốt nghiệp đại học (ĐH) đa số chỉ ở mức 5-10 triệu đồng/tháng. Có thể nói mức lương mà đơn vị sử dụng lao động đề xuất hơi thấp cho ứng viên trình độ này.

Số liệu và nhận định trên là một phần kết quả của đề án khoa học và công nghệ "Khảo sát và đánh giá nhu cầu tuyển dụng của đơn vị sử dụng lao động tại 4 tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ, Việt Nam" do PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Ban Đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, làm chủ nhiệm.

PGS-TS Hồ Quốc Bằng chia sẻ về khảo sát và đánh giá nhu cầu tuyển dụng của đơn vị sử dụng lao động tại 4 tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ. BÍCH CHIÊU

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát gần 1.800 đơn vị sử dụng lao động gồm các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

3 năm tới, nhân sự cần tuyển mới sẽ giảm 14,4%

Nhóm nghiên cứu do PGS-TS Hồ Quốc Bằng làm chủ nhiệm cũng dự báo xu hướng tuyển dụng trong 3 năm tới.

Theo đó, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong 3 năm tới có sự thay đổi nhẹ so với 3 năm trước đó cả về lĩnh vực và số lượng, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: kinh doanh-quản lý và kỹ thuật. Các lĩnh vực máy tính-công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, pháp luật, sản xuất chế biến, kiến trúc-xây dựng, môi trường-bảo vệ môi trường dự kiến vẫn được tuyển dụng nhân sự với số lượng cao.

Số nhân sự mà 1.779 đơn vị sử dụng lao động được khảo sát tại 4 tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ dự kiến tuyển dụng trung bình là 79.327 người trong 3 năm tập trung vào các lĩnh vực trên. 

Cũng theo nghiên cứu, dự kiến số lượng nhân sự tuyển mới 3 năm tới sẽ giảm 14,4% so với 3 năm trước. Theo đó, lĩnh vực giảm nhiều nhất là kiến trúc và xây dựng (giảm 45,3%), nghệ thuật (giảm 30,4%), toán và thống kê (giảm 30,1%)... Tuy nhiên, cũng có một số ngành có nhu cầu tuyển tăng như khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên 4% (chủ yếu ở Đồng Nai) hay thú y tăng 7,2%.

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, sinh viên các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM được các đơn vị sử dụng lao động ưu tiên tuyển dụng. NHẬT THỊNH

Trường nào được ưu tiên tuyển dụng?

Về xu hướng tuyển dụng, 67% đơn vị có phản hồi cụ thể về việc có ưu tiên và nghĩ đến việc này khi tuyển dụng nhân sự. Có đến 33% đơn vị còn lại không cung cấp thông tin hoặc cho biết chủ yếu đánh giá năng lực ứng viên thay vì dựa trên cơ sở đào tạo ứng viên.

Nhìn chung, tất cả cơ sở đào tạo ĐH thuộc hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM đều được đơn vị sử dụng lao động ưu tiên tuyển dụng. Nổi bật là Trường ĐH Bách khoa, với tỷ lệ ưu tiên tuyển dụng nhân sự cao nhất của cả 4 tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ, tiếp đến là Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Trường ĐH Kinh tế-Luật với tỷ lệ ưu tiên tuyển dụng nhân sự từ 14-17%.

Với các cơ sở đào tạo ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM, xu hướng tuyển dụng (theo khía cạnh cơ sở đào tạo ứng viên tốt nghiệp) thể hiện sự khác biệt theo lĩnh vực: đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh-quản lý ưu tiên tuyển dụng nhân sự tốt nghiệp từ ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Ngoại thương Cơ sở II TP.HCM và các trường ĐH khác...; đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ thì ưu tiên tuyển dụng nhân sự tốt nghiệp từ Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM và các trường ĐH khác...

