Hối hả tìm việc sau tết

Sau khoảng thời gian dài nghỉ tết cũng là lúc lao động trẻ rục rịch tìm việc, đổi việc vì thế thị trường lao động cũng trở nên sôi động hơn.

Tìm việc ngay khi vừa hết tết

Sáng mùng 9 tết (tức ngày 30.1), hầu hết các công ty đã bước vào ngày làm việc chính thức sau kỳ nghỉ tết. Trung tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp TP.HCM (nơi giới thiệu việc làm cho người lao động ở Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP.HCM) cũng bắt đầu tiếp đón nhiều lao động tìm việc.

Ở phía cổng trung tâm, hàng chục công ty dán thông báo tuyển dụng với nhiều đầu việc và mức lương khác nhau. Trong buổi sáng, nơi đây tiếp nhận hàng chục trường hợp lao động muốn tìm việc. Lao động tìm việc đa phần đang độ tuổi dưới 35 và đều muốn xin vào làm ở khu chế xuất. Một số lao động trên tay đã cầm hồ sơ, nghe tư vấn, chọn công ty ở trung tâm và lập tức được hẹn lịch phỏng vấn trong thời gian sớm nhất.

Sau tết nhiều bạn trẻ tìm việc làm. LÊ THANH

Hối hả tìm việc sau tết

Người lao động đến trung tâm giới thiệu việc làm tìm việc sau tết. Phạm Hữu

Trên tay là bộ hồ sơ xin việc, Nguyễn Thanh Phong (32 tuổi), ở trọ tại đường Nguyễn Thị Thập, Q.7, TP.HCM đến trung tâm từ rất sớm. Phong cho biết đã từng làm công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận nhưng nghỉ việc từ nửa năm trước. Khi sắp xếp xong việc riêng hiện anh mong tìm được việc và sẽ đi làm ngay khi được nhận. Sau khi nộp hồ sơ, nghe tư vấn ở trung tâm giới thiệu việc làm, cuối cùng Phong cũng được một công ty hẹn phỏng vấn vào ngày hôm sau.

Chỉ cần có một công việc và mức lương trên 10 triệu đồng/tháng nếu được tăng ca thì tôi sẽ làm. Có như vậy mới đủ cho tôi chi tiêu trong cuộc sống.
NGUYỄN THANH PHONG

Phong cho hay mình là lao động tự do, không có bằng cấp nên cũng chỉ muốn tìm việc phổ thông, không đòi hỏi công ty hay vị trí nào. "Chỉ cần có một công việc và mức lương trên 10 triệu đồng/tháng nếu được tăng ca thì tôi sẽ làm. Có như vậy mới đủ cho tôi chi tiêu trong cuộc sống", Phong chia sẻ.

Vừa trải qua giai đoạn thất nghiệp hơn 1 năm, những ngày gần đây chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm (34 tuổi), ở trọ tại đường Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM lại hối hả đến trung tâm để hỏi thăm tìm việc. Diễm cũng từng làm công nhân tại Khu chế xuất này. Sau đợt công ty tái cơ cấu, cô phải nghỉ việc đến tận hôm nay. Mấy ngày này, Diễm thường xuyên đến trung tâm, đi dọc các cổng công ty ở Khu chế xuất để xem thông báo tuyển người. Đến sáng 30.1, cô lại đến trung tâm một lần nữa và ngồi từ sáng đến gần trưa chỉ hy vọng có công ty gọi phỏng vấn.

Bà Huỳnh Thị Hồng, chuyên viên giới thiệu việc làm thuộc Phòng Hỗ trợ - Phát triển doanh nghiệp TP.HCM, cho biết sau tết là thời điểm các công ty ở khu chế xuất tăng cường tuyển dụng. Trong đó, nhu cầu tuyển ở rất nhiều ngành nghề, vị trí làm việc như: lao động phổ thông, lắp ráp linh kiện, điện tử, may mặc… Mức lương trung bình cho các vị trí này rơi vào khoảng từ 6 - 7 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca sẽ có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng.

Theo bà Hồng sau tết việc tuyển dụng không nhiều biến động, vẫn như mọi năm. Các công ty luôn ưu tiên cho những lao động trẻ tuổi. Nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng công nhân tìm việc lại ít hơn. Do công nhân vẫn còn chơi tết ở quê rất lâu, các công ty tuyển người khá khó khăn. Công ty muốn tuyển người phải đợi đến gần hết tháng giêng, sang tháng 2 âm lịch mới tuyển đủ nhu cầu mong muốn.

