Gần 77% người có trình độ ĐH trở lên đi tìm việc

Trong quý 3 năm 2023, số lượng người lao động tìm kiếm việc làm tại TP.HCM có trình độ ĐH là 24.854 người, chiếm 76,94%. Trong khi đó, thị trường lao động chỉ có nhu cầu tuyển 20,37% nhân lực trình độ ĐH.

Ông Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), cho biết mới đây, qua việc khảo sát nhu cầu nhân lực của 14.540 lượt doanh nghiệp với 69.951 chỗ làm việc và hơn 32.305 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm tại TP.HCM trong quý 3, thì người lao động đã qua đào tạo có nhu cầu tìm việc là 32.135 người, chiếm 99,47% tổng nhu cầu tìm kiếm việc làm.

Người lao động tìm việc làm Ảnh: BẢO KHÁNH

Cụ thể, nhu cầu tìm kiếm việc làm đối với trình độ ĐH trở lên có 24.854 người, chiếm 76,94%; trình độ CĐ có 6.617 người, chiếm 20,48%; trung cấp có 611 người chiếm 1,89%; sơ cấp có 53 người chiếm 0,16%.

Trong khi đó, thị trường lao động chỉ có nhu cầu tuyển 20,37% trình độ ĐH, thấp hơn rất nhiều so với nguồn "cung" là 76,94%. Chỉ nhu cầu tuyển trình độ CĐ và trung cấp là cao hơn so với "cung", lần lượt là 24,09% (CĐ) và 27,7% (trung cấp).

"Nhu cầu tìm kiếm việc làm ở lao động đã qua đào tạo tập trung ở một số vị trí như giám đốc bộ phận, quản lý điều hành chung, chuyên viên phân tích tài chính, nhân viên chính sách nhân sự, chuyên viên công nghệ thông tin, kỹ sư cơ khí, kỹ sư xây dựng, kế toán trưởng nhân viên marketing…", ông Vân thông tin.

Đối với lao động chưa qua đào tạo, các công việc được tìm kiếm tập trung chủ yếu ở các vị trí lao động phổ thông, nhân viên nhập liệu tại nhà, nhân viên làm việc bán thời gian, công nhân đóng gói sản phẩm, công nhân may mặc…

Về mức lương, theo ông Vân, người lao động tìm công việc có mức lương từ 5-10 triệu đồng/tháng chiếm 12,31%; 10-15 triệu đồng/tháng chiếm 26,4%; 15-20 triệu đồng/tháng chiếm 19,83%; trên 20 triệu đồng/tháng chiếm 40,6%.

"Nhu cầu tìm việc ở các mức lương trên tập trung ở vị trí nhân viên IT, lập trình viên, chuyên viên kế toán, kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư; quản trị website, giám sát công trình, nhân viên phân tích tài chính, môi giới bảo hiểm, giáo viên ngoại ngữ, thông dịch viên, nhân viên y tế, bác sĩ đa khoa...", ông Vân chia sẻ thêm.

Theo Mỹ Quyên/ TNO

Tin cùng chuyên mục

Kết quả của một khảo sát mới công bố cho thấy 99% người lao động Việt Nam nghĩ rằng việc tìm thấy ý nghĩa trong công việc thực sự quan trọng đối với họ. Đáng chú ý, chỉ 11% hài lòng về ý nghĩa công việc hiện tại.
Bộ GD-ĐT cho hay, mỗi năm các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thú y cần đến 46.000 lao động trình độ từ cao đẳng trở lên (chưa kể trung cấp). Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, số lượng nhân lực nhóm ngành này chỉ đáp ứng được khoảng 11,2% nhu cầu.
Dù doanh nghiệp khối kỹ thuật, xây dựng, môi trường... vào tận trường đặt hàng nhưng những năm gần đây, các ngành này lại khó tuyển sinh.
Thị trường lao động ngày nay đang trở nên cạnh tranh khốc liệt, nhất là trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật.
Nhà sản xuất chip hàng đầu châu Âu Infineon đang tăng cường tuyển dụng nhân lực lành nghề từ Nam Á và Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề