Dữ liệu từ Bộ Nội vụ Úc mới công bố gần đây cho thấy, tính đến hết tháng 4.2024, Việt Nam có tổng cộng 20.511 hồ sơ xin visa du học nước này. Trong số đó, có 13.463 trường hợp được chấp nhận cấp visa du học, chiếm tỷ lệ 78,6%. Đồng nghĩa, 21,4% người Việt đã bị Úc từ chối cấp visa du học trong 10 tháng qua (năm tài chính Úc tính từ đầu tháng 7 năm trước đến hết tháng 6 năm sau - PV).
Mức từ chối này đáng chú ý khi trong 5 năm gần đây, tỷ lệ được chấp nhận cấp visa du học luôn dao động ở mức 91,6-99,7%. Trong 18 năm qua, con số này cũng được duy trì trên 86%, chỉ duy nhất năm tài chính 2009-2010 là ở mức 78,7%, hơn 0,1% so với tỷ lệ hiện tại. Một điểm nổi bật khác là số lượng hồ sơ xin visa du học hiện đã cao hơn năm trước 1.774 đơn, dù năm tài chính 2023-2024 vẫn còn 2 tháng nữa mới khép lại.
Trong số các hình thức du học, giáo dục ĐH là lĩnh vực ghi nhận tỷ lệ được cấp visa du học cao thứ 2 với 90,7%, xếp sau hình thức đứng đầu là du học theo diện được Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc hoặc Bộ Quốc phòng Úc đài thọ (với tỷ lệ 100%). Trong khi đó, giáo dục và đào tạo nghề cùng khóa học tiếng Anh độc lập (không do trường ĐH mở lớp) là 2 lĩnh vực Việt Nam xếp chót bảng về tỷ lệ chấp nhận, lần lượt là 53,2% và 51,6%.
Nhìn chung, xu hướng tại Việt Nam cũng tương tự trên thế giới. Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng cộng 97.942 visa du học Úc được cấp cho sinh viên quốc tế, giảm 38,1% so với cùng kỳ năm 2023 (158.255 visa du học). Trong số đó, 2 lĩnh vực đứng cuối vẫn là du học nghề và du học tiếng Anh, với tỷ lệ nhận visa du học là 50,1% và 75,9%, chỉ cao hơn Việt Nam đáng kể ở hình thức du học tiếng Anh (ở mức 24,3%).
Kết quả của loạt động thái "mạnh tay"
Chuyên trang về giáo dục quốc tế ICEF Moniter bình luận, tỷ lệ từ chối cấp visa du học cao kỷ lục phản ánh tác động thực tế sau khi Úc ban hành chiến lược nhập cư mới vào cuối năm 2023, và sau đó là hàng loạt động thái nhằm cắt giảm số lượng sinh viên quốc tế mà nước này cho là không chân chính như tăng yêu cầu chứng minh tài chính và tiếng Anh, ngăn chặn sinh viên quốc tế trong nước chuyển đổi giữa các loại visa...
Vào đầu tháng 5, Úc tăng yêu cầu chứng minh tài chính khoảng 21%, từ 24.505 AUD lên 29.710 AUD. CHỤP MÀN HÌNH
Chưa kể, dự kiến vào tháng 1.2025, Úc sẽ đặt ra chỉ tiêu tối đa về số du học sinh mà các cơ sở giáo dục được phép tuyển mới ở bậc cử nhân và đào tạo nghề. Trường nào muốn tuyển nhiều hơn quy định phải xây thêm chỗ ở cho sinh viên quốc tế và bản địa. Đây là một trong các điều khoản mới khi Úc thông báo sửa đổi đạo luật Dịch vụ giáo dục cho sinh viên quốc tế (ESOS) trong thời gian tới.
Trước đó, vào cuối tháng 5, Bộ Nội vụ Úc thông báo giới hạn độ tuổi tối đa được xin visa làm việc sau tốt nghiệp (từ 50 xuống 35) với một số bậc học, đồng thời giảm thời gian ở lại làm việc với một số bằng cấp nhất định. Tất cả có hiệu lực từ ngày 1.7 tới. Chưa kể, hồi cuối tháng 3, cơ quan này còn thay thế đơn xin du học bằng một bài thi dành cho sinh viên chân chính.
Những động thái trên khiến Úc ngày càng kém hấp dẫn với du học sinh. Bởi, nhiều khảo sát thời gian qua cho thấy các quốc gia Úc, Anh, Canada không còn là lựa chọn hàng đầu với du học sinh do các thay đổi trong chính sách giáo dục quốc tế về thị thực, quyền làm việc. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và chính phủ Úc, các quy định mới đưa ra nhằm bảo vệ sinh viên quốc tế tốt hơn trong bối cảnh hiện nay.
"Giáo dục quốc tế đã đóng góp 48 tỉ AUD cho nền kinh tế vào năm ngoái, chiếm hơn một nửa tăng trưởng kinh tế của Úc. Chưa kể, hàng thập kỷ làm việc cẩn thận, có chiến lược của các trường ĐH và chính phủ khiến Úc phát triển thành nhà cung cấp giáo dục quốc tế hàng đầu. Chúng ta không thể để công sức này bị lãng phí và sự ổn định là thiết yếu", ông Luke Sheehy, Giám đốc điều hành Universities Australia, nhận định.
Theo thống kê từ Bộ Giáo dục Úc, đến tháng 3.2024, có 687.840 du học sinh theo học các khóa tại Úc. Trong đó, Việt Nam có 32.897 người, xếp thứ 5. Tại các trường hàng đầu, số lượng sinh viên, nghiên cứu sinh người Việt chiếm tỷ lệ đáng kể, khoảng 600 người ở ĐH Melbourne, 400 người ở ĐH Adelaide, hay nằm trong top 10 về số du học sinh ở ĐH Queensland...
Theo Ngọc Long/ Thanh niên