Trong khi đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM phối hợp với các doanh nghiệp, chuẩn bị băng rôn, tờ rơi, đặt bàn tư vấn ở khu vực bến xe để tiếp cận người lao động ngay từ lúc họ đến TP.HCM và có nhu cầu tìm việc. Tuy nhiên, ghi nhận ở Bến xe Miền Đông (cũ) và Bến xe An Sương thì từ ngày mở cửa (27.1) đến 31.1 có rất ít lao động đến tìm việc, điều này trái ngược với không khí những năm trước đây.

Hối hả tìm việc sau tết

Nhiều bạn trẻ muốn có việc làm ngay khi ứng tuyển

"Nhảy việc" sau tết

Về các ngành dịch vụ, làm việc văn phòng hay khối ngành kinh doanh thì nhân sự nhảy việc sau tết cũng khá sôi động. Dễ thấy nhất là trên các website tìm việc làm đăng tải hàng loạt thông tin tuyển dụng với nội dung "tuyển việc làm gấp" sau tết. Các bạn trẻ cũng từ đó "thi nhau" rải đơn xin việc ở nhiều công ty với mong muốn tìm được việc làm mới như ý hơn.

Nguyễn Thị Bích Ngọc (23 tuổi), ngụ đường Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM đang là nhân viên dự án cho cho một công ty chuyển phát nhanh ở Q.Tân Bình. Ngọc làm ở đây được 1 năm nhưng chưa hài lòng về công việc, mức lương nên có ý định "nhảy việc" sau tết. Trước tết Ngọc đã tìm hiểu thông tin tuyển dụng trên nhiều website, sau đó cô làm hồ sơ xin việc và nộp trực tuyến cho khoảng 7 công ty ngay trong những ngày nghỉ tết. Đây cũng là lần thứ 2 Ngọc "nhảy việc".

Cũng vừa nhận được việc cách đây vài ngày, Trịnh Thanh Thanh (24 tuổi) ngụ đường Ung Văn Khiêm, Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho rằng đó là nỗ lực trong việc "rải" đơn xin việc vào những ngày trước tết. Thanh chia sẻ năm 2022 vừa qua cô đã "nhảy việc" đến 4 lần, trung bình mỗi nơi cô làm việc gần 3 tháng. Công ty cuối cùng Thanh làm việc được hơn 1 tuần sau đó lại xin nghỉ trước tết vì môi trường làm việc không phù hợp, mức lương thấp hơn so với kỳ vọng.

Tuy nghỉ việc nhưng Thanh luôn nỗ lực phải tìm được việc ngay bởi theo cô sau tết khi có công việc sẽ có động lực mới, thoát khỏi kỳ nghỉ nhanh chóng. Ngoài ra, tiếp nhận công việc mới thay vì cứ phải lo lắng tìm kiếm làm trôi đi thời điểm vàng của tuyển dụng. Bên cạnh đó, công ty mới đáp ứng được những gì cô mong muốn từ lương thưởng tốt, môi trường cạnh tranh cao, nhất là gần nơi sống.

Để có được công việc như ý này, Thanh phải "rải" rất nhiều CV (đơn xin việc), đi phỏng vấn đến nỗi cô không nhớ bản thân đã "ghé thăm" bao nhiêu công ty. "Tôi nộp hồ sơ ứng tuyển qua email, nộp qua các trang tìm kiếm việc làm, các dự án chia sẻ thông tin ứng viên và bạn bè giới thiệu… Cuối cùng tìm được công việc trong một tổ chức giáo dục. Đến tháng 2 tôi mới bắt đầu công việc", Thanh cho hay.

Thanh nhận định trước tết vị trí tuyển dụng ít, nhưng có ít ứng viên, cơ hội trúng tuyển dễ dàng hơn. Sau tết, cuộc chiến tuyển dụng sẽ gây cấn và khó khăn hơn giữa các nhà tuyển dụng, sự đối đầu giữa các ứng viên. (còn tiếp)

Theo Phạm Hữu/TNO

 

Tin cùng chuyên mục

Bộ GD-ĐT cho hay, mỗi năm các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thú y cần đến 46.000 lao động trình độ từ cao đẳng trở lên (chưa kể trung cấp). Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, số lượng nhân lực nhóm ngành này chỉ đáp ứng được khoảng 11,2% nhu cầu.
Dù doanh nghiệp khối kỹ thuật, xây dựng, môi trường... vào tận trường đặt hàng nhưng những năm gần đây, các ngành này lại khó tuyển sinh.
Thị trường lao động ngày nay đang trở nên cạnh tranh khốc liệt, nhất là trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật.
Nhà sản xuất chip hàng đầu châu Âu Infineon đang tăng cường tuyển dụng nhân lực lành nghề từ Nam Á và Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn.
Nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao lúc nào cũng có nhưng số lượng người thực sự giỏi, có kinh nghiệm phù hợp để đảm nhận được thì không bao giờ đủ để đáp ứng.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề