Gỡ vướng cho các trường sư phạm

Vấn đề học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm chưa có hướng giải quyết đối với một số cơ sở đào tạo giáo viên ở địa phương.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tham gia ngày hội việc làm do nhà trường tổ chức. Ảnh: NTCC

Sau 2 năm triển khai Nghị định 116 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, nhiều trường vẫn gặp khó khăn vướng mắc.

“Bắt mạch” khó khăn

Chia sẻ tại Hội nghị tuyển sinh đại học năm 2023, TS Nguyễn Văn Tuân - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội nêu thực trạng, với các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên cấp Trung ương, kinh phí chi trả học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm được ngân sách Nhà nước cấp trực tiếp. Tuy nhiên, vấn đề này chưa có hướng giải quyết đối với một số cơ sở đào tạo giáo viên ở địa phương.

TS Nguyễn Văn Tuân cho hay, năm học 2021 - 2022, hơn 500 sinh viên Trường ĐH Thủ đô Hà Nội có nhu cầu và làm đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, hết năm học sinh viên vẫn chưa nhận được khoản chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng theo Nghị định 116.

Việc triển khai Nghị định 116 sắp bước sang năm thứ 3. Song từ năm 2021 đến nay, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội chưa được nhận kinh phí để chi trả cho sinh viên. “Bộ GD&ĐT cho biết ngân sách do địa phương trả nhưng địa phương khẳng định không đặt hàng. Vì thế, nhà trường đứng giữa gặp nhiều khó khăn” - TS Nguyễn Văn Tuân cho biết.

Khẳng định, Nghị định 116 có tính ưu việt trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, vướng mắc lớn nhất là đặt hàng đào tạo. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này bởi sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong thực hiện Nghị định 116 nên việc đặt hàng đào tạo giáo viên còn khó khăn.

Ngoài ra, có nghịch lý các địa phương báo cáo lên Bộ GD&ĐT nhu cầu đội ngũ giáo viên. Từ đó, Bộ xác định chỉ tiêu giao cho các trường. Tuy nhiên, địa phương lại không đặt hàng đào tạo giáo viên với các trường sư phạm, không có trách nhiệm đặt hàng, dù có nhu cầu về nhân lực. Vô hình trung dẫn đến hệ lụy, sinh viên viết cam kết làm việc trong ngành Giáo dục và nhu cầu tuyển dụng của địa phương như hai đường thẳng song song. Phía cơ sở đào tạo giáo viên trông ngóng vào ngân sách được giao để đào tạo. Thậm chí, có cơ sở đào tạo hai năm nay chưa nhận được ngân sách để hỗ trợ sinh viên theo Nghị định 116.

Giờ thực tập của sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương - Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: NTCC

Căn cứ để giao chỉ tiêu

Nghị định 116 có 3 phương thức thực hiện: Đấu thầu, đặt hàng và giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên. Trong đó, điểm nhấn là cơ chế đặt hàng và đấu thầu đào tạo giáo viên. Song, TS Nguyễn Trung Triều - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương - Nha Trang (Khánh Hòa) cho rằng, triển khai cơ chế, chính sách này còn khó. Việc đặt hàng chịu ràng buộc bởi nhiều bên liên quan, trong khi tuyển dụng ở các địa phương vẫn có thể tiến hành mà ít bị ràng buộc.

Ngoài ra, việc đặt hàng đào tạo nhưng không bảo đảm đầu ra cho sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Theo đó, tất cả sinh viên đào tạo theo diện đặt hàng, khi ra trường vẫn phải qua tuyển dụng theo cơ chế cạnh tranh. Đây là một trong những rào cản khiến việc đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên khó thành hiện thực.

Theo ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định, những sinh viên đào tạo theo hình thức đấu thầu, đặt hàng sẽ được Nhà nước chi trả phí đào tạo. Nhưng điều này không đồng nghĩa việc các em sẽ được đặc cách vào biên chế làm giáo viên sau khi ra trường. Nghĩa là, các em vẫn phải trải qua kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục, mà đã thi tuyển thì có thể trúng hoặc không. Đây cũng là lý do việc triển khai đặt hàng đào tạo giáo viên còn khó khăn.