Kỹ năng và kiến thức chỉ được đánh giá ở mức khá

Các đơn vị sử dụng lao động quan tâm và đánh giá nhiều về thái độ của ứng viên hơn là kỹ năng. Thái độ của ứng viên được đánh giá là tốt trong khi kỹ năng và kiến thức chỉ được đánh giá ở mức khá. Điều này có nghĩa là đơn vị sử dụng mong muốn cơ sở đào tạo cần có kế hoạch và tăng cường hơn nữa về đào tạo bồi dưỡng kỹ năng và kiến thức cho sinh viên tốt nghiệp đáp ứng nhu cầu đơn vị sử dụng lao động.

Phần lớn các đơn vị mong muốn ứng viên có được thái độ tốt như: tinh thần chịu trách nhiệm; tính trung thực, lòng trung thành; tinh thần cầu tiến, chấp nhận thử thách.

Thạc sĩ, tiến sĩ được đề xuất lương khởi điểm 10-30 triệu đồng/tháng

Về mức lương khởi điểm của đơn vị sử dụng lao động đề nghị đối với ứng viên tốt nghiệp trình độ ĐH, chiếm đa số từ 5-10 triệu đồng/tháng; tiếp theo từ 10-15 triệu đồng. Có thể nói mức lương mà đơn vị sử dụng lao động đề xuất hơi thấp cho ứng viên trình độ ĐH. Trong khi đó, với trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, đa số được đơn vị sử dụng lao động đề xuất mức lương từ 10-30 triệu đồng/tháng, theo nghiên cứu

Từ sự chênh lệch của mức lương khởi điểm dành cho bậc ĐH và sau ĐH, nhóm nghiên cứu kiến nghị việc đào tạo sau ĐH cần được tăng cường đồng thời với đào tạo nguồn nhân lực cấp cao cho xã hội.

Nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị, trong thời gian tới cần triển khai các nghiên cứu khảo sát trên diện rộng và định kỳ về nhu cầu nhà tuyển dụng nhằm có dự báo cho các lĩnh vực. Nhà nước cần có quy hoạch và dự báo cho các ngành đào tạo đồng đều trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu phát triển đều các ngành đào tạo. Bên cạnh đó cần có định hướng, phân luồng cho người học sau khi tốt nghiệp THPT để các em phát huy hết khả năng của mình, tránh lãng phí nguồn lực của xã hội khi đào tạo ra trường mà không sử dụng được.

Theo Hà Ánh/ Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Các hoạt động chia sẻ từ các chuyên gia cùng với khu vực triển lãm các gian hàng là nơi quy tụ của các đơn vị doanh nghiệp, tổ chức cung cấp việc làm xanh, kỹ năng xanh cho thanh niên là cơ hội để giới trẻ Việt Nam có được định hướng nghề nghiệp tốt và nắm bắt cơ hội trong quá trình xây dựng nền kinh tế xanh của đất nước.
Kết quả khảo sát tình hình việc làm năm 2023 của ĐH Quốc gia TP.HCM cho thấy, phần lớn sinh viên ĐH này sau khi tốt nghiệp đã chọn làm việc tại TP.HCM.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khi triển khai sẽ cần số lượng lớn nguồn nhân lực. Nhưng hiện nay, các trường đại học trong nước khó có thể đào tạo kịp với nhu cầu thực tế.
Các chuyên gia, ĐBQH cho rằng,dự thảo Luật Nhà giáo cần có những chính sách đột phá cho giáo viên và ưu tiên, khuyến khích người giỏi vào sư phạm.
Theo các chuyên gia, đã đến lúc Việt Nam phải sẵn sàng “mở cửa” đón nhận các “đại bàng” công nghệ vào đầu tư, hợp tác, bằng việc giải quyết bài toán nhân lực thông qua việc thay đổi tư duy đào tạo từ sớm.
Công nghiệp bán dẫn đang được coi là trụ cột quan trọng của nền kinh tế số. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang tích cực mở cửa chính sách, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tham gia phát triển ngành công nghiệp này.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.