Cần 50 nghìn nhân lực thiết kế vi mạch trình độ đại học trở lên trong 10 năm tới

Hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn mà trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao.

Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy vừa có chia sẻ với báo chí những thông tin liên quan đến đào tạo nhân lực ngành thiết kế vi mạch.

Ảnh: internet

Bà Thủy cho biết nhân chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ đến Việt Nam vào tháng 9, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên thành đối tác đặc biệt toàn diện. Một trong những nội dung hợp tác được thống nhất đẩy mạnh đó là hợp tác số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng cường hợp tác trong giáo dục và đào tạo.

Cụ thể là Hoa Kỳ khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao. Hoa Kỳ ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn – vi mạch, ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn – vi mạch tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.

Theo bà Thủy thông tin hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn mà trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. "Dự kiến, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ sẽ có thêm nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, trong đó chủ yếu yêu cầu nhân lực thiết kế vi mạch, hy vọng sẽ có đầu tư vào công nghiệp sản xuất" bà Thủy nói.

Đồng thời cho biết tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế (ĐH Fullbright), trong 5 năm tới khoảng 20.000 và 10 năm tới khoảng 50.000 từ trình độ đại học trở lên.

Hiện tại, số nhân lực thiết kế vi mạch có khoảng 5.000 người, theo giới chuyên ngành (đến từ các trường đại học kỹ thuật) thì nhu cầu đào tạo trong một vài năm tới khoảng 3.000 người/năm (phù hợp với dự báo của các chuyên gia kinh tế), trong đó số tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30% (bao gồm cả kỹ sư bậc 7, thạc sĩ, tiến sĩ).

Bà Thủy khẳng định trong những năm qua Việt Nam đã có chính sách, truyền thông khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng, phát triển các ngành đào tạo STEM, trong đó tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), các ngành phục vụ nhân lực Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - AI, Bigdata,…

Theo Nghiêm Huê/ Tiền phong

Tin cùng chuyên mục

ĐH Quốc gia TP.HCM vừa ban hành thông báo tuyển dụng các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành về công tác đợt 2 theo Chương trình VNU350. Trong đó, một đơn vị công bố mức thu nhập trung bình từ 28-51 triệu đồng/tháng dành cho ứng viên tham gia chương trình tuyển dụng.
Kết quả của một khảo sát mới công bố cho thấy 99% người lao động Việt Nam nghĩ rằng việc tìm thấy ý nghĩa trong công việc thực sự quan trọng đối với họ. Đáng chú ý, chỉ 11% hài lòng về ý nghĩa công việc hiện tại.
Bộ GD-ĐT cho hay, mỗi năm các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thú y cần đến 46.000 lao động trình độ từ cao đẳng trở lên (chưa kể trung cấp). Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, số lượng nhân lực nhóm ngành này chỉ đáp ứng được khoảng 11,2% nhu cầu.
Dù doanh nghiệp khối kỹ thuật, xây dựng, môi trường... vào tận trường đặt hàng nhưng những năm gần đây, các ngành này lại khó tuyển sinh.
Thị trường lao động ngày nay đang trở nên cạnh tranh khốc liệt, nhất là trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật.
Nhà sản xuất chip hàng đầu châu Âu Infineon đang tăng cường tuyển dụng nhân lực lành nghề từ Nam Á và Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề