Vì sao cần chất riêng trong hồ sơ du học Mỹ?

Để chinh phục ĐH tốp đầu Mỹ và học bổng, ứng viên cần có 'chất riêng' trong hồ sơ để trở nên nổi bật và cạnh tranh. Đâu là những điều cần biết để xây dựng yếu tố này, theo chuyên gia?

Hàng trăm bạn trẻ nghe chia sẻ cách đưa "chất riêng" vào hồ sơ du học Mỹ. CHỤP MÀN HÌNH

Cách xác định "chất riêng"

Jenny Huỳnh (Huỳnh Việt Hoàng Vy, 18 tuổi) là một nhà sáng tạo nội dung có hơn 10 triệu người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội. Gần đây, cô đã trúng tuyển vào nhiều ĐH Mỹ hàng đầu như Rice, California tại Irvine... và nổi bật là Stanford, ngôi trường có tỷ lệ chấp thuận là 4%, hiện đứng thứ 3 thế giới theo bảng xếp hạng ĐH tốt nhất toàn cầu của tạp chí U.S. News & World Report.

Nói về thành công này, Jenny Huỳnh cho biết cô đã đưa "chất riêng", tức thương hiệu cá nhân vào bộ hồ sơ ứng tuyển. "Chất riêng" càng đặc biệt và đặc sắc, thì bộ hồ sơ càng cạnh tranh. "Đây phải là điểm nổi bật và mang tính cá nhân, là 'wow factor' (yếu tố thu hút khi lần đầu nhìn thấy) khiến cán bộ tuyển sinh ấn tượng", Jenny Huỳnh chia sẻ trong một buổi hội thảo trực tuyến tổ chức bởi MiYork Education hôm 13.8.

Cũng theo Jenny Huỳnh, "chất riêng" nên xuất phát từ điểm mạnh, đam mê của chính ứng viên. Ngoài ra, ứng viên cũng cần cân nhắc xem nguồn lực từ gia đình, trường học và các tài nguyên xung quanh sẽ giúp mình xây dựng hồ sơ liên quan đến lĩnh vực nào. Từ các yếu tố trên, ứng viên có thể làm tốt các công việc của mình như hoạt động ngoại khóa, cũng như thể hiện trung thực giá trị và thông điệp muốn hướng đến trong hồ sơ.

Học sinh THPT tham gia lập trình trang web cho dự án của trường, một hình thức hoạt động ngoại khóa. NGỌC LONG

"Hãy là chính mình nhất có thể, cũng như đừng sợ lộ ra sự ngộ nghĩnh, buồn cười của bản thân trong bài luận vì đây cũng là 'chất riêng' duy nhất bạn mới có. Chẳng hạn, tôi đã kể lại việc mình thích ghi lại những giấc mơ mỗi buổi sáng hay kinh doanh slime năm 12 tuổi, những thứ có thể 'nhảm' với nhiều người nhưng sẽ ổn nếu liên kết chặt chẽ với các ý tưởng trong bài luận", Jenny Huỳnh bộc bạch.

AI, thuật toán được dùng để loại ứng viên?

Trao đổi với phóng viên, anh Trần Anh Khoa, từng nhận học bổng toàn phần trị giá 320.000 USD (7,6 tỉ đồng) từ ĐH New York phân hiệu Abu Dhabi và hiện là cố vấn viên du học tại MiYork Education, cho biết có nhiều thông tin bên lề từ các trang tin, cựu cán bộ tuyển sinh rằng nhiều ĐH Mỹ đang bắt đầu dùng trí tuệ nhân tạo (AI) và thuật toán để phân loại ứng viên, thậm chí từ chối hồ sơ không phù hợp.

"Tuy nhiên, chưa ĐH nào thực sự lên tiếng xác nhận vì hành động này đi ngược lại cam kết tuyển sinh toàn diện về mặt học thuật, hoạt động ngoại khóa, tài chính, đạo đức... mà các trường đề ra", anh Khoa cho hay.

Vì lẽ đó, anh Khoa khuyên học sinh nên nâng cao thành tích học thuật của mình như điểm trung bình môn trên lớp (GPA), hay điểm các kỳ thi chuẩn hóa như SAT để tránh bị loại từ "vòng gửi xe" bởi AI, thuật toán. "Ngoài ra, nếu nhắm đến các trường ĐH tốp đầu Mỹ như Ivy League, bạn nên có điểm SAT Superscore cạnh tranh ở mức tối thiểu 1520, GPA từ 8.0 trở lên", anh Khoa nêu quan điểm.

Chuyên gia khuyên ứng viên cần tập trung vào thành tích học thuật như GPA, SAT bên cạnh "chất riêng" để chinh phục ĐH tốp đầu Mỹ. PEXELS

Đồng tình với Jenny Huỳnh, anh Khoa cũng cho rằng thương hiệu cá nhân là một yếu tố ứng viên cần chú trọng xây dựng trong hồ sơ, thông qua việc liên kết các thành tích học thuật, hoạt động ngoại khóa, bài luận...

Trước thắc mắc làm sao để kết nối thành tích học thuật vào thương hiệu cá nhân, anh Khoa khuyên ứng viên nên xác định học và ứng dụng kiến thức vượt khỏi phạm vi sách giáo khoa. Chẳng hạn, ứng viên có thể học thêm các khóa trực tuyến đa lĩnh vực trên Coursera, hoặc tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học.

"Khác với các quốc gia như Anh, Úc và Singapore buộc ứng viên phải chọn chuyên ngành trước khi nộp hồ sơ, ở Mỹ, các bạn không cần phải xác định định hướng học thuật từ đầu. Vì thế, việc xây dựng thương hiệu cá nhân cho hồ sơ lúc này thiên về tính cách và nguyện vọng tương lai của chính ứng viên, không nhất thiết liên quan đến chuyên ngành sẽ chọn", anh Khoa nói thêm.

Cơ hội được tư vấn du học miễn phí

Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc điều hành MiYork Education, cho hay đơn vị đang thực hiện chuỗi hội thảo miễn phí "Xây dựng hồ sơ theo ngành nghề" cho những ai có mong muốn du học, với sự tham gia của những diễn giả trúng tuyển học bổng lên tới toàn phần từ những trường danh giá như ĐH Harvard, ĐH Stanford, ĐH Duke, ĐH Quốc gia Seoul...

"Chuỗi hội thảo đi từ những chủ đề chung như cách tìm hoạt động phù hợp với đam mê, năng lực, cách thực hiện dự án tạo tác động xã hội tới những chủ đề về xây dựng hồ sơ theo từng khối ngành nghề như kỹ thuật, y khoa, kinh doanh, khoa học máy tính, tâm lý học, quan hệ quốc tế, nghệ thuật...", chị Tuyết chia sẻ.

Ngoài chuỗi hội thảo, người trẻ Việt cũng có thể tìm đến diễn đàn miễn phí "Tiệm tạp hóa kỹ năng du học" để cập nhật kiến thức du học, cơ hội tham gia các cuộc thi, dự án xã hội. "Chúng tôi cũng mở dự án cố vấn miễn phí để hỗ trợ học sinh đạt học bổng khi du học, với yêu cầu các bạn phải cam kết thực hiện dự án xã hội và hỗ trợ lại cộng đồng như cách mà các bạn được hỗ trợ", nữ giám đốc nói thêm.

Theo Ngọc Long/TNO

Tin cùng chuyên mục

Sau hơn nửa năm kể từ khi công bố yêu cầu mới về tài chính, Úc tiếp tục tăng mức tối thiểu mà du học sinh phải chứng minh để được xét duyệt thị thực du học, lên đến gần 500 triệu đồng.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH này áp dụng với một số đối tượng nhất định, theo thông tin do Hội đồng xét duyệt học bổng Trung Quốc (CSC) thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, gửi đến các công ty tư vấn du học tại Việt Nam vào cuối tháng 4.
Chỉ với một cú pháp đơn giản trên các trang công cụ tìm kiếm: chuyên ngành + “Graduate” + “Assistantship”, bạn có thể dễ dàng tìm thấy hàng trăm hỗ trợ tài chính toàn phần cho chương trình sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ) tại Mỹ.
Nhân kỷ niệm 150 năm thành lập, ĐH Adelaide ưu ái tổ chức nhiều hoạt động dành cho người học Việt Nam, nổi bật là ra mắt chương trình học bổng toàn phần và tiếp tục duy trì nhiều gói học bổng giá trị khác.
Chính quyền, trường ĐH và doanh nghiệp Đài Loan chung tay đào tạo các ngành hot miễn phí cho sinh viên Việt Nam và tạo điều kiện để người học làm việc ngay tại vùng lãnh thổ này sau khi tốt nghiệp.
Với mục đích tăng cường lao động nước ngoài để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực, Đức đang ban hành nhiều chính sách tích cực, trong đó có tạo cơ hội chuyển đổi văn bằng cho ứng viên để làm việc tại quốc gia này.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề