Lựa chọn học đại học (ĐH) nhưng không có đủ kinh phí, nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn chọn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chi trả học phí.
Nguyễn Văn Kiên (sinh viên năm 3, chuyên ngành công nghệ kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) kể bản thân đã tìm hiểu về chính sách vay vốn sinh viên từ cuối năm lớp 12. Nam sinh viên cho hay: "Ở quê mình, nhiều bạn đã vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để học nên mình biết đến và tìm hiểu. Mình cũng chọn vay ở đó vì nó uy tín, lãi suất thấp khoảng 0,55%/tháng, đồng thời thời gian và chính sách trả nợ cũng rất hợp lý".
Ngân hàng cho phép Kiên vay 20 triệu đồng/học kỳ và duy trì khoản vay đến hết 4 năm học. Văn Kiên có thể trả tiền lãi hàng tháng hoặc trả sau khi kết thúc khóa học 12 tháng. Còn số tiền vay gốc, nam sinh có thể trả sau khi ra trường 12 tháng và cứ 6 tháng trả một lần.
Sinh viên không nên nặng lòng về việc đi vay vì sau khi ra trường và có việc làm, các em mới phải trả lại. Nếu có việc làm lương ổn, sinh viên hoàn toàn có thể trả hết nợ trong 2-3 năm. Còn nếu bây giờ, các em bỏ bê việc học, không thể tốt nghiệp đúng hạn thì mới là chuyện thực sự đáng lo.
Thạc sĩ Võ Tấn Thông, Trưởng phòng Công tác chính trị-sinh viên, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM
Theo Văn Kiên, quá trình xin vay vốn diễn ra khá thuận lợi. "Hồ sơ chủ yếu gồm giấy báo nhập học hoặc giấy xác nhận sinh viên, đơn xin vay vốn và một số giấy tờ tùy thân. Về quy trình, đầu tiên là nộp hồ sơ cho người phụ trách ở xóm, sau đó họ sẽ chuyển lên UBND xã xử lý rồi nộp lên Ngân hàng Chính sách xã hội để hoàn tất thủ tục cho vay", nam sinh viên cho hay.
Văn Kiên (áo sơ mi xanh) nhận học bổng của Quỹ học bổng Đồng Hành. NVCC
Tương tự, Thành Nam (sinh viên năm 3, chuyên ngành công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) cũng đang vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương.
Nam nhớ lại: "Đến mùa nhập học thì thôn, xã hay đi thông báo với các gia đình tân sinh viên có gia cảnh khó khăn về việc vay vốn ở Ngân hàng Chính sách tại địa phương. Mình thấy độ uy tín, số tiền cho vay, lãi suất và thời gian vay, trả đều phù hợp nên đã đi vay. Thủ tục vay vốn cũng dễ dàng nên gia đình mình không gặp khó khăn gì". Sau khi nộp hồ sơ, gia đình Nam vay được 12,5 triệu đồng/học kỳ, tức là 25 triệu đồng/năm học.
Chính sách hỗ trợ vay vốn sinh viên tại Ngân hàng Chính sách xã hội
Đối tượng được vay vốn: Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường ĐH (hoặc tương đương ĐH), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều kiện vay vốn: Sinh viên đang sinh sống trong hộ gia đình cư trú hợp pháp tại địa phương nơi cho vay. Đối với sinh viên năm thứ nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường. Đối với sinh viên từ năm thứ hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học tại trường và không bị xử phạt hành chính trở lên về các hành vi: cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu.
Mức tiền hỗ trợ vay vốn sinh viên: Tối đa là 4 triệu đồng/tháng/sinh viên. Ngân hàng Chính sách xã hội quy định mức cho vay cụ thể đối với học sinh, sinh viên căn cứ vào mức thu học phí của từng trường và sinh hoạt phí theo vùng nhưng không vượt quá mức cho vay quy định này.
Lãi suất hỗ trợ vay vốn sinh viên: 0,65%/tháng. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay. Thời hạn trả nợ: Kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định, đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên.
"Khoản nợ" không phải áp lực mà chính là động lực
Nhờ số tiền được vay, sinh viên không cần "vùi đầu" làm thêm để đóng học phí và chỉ cần làm các công việc vừa sức để có tiền trang trải sinh hoạt phí. Một số sinh viên thì xem việc gánh "khoản nợ" không phải áp lực mà chính là động lực để cố gắng học tập và phát triển bản thân.
Nam sinh viên Nguyễn Văn Kiên bày tỏ: "Khoản nợ này tồn tại là để mình được học ĐH, có cơ hội thay đổi cuộc sống nên mình phải có trách nhiệm với nó. Do đó, mình luôn đặt việc học và trau dồi chuyên ngành lên hàng đầu, để khi ra trường, mình sẽ có công việc tốt và trả được hết nợ". Trong suốt 3 năm học, Kiên đã nỗ lực duy trì kết quả học tập và nhận được học bổng khuyến khích học tập.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác sinh viên, thạc sĩ Võ Tấn Thông, Trưởng phòng Công tác chính trị-sinh viên, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, cho rằng sinh viên đang vay vốn không nên vì áp lực trả nợ mà bỏ quên sức khỏe và việc học.
"Sinh viên không nên nặng lòng về việc đi vay vì sau khi ra trường và có việc làm, các em mới phải trả lại. Nếu có việc làm lương ổn, sinh viên hoàn toàn có thể trả hết nợ trong 2-3 năm. Còn nếu bây giờ, các em bỏ bê việc học, không thể tốt nghiệp