Xét tuyển ĐH: Có ngành điểm chuẩn dự kiến bằng điểm sàn

Các trường ĐH đồng loạt công bố điểm sàn theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Mức điểm nhận hồ sơ được ghi nhận ở các trường hiện dao động từ 15 - 24 điểm. Liệu có ngành nào điểm chuẩn trúng tuyển sẽ bằng với mức điểm nhận hồ sơ?

Nhiều mức điểm sàn khác nhau

Điểm sàn là mức điểm tối thiểu thí sinh (TS) đủ điều kiện đăng ký xét tuyển, từ thực tế hồ sơ TS nộp vào trường sẽ xác định điểm chuẩn trúng tuyển.

Đến thời điểm này, hầu hết các trường đã công bố điểm sàn nhận hồ sơ. Mức điểm này khác nhau tùy trường, khối ngành đào tạo. Với khối ngành kinh tế, ĐH Kinh tế TP.HCM nhận hồ sơ các ngành cơ sở chính tại TP.HCM từ mức 20 điểm trở lên, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) từ mức 21 điểm trở lên.

Khối ngành công nghệ kỹ thuật, Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM nhận hồ sơ từ 22 điểm cho tất cả các ngành. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM xác định điểm sàn 15 - 17 tùy ngành, riêng 2 ngành đào tạo giáo viên điểm sàn từ 19 (gồm sư phạm tiếng Anh, sư phạm công nghệ). Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM có mức điểm nhận hồ sơ từ 16 - 24 điểm tùy ngành.

Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM có mức điểm dao động từ 18,5 - 21 điểm. Trong đó, 6 ngành nhận hồ sơ từ 21 điểm trở lên gồm: ngôn ngữ Anh, quan hệ quốc tế, tâm lý học, báo chí, truyền thông đa phương tiện, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Trường ĐH Luật TP.HCM nhận hồ sơ từ 20 - 24 điểm.

Xét tuyển ĐH: Có ngành điểm chuẩn dự kiến bằng điểm sàn

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Các trường ĐH đã công bố điểm sàn theo phương thức xét tuyển điểm kỳ thi này. NGỌC DƯƠNG

Một số trường đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe và đào tạo giáo viên xác định điểm sàn cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định chung Bộ GD-ĐT. Trong đó, Trường ĐH Y dược TP.HCM nhận hồ sơ từ 19 điểm trở lên, 2 ngành y khoa và răng - hàm - mặt cùng lấy điểm sàn 24. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhận hồ sơ từ 19 - 24 điểm các ngành đào tạo tại cơ sở chính TP.HCM.

Ngay trong khối trường công lập, nhiều ngành nhận hồ sơ ở mức 15 - 16 điểm. Chẳng hạn, Trường ĐH Công thương TP.HCM có tới 16 ngành (trong tổng số 34 ngành) nhận hồ sơ từ mức 16 điểm. Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có tới 14 trong tổng số 19 ngành có điểm sàn từ mức 15...

Với khối trường tư thục, điểm sàn hầu hết các ngành từ 15 - 20 điểm.

Những ngành dự kiến điểm chuẩn tăng so với điểm sàn

Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết dựa vào ngưỡng đảm bảo đầu vào của Bộ GD-ĐT với các ngành đào tạo giáo viên và tình hình xét tuyển các ngành, trường quyết định tăng điểm sàn 10 ngành lên thêm 1 điểm so với năm ngoái. Trong các ngành tăng điểm sàn năm nay có 9 ngành thuộc khối ngành đào tạo giáo viên. Đáng chú ý, có 3 ngành điểm nhận hồ sơ lên tới 24 điểm gồm: sư phạm toán, sư phạm tiếng Anh và sư phạm ngữ văn. So với ngưỡng điểm sàn chung của Bộ GD-ĐT, các ngành này của trường có điểm sàn cao hơn 5 điểm.

Nói thêm về tình hình điểm chuẩn, thạc sĩ Lê Phan Quốc cho biết năm ngoái trường có 2 ngành điểm chuẩn bằng mức điểm sàn (17 điểm) gồm: sinh học ứng dụng và ngôn ngữ Nga. Các ngành có điểm chuẩn cao hơn điểm sàn không nhiều như: ngôn ngữ Pháp, địa lý học, sư phạm tiếng Nga. Các ngành còn lại hầu hết điểm chuẩn cao hơn sàn 2 - 3 điểm, một số ngành có thể cao hơn sàn 5 - 7 điểm. "TS có điểm thi bằng điểm chuẩn năm ngoái thì mạnh dạn đăng ký", thạc sĩ Quốc nhận định.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết mức điểm nhận hồ sơ các ngành tại cơ sở TP.HCM từ 18 - 19 điểm (ngoại trừ ngành dược học). Trong đó, 2 ngành công nghệ kỹ thuật nhiệt và kỹ thuật xây dựng công trình giao thông điểm chuẩn có thể bằng mức điểm sàn.

Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Thảo Chi, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết năm nay trường dành 40 - 55% tổng chỉ tiêu để xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, các ngành được TS quan tâm nhiều như: ngôn ngữ Anh, truyền thông, báo chí, du lịch, tâm lý học, quan hệ quốc tế…

Nhận định về xu hướng điểm chuẩn năm nay, thạc sĩ Chi phân tích: "Theo phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, không chỉ môn văn mà môn địa lý, lịch sử cũng có mức điểm tăng cao so với năm 2023 và các năm trước. Kéo theo đó, các tổ hợp khối D, C có điểm trung bình tăng, đặc biệt khối C tăng mạnh. Do đó, các ngành thuộc khoa học xã hội nhân văn có sử dụng tổ hợp này để xét tuyển thì điểm chuẩn năm 2024 sẽ tăng so với năm trước, đặc biệt là các ngành xét tuyển bằng tổ hợp khối C00". Dự báo cụ thể hơn xu hướng điểm chuẩn của trường, thạc sĩ Thảo Chi cho biết năm ngoái điểm chuẩn các ngành của trường đều cao hơn mức sàn. Năm nay, phổ điểm thi tăng nên khả năng điểm chuẩn cũng có xu hướng tương tự.

Tiến sĩ Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng thông tin: "Một số ngành của trường dự kiến có điểm chuẩn cao hơn sàn không nhiều như: công nghệ kỹ thuật in, công nghệ kỹ thuật nhiệt, kỹ nghệ gỗ và nội thất, công nghệ kỹ thuật vật liệu, công nghệ kỹ thuật môi trường... Ngược lại, một số ngành dự kiến điểm chuẩn sẽ cao như: logistics và quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô, chương trình kỹ thuật thiết kế vi mạch thuộc ngành điện tử viễn thông, sư phạm tiếng Anh…".

Xét tuyển ĐH: Có ngành điểm chuẩn dự kiến bằng điểm sàn

Thí sinh xem kết quả thi tốt nghiệp THPT. ĐÀO NGỌC THẠCH

Cân nhắc thứ tự nguyện vọng

Thạc sĩ Nguyễn Thảo Chi cho rằng các TS cần cân nhắc khi đăng ký nguyện vọng trên cơ sở xem xét chỉ tiêu và điểm chuẩn các năm trước của ngành mà mình muốn đăng ký xét tuyển. Đặc biệt, với các ngành sử dụng tổ hợp xét tuyển khối C, D, TS nên xem xét thêm điểm chuẩn các năm trước. TS cũng nên có thêm những phương án về nguyện vọng dự phòng là ngành gần hoặc các ngành có cơ hội việc làm tương đối giống nhau.

Thạc sĩ Lê Phan Quốc khuyên: "TS được quyền đăng ký nhiều nguyện vọng và nên phân bổ các nguyện vọng theo 3 nhóm. Cụ thể bao gồm nhóm nguyện vọng mà năm ngoái điểm chuẩn cao hơn, bằng và thấp hơn so với điểm thi của TS". Riêng với TS xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay, thạc sĩ Quốc lưu ý thêm các ngành của trường tại Phân hiệu Long An. "Trường xác định chỉ tiêu riêng nên điểm chuẩn sẽ khác nhau giữa cơ sở chính tại TP.HCM và phân hiệu", thạc sĩ Quốc nói.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, cũng cho biết một số ngành của trường dự kiến điểm chuẩn ở mức sàn hoặc cao hơn sàn không nhiều như: thủy sản, môi trường, công nghệ sinh học… Các ngành còn lại của trường, TS cần tham khảo thêm điểm chuẩn 3 năm gần nhất để có thêm thông tin khi đặt thứ tự nguyện vọng.

Theo Hà Ánh/ Thanh niên

 

Tin cùng chuyên mục

Năm 2025, nhiều trường đại học lớn khu vực phía Nam thông báo bỏ phương án xét tuyển bằng kết quả học tập (học bạ) bậc THPT, vì sao?.
Trường Đại học FPT sẽ bổ sung thêm các ngành học mới, phương thức tuyển sinh mới trong công tác tuyển sinh năm 2025.
Còn có hiện tượng giáo viên, học sinh hiểu một cách cứng nhắc cấu trúc, tính chất của đề tham khảo...
Theo nhiều ý kiến chuyên gia, việc xem xét bãi bỏ hoặc giảm tỷ lệ xét tuyển sớm vào đại học là cần thiết...
Năm 2025, dù có thêm môn tin học và công nghệ trong số các môn khoa học tự nhiên để lựa chọn thi tốt nghiệp THPT nhưng xu hướng học sinh chọn môn khoa học xã hội vẫn cao.
Theo Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Bộ GD&ĐT cần loại bỏ các phương thức tuyển sinh không bảo đảm chất lượng đầu vào và quy định thống nhất các tổ hợp xét tuyển, kiên quyết loại các tổ hợp "lạ".
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.