Xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2023: Điểm thi cao hơn điểm sàn bao nhiêu là an toàn?

Ngày 30/7, thí sinh sẽ kết thúc việc đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học. Các chuyên gia tuyển sinh lưu ý thí sinh dù đã đạt điểm sàn xét tuyển nhưng vẫn cần tham khảo thêm nhiều yếu tố khác để tránh đặt nguyện vọng sai.

Nhiều thí sinh băn khoăn nên đặt nguyện vọng như thế nào để không bị rớt oan. Ảnh minh họa

Có ngành điểm sàn chỉ 15, có ngành trên 20

Tuần qua, nhiều trường đại học (ĐH) đã công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Mức điểm sàn nhìn chung không có nhiều biến động so với năm ngoái.

Trường ĐH Ngoại thương có mức điểm sàn xét tuyển 23,5, tức thí sinh phải đạt gần 8 điểm mỗi môn mới có thể nộp hồ sơ xét tuyển. Đáng chú ý, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM công bố xét điểm sàn 17-22 điểm. So với điểm sàn 15-19 điểm năm ngoái, ngành khoa học dữ liệu và hệ thống quản lý thông tin tăng 7 điểm, ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu tăng 6 điểm. Các ngành còn lại đều tăng 2-4 điểm. Đây là trường có mức tăng mạnh nhất và là trường duy nhất có mức sàn cao hơn điểm chuẩn năm trước, trong gần 30 ĐH công bố điểm sàn cho đến nay. 

Bên cạnh đó, nhiều ngành, trường cũng duy trì mức điểm sàn 15 điểm cho tổ hợp 3 môn, tức chỉ cần đạt 5 điểm mỗi môn là thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển. 

Bộ GD-ĐT cũng vừa công bố điểm sàn các ngành thuộc khối sư phạm và sức khỏe. Theo đó, 11 ngành thuộc nhóm sức khỏe có điểm sàn 19-22,5; cao hơn mức điểm 2 năm qua 0,5 điểm. Còn điểm sàn khối ngành sư phạm năm nay được quy định mức 18-19 điểm. So với 2 năm qua, mức điểm này không thay đổi. 
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM) - cho rằng: nhìn chung, giữa phổ điểm, điểm chuẩn, điểm sàn các năm không có nhiều thay đổi, thí sinh không nên lo lắng chuyện đó mà nên quan tâm mình cần chọn ngành nào. 

Tuy vậy, đứng trước “ma trận” điểm sàn nhiều thí sinh băn khoăn nên đặt nguyện vọng như thế nào để không bị rớt oan.

Điểm chuẩn không biến động lớn

Thạc sĩ Cao Quảng Tư - Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn - cho biết, sau khi dựa trên tỉ lệ hồ sơ nộp vào, chỉ tiêu từng ngành học, mỗi trường sẽ có căn cứ đưa ra mức điểm chuẩn trúng tuyển. Mức điểm này sẽ bằng hoặc cao hơn điểm sàn nhưng ở các trường thuộc tốp trên thông thường sẽ cao hơn điểm sàn khá nhiều. “Có ngành điểm chuẩn có thể bằng điểm sàn, hoặc cao hơn điểm sàn chỉ 1-2 điểm, nhưng cũng có ngành chênh lệch 4-5 điểm” - ông Cao Quảng Tư nói. 

Cùng quan điểm, thạc sĩ Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM - khuyến cáo thí sinh: “Nếu thí sinh được 21 điểm, xét vào ngành mà hằng năm đều có điểm chuẩn từ 26 trở lên thì khả năng trúng tuyển là không có, lại tốn lệ phí đăng ký xét tuyển”. Do đó, ông Trần Nam khuyên thí sinh khi dự đoán điểm chuẩn của một ngành học, cần tham khảo điểm chuẩn của ngành đó trong khoảng 3 năm. Thường thì sẽ không có nhiều đột biến tăng cao hay giảm thấp điểm chuẩn một ngành nào đó. 

Ông Trần Nam thông tin điểm sàn năm 2023 của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn dự kiến từ 18-20 điểm, và gần như không có sự khác biệt so với hằng năm. Dữ liệu điểm những năm qua cho thấy, có nhiều ngành lấy điểm chuẩn từ 26, nhiều ngành lấy ở mức 21-25 điểm và đều cao hơn điểm sàn khá nhiều.
Năm nay, dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT cho thấy, tổ hợp khối C00 có điểm trung bình là 19,04 (so với 2022 là 19,53), D01 có điểm trung bình là 18,56 (so với 2022 là 18,13) nên dự đoán điểm chuẩn của các ngành đối với 2 tổ hợp này giữ ổn định, nếu có thay đổi chỉ tăng hoặc giảm 0,5-1 điểm.

Với khối ngành kinh tế, thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính - Marketing - nhận định: so với mặt bằng chung, dự đoán điểm chuẩn các ngành kinh tế sẽ giảm 0,25-1 điểm. 

Thí sinh đăng ký xét tuyển mới đạt 37%

Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT - cho biết, đến ngày 22/7 mới chỉ có gần 390.000 thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT, đạt 37%. Một số địa phương có tỉ lệ đăng ký cao là: Bình Dương, Bạc Liêu, TPHCM, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang.

“Chúng tôi thấy hơi lo lắng vì có thể các em đang băn khoăn nhưng cũng không loại trừ trường hợp thí sinh vẫn hiểu lầm khi đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm và nghĩ rằng không cần đăng ký trên hệ thống” - bà Nguyễn Thu Thủy chia sẻ và khẳng định, những thí sinh đã có thông báo trúng tuyển sớm cần đăng ký xét tuyển nguyện vọng đó trên hệ thống chung của bộ. Thí sinh đặt ưu tiên nguyện vọng 1 trùng với nguyện vọng đã trúng tuyển thì chắc chắn sẽ được hệ thống xác nhận trúng tuyển. Nếu thí sinh không đăng ký nguyện vọng này lên hệ thống xét tuyển chung sẽ đánh mất đi cơ hội trúng tuyển của chính mình.

Hiện số lượng thí sinh đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất trên hệ thống khá nhiều (72.000 thí sinh). Việc này thể hiện sự tự tin của thí sinh, tuy nhiên, điều này là không nên vì việc đăng ký 1 nguyện vọng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì sau đó các trường còn có khâu hậu kiểm, xem xét các điều kiện cụ thể. Ngược lại, thí sinh cũng không cần thiết đăng ký quá nhiều nguyện vọng vì gây lãng phí. 

Dung Nhi

Theo Anh Nhàn - Trương Mẫn/ PNO

Tin cùng chuyên mục

Nếu thí sinh thực sự mong muốn theo học các trường khối công an, thí sinh phải đăng ký đó là nguyện vọng 1 trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển ngành Quân sự cơ sở năm 2024 của Trường Sĩ quan Lục quân 1 và Trường Sĩ quan Lục quân 2: Đào tạo Đại học: 15,0 điểm; Đào tạo Cao đẳng: 10,0 điểm.
Điểm sàn chỉ với mức 15 điểm cùng nhiều gói học bổng hấp dẫn đang là “điểm nhấn” của các trường đại học tốp dưới nhằm tạo cơ hội cho các thí sinh trong cuộc chạy đua tuyển sinh năm nay.
Các trường ĐH đồng loạt công bố điểm sàn theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Mức điểm nhận hồ sơ được ghi nhận ở các trường hiện dao động từ 15 - 24 điểm. Liệu có ngành nào điểm chuẩn trúng tuyển sẽ bằng với mức điểm nhận hồ sơ?
Hàng loạt ngành học ở nhiều trường đại học tại TP.HCM lấy điểm sàn chỉ từ 15, theo tổ hợp ba môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Trong thời điểm này, một số trường ĐH thông báo tiếp tục nhận đăng ký xét tuyển bằng điểm học bạ và điểm thi đánh giá năng lực trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT ngoài phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này là đúng hay sai?
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề