Theo ông Vũ Hải Quân, để giải bài toán khó của ngành khoa học cơ bản cần sự vào cuộc của nhà nước. Chúng ta cũng cần thu hút doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đặt văn phòng nghiên cứu tại Việt Nam, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.
Nhân tố mang tính quyết định để phát triển quốc gia
Từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh và ổn định, thuộc nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Thành quả này một phần nhờ vào chủ trương mở cửa hội nhập quốc tế với nhiều chính sách ưu đãi, lợi thế tài nguyên và nguồn nhân công giá rẻ.
Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, khi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã trở thành một động lực quan trọng cho sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế, lao động giá rẻ không còn là lợi thế.
Ngoài ra, tài nguyên ngày càng thu thu hẹp, thậm chí bị khai thác cạn kiệt, đồng thời tác động của các chính sách toàn cầu như “thuế tối thiểu toàn cầu” đã đặt ra không ít thách thức cho Việt Nam. Để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng buộc chúng ta phải tìm kiếm các động lực mới, không gian mới, ngoài các yếu tố đã từng là lợi thế.
Theo tôi, để tạo động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, chúng ta cần tập trung đầu tư, phát triển 2 nhân tố quan trọng sau: Thứ nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Như chúng ta đều biết, con người luôn là nhân tố quan trọng, mang tính quyết định đối với sự phát triển của bất cứ quốc gia nào.
Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là bệ phóng vững chắc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Do đó, thời gian tới các cơ sở giáo dục đại học cần tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Đây chính là nhân tố cốt lõi để chúng ta có thể đón bắt cơ hội lớn, tạo động lực tăng trưởng mới cho đất nước trong giai đoạn mới.
Theo ông Vũ Hải Quân, nhà nước cần ưu tiên mở rộng đầu tư, đặt hàng đào tạo các trường đại học để phát triển các ngành khoa học cơ bản
Thứ hai, chúng ta cần tập trung đầu tư, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, ban hành năm 2022 đã xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng.
Một trong các mục tiêu cụ thể của chiến lược là nâng cao đóng góp của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của trường đại học.
Khoa học cơ bản mà một trong những lĩnh vực được coi là “xương sống” của nền kinh tế và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Giải bài toán khó của ngành khoa học cơ bản
Việc tuyển sinh các ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản tại các trường đại học đang gặp rất nhiều khó khăn, thường không tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Đây là bài toán lớn, chúng ta đang phải đối mặt.
Thực tế hiện nay cho thấy, chúng ta chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn thế giới đặt các văn phòng nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam. Các doanh nghiệp đang chủ yếu tập trung vào sản xuất, chế tạo, gia công, lắp ráp.
Các doanh nghiệp Việt Nam vì một số lý do về tiềm lực tài chính, cơ chế chính sách cũng chưa dành nhiều sự quan tâm cho các văn phòng nghiên cứu và phát triển, do đó chưa tạo ra không gian, môi trường làm việc đủ hấp dẫn, thu hút sinh viên tốt nghiệp thuộc nhóm ngành khoa học, công nghệ gắn bó, cống hiến.
Sinh viên khối ngành này ra trường chủ yếu làm việc trong các đơn vị, tổ chức khoa học và công nghệ của nhà nước với mức thu nhập chưa tương xứng với năng lực và kỳ vọng.
Chỉ khi nào doanh nghiệp ý thức được hoạt động nghiên cứu phát triển là chìa khóa để tăng năng suất lao động, cải tiến chất lượng sản phẩm khi đó mới có thêm nhiều vị trí tuyển dụng cho các sinh viên khối ngành khoa học công nghệ.
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, con số tuyệt đối và tỷ trọng trong lực lượng lao động của nhóm nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam hầu như không có sự thay đổi, chưa tạo sự chuyển biến lớn về lượng và chất trong 10 năm qua (2010-2020). Hiện nay, việc phân bổ ngân sách cho nghiên cứu và phát triển chưa tương xứng giữa trường và viện.
Năm 2019, các cơ sở giáo dục đại học đóng góp 50% nhân lực nghiên cứu và phát triển có trình độ tiến sĩ, 50% thạc sĩ nhưng chỉ tiếp cận được xấp xỉ 16% ngân sách nhà nước cho nhóm nhân lực này và chưa đến 7% trong tổng vốn đầu tư chi tiêu cho nhóm nhân lực nghiên cứu và phát triển từ các nguồn.
Trong khi đó con số tương ứng cho các viện nghiên cứu hoặc cơ quan nghiên cứu cấp quốc gia lần lượt là 44% và 17%.
Sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM trong lễ tốt nghiệp (Ảnh: BN)
Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong bối cảnh mới, đòi hỏi lực lượng lao động cần được đào tạo bài bản với kiến thức và kỹ năng vững vàng để có thể nhanh chóng thích ứng, chuyển từ hoạt động gia công, đóng gói sang hoạt động nghiên cứu phát triển.
Điều này đòi hỏi sự cam kết, đồng hành của doanh nghiệp với các trường đại học trong việc xác định nhu cầu và tuyển dụng nhân sự nghiên cứu và phát triển với mức thù lao tương xứng.
Đặc biệt, nhà nước cần ưu tiên mở rộng đầu tư, đặt hàng đào tạo các trường đại học để phát triển các ngành khoa học cơ bản, từ đó xây dựng đội ngũ và năng lực nghiên cứu phù hợp với nhu cầu, vì khoa học cơ bản chính là nền tảng của sự phát triển khoa học và công nghệ ở mỗi quốc gia.
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân (Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM)/Vietnamnet