Còn ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Bằng cho rằng, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng trực tiếp đến cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên của địa phương là vấn đề kinh phí. Nếu thực hiện cơ chế này sẽ chiếm một phần ngân sách không nhỏ của địa phương; trong khi tỉnh cần dành nhiều nguồn lực để ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực khác.

Ngoài ra, số sinh viên sư phạm đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm còn nhiều nên địa phương sẽ có chính sách tuyển dụng đội ngũ này. Mặt khác, tỉnh sẽ sắp xếp, bố trí, điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu để bảo đảm đủ khi thực hiện Chương trình GDPT mới.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), thông tin, từ năm 2022, Bộ GD&ĐT chính thức giao chỉ tiêu cho các trường đào tạo giáo viên dựa trên nhu cầu địa phương. Do vậy, nếu địa phương không có nhu cầu tuyển dụng giáo viên trong tương lai thì không có căn cứ để giao chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo giáo viên của địa phương.

Trao đổi về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Nghị định 116 quy định việc đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên do ngân sách địa phương chi trả. Luật Ngân sách không cho phép ngân sách Trung ương cấp trực tiếp về các trường đại học, cao đẳng địa phương. Bộ GD&ĐT cũng đang kiến nghị Chính phủ sửa Nghị định 116.

Tuy nhiên dù sửa theo hướng nào, ngân sách đào tạo giáo viên cũng qua UBND các tỉnh, thành phố. Năm nay, địa phương nào không cấp kinh phí theo Nghị định 116 thì Bộ sẽ không cấp chỉ tiêu cho các trường thuộc địa phương đó. Đây là vấn đề trách nhiệm của cả hai phía địa phương và nhà trường.

Thực tế cho thấy, vấn đề đào tạo giáo viên theo đặt hàng địa phương hiện nay còn gặp khó khăn trong giải quyết việc làm cho giáo sinh sau khi tốt nghiệp. Sinh viên theo học dù đã được cấp học bổng, ưu đãi, hỗ trợ trong quá trình học nhưng đầu ra vẫn phải theo quy định tuyển dụng viên chức chung, không có trường hợp ngoại lệ hay đặc cách.

Theo Minh Phong/ GD&TĐ

Tin cùng chuyên mục

Hiện nay, nhiều thí sinh muốn học khối ngành kỹ thuật nhưng lại không biết khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng cử nhân hay bằng kỹ sư. Theo các cơ sở đào tạo (các đại học, trường đại học, trường cao đẳng), sinh viên tốt nghiệp có thể nhận bằng cử nhân hoặc bằng kỹ sư tùy theo lựa chọn của người học.
Theo các nhà chuyên môn, hiện nay có một số ngộ nhận về nhân lực trình độ đại học cho công nghiệp chip bán dẫn cần được "giải ảo".
Từ khi các trường ĐH được thực hiện tự chủ mở ngành, hàng trăm ngành học mới được mở ra nhưng trong số đó nhiều ngành không tuyển được sinh viên dẫn đến đóng cửa.
Từ khi trường ĐH được tự chủ mở ngành đào tạo, hàng loạt ngành mới xuất hiện mỗi năm. Nhưng nhiều ngành đã nhanh chóng đóng cửa chỉ sau một vài năm tuyển sinh.
Từ quy định tối thiểu của Bộ GD&ĐT, cơ sở đào tạo đại học (ĐH) được phép nâng “sàn” nên đôi khi những người trong cuộc cảm thấy băn khoăn do chưa thực sự nắm bắt được ngọn nguồn vấn đề trong đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam
Rất nhiều quảng cáo hấp dẫn về các khóa luyện thi, các sách luyện đề đánh giá năng lực được tung ra, nhất là trong giai đoạn nước rút. Các chuyên gia nhất quán cho rằng, tham gia những khóa luyện thi vừa tốn tiền, vừa mất thời gian mà không mang lại hiệu quả.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề