Hôm nay, 1.7, Úc chính thức bắt đầu năm tài chính 2024-2025. Trên trang thông tin visa du học Úc (visa 500), Bộ Nội vụ Úc cũng cập nhật biểu phí mới để ứng tuyển. Theo đó, lệ phí xin visa du học từ 710 AUD nay tăng 225%, lên mức 1.600 AUD (27,1 triệu đồng). Theo chính phủ Úc, mức tăng này sẽ giúp tài trợ cho một số sáng kiến quan trọng cho nền giáo dục nội địa và hoạt động di cư.
Nếu đi cùng thân nhân, người nộp đơn xin visa du học phải đóng thêm khoản phí 1.190 AUD (20,2 triệu đồng) nếu người đi cùng từ 18 tuổi trở lên; 390 AUD (6,6 triệu đồng) nếu dưới 18 tuổi. "Mức tăng trên phản ánh giá trị ngày càng tăng của nền giáo dục ở Úc và cam kết của chính phủ trong việc khôi phục tính toàn vẹn của lĩnh vực giáo dục quốc tế", thông cáo của chính phủ Úc lý giải.
Theo ông Phil Honeywood, Giám đốc điều hành Hiệp hội Giáo dục quốc tế Úc (IEAA), động thái mới của chính phủ là "sự áp đặt quá quắt đối với một lĩnh vực vốn đang phải đối diện với cái chết dần chết mòn". "Những khoản phí xin visa không hoàn lại này khiến chi phí du học Úc cao hơn gấp đôi so với các đối thủ cạnh tranh. Số tiền thu thêm còn không mang lại lợi ích gì cho du học sinh, những người phải chịu chi phí này", ông nói.
"Đây là sự bóc lột tồi tệ nhất với thanh thiếu niên nước ngoài", ông Honeywood nhấn mạnh với tờ Times Higher Education.
Học sinh Việt tìm hiểu cơ hội du học Úc trong một ngày hội tuyển sinh diễn ra hồi tháng 5 tại TP.HCM. NGỌC LONG
Động thái tăng lệ phí xin visa du học Úc diễn ra chưa đầy 2 tháng sau khi chính phủ Úc tăng yêu cầu chứng minh tài chính với du học sinh từ 24.505 AUD lên 29.710 AUD, mức tăng khoảng 21%. Nếu du học sinh đi cùng vợ/chồng hay con cái, yêu cầu chứng minh tài chính cũng tăng với từng đối tượng, từ 8.574 AUD lên 10.394 AUD (vợ/chồng) và từ 3.670 AUD lên 4.449 AUD (con cái).
Loạt quy định khác bắt đầu có hiệu lực
Theo thông cáo của chính phủ Úc, từ 1.7, loạt quy định mới được thông báo trước đó cũng chính thức có hiệu lực. Nổi bật trong số đó là việc ứng viên dưới 50 tuổi học tiến sĩ, thạc sĩ nghiên cứu vẫn được phép xin visa làm việc sau tốt nghiệp tại Úc, nhưng mức này giảm còn dưới 35 với bậc cử nhân, thạc sĩ ứng dụng, đào tạo nghề. Đồng thời, nước này cũng giảm thời gian ở lại làm việc với một số bằng cấp nhất định.
Từ 1.7, Úc cũng ngăn chặn sinh viên quốc tế trong nước chuyển đổi giữa các loại visa, như visa du học (visa 600) và visa làm việc sau tốt nghiệp (visa 485) giờ sẽ không được phép nộp đơn xin visa du học khi đang ở Úc. Trước đó, vào tháng 3, Bộ Nội vụ Úc thay thế đơn xin du học bằng một bài thi dành cho sinh viên chân chính, đồng thời tăng yêu cầu về tiếng Anh với thị thực du học và thị thực tốt nghiệp tạm thời.
Điều này diễn ra trong bối cảnh hơn 21% ứng viên người Việt bị Úc từ chối cấp visa du học trong 10 tháng qua và có khả năng khiến 2023-2024 là năm tài chính đầu tiên Việt Nam chứng kiến tỷ lệ bị Úc từ chối cấp visa du học cao nhất sau 18 năm. Trong số các hình thức du học, giáo dục và đào tạo nghề cùng khóa học tiếng Anh độc lập là hai lĩnh vực xếp chót bảng về tỷ lệ chấp nhận, lần lượt là 53,2% và 51,6%.
Tình hình cấp visa du học Úc cho người Việt trong gần 20 năm qua. NGỌC LONG
Dự kiến từ đầu năm sau, Úc sẽ đặt ra chỉ tiêu tối đa về số du học sinh mà các cơ sở giáo dục được phép tuyển mới ở bậc cử nhân và đào tạo nghề. Trường nào muốn tuyển nhiều hơn quy định phải xây thêm chỗ ở cho sinh viên quốc tế và bản địa. Đây là một trong các điều khoản mới khi Úc thông báo sửa đổi đạo luật Dịch vụ giáo dục cho sinh viên quốc tế (ESOS) trong thời gian tới.
Những động thái trên khiến Úc ngày càng kém hấp dẫn với du học sinh. Bởi, nhiều khảo sát thời gian qua cho thấy các quốc gia Úc, Anh, Canada không còn là lựa chọn hàng đầu với du học sinh do các thay đổi trong chính sách giáo dục quốc tế về thị thực, quyền làm việc. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và chính phủ Úc, các quy định mới đưa ra nhằm bảo vệ sinh viên quốc tế tốt hơn trong bối cảnh hiện nay.
Theo thống kê từ Bộ Giáo dục Úc, đến tháng 3.2024, có 687.840 du học sinh theo học các khóa tại Úc. Trong đó, Việt Nam có 32.897 người, xếp thứ 5. Tại các trường hàng đầu, số lượng sinh viên, nghiên cứu sinh người Việt chiếm tỷ lệ đáng kể, khoảng 600 người ở ĐH Melbourne, 400 người ở ĐH Adelaide, hay nằm trong top 10 về số du học sinh ở ĐH Queensland...
Theo Ngọc Long/ Thanh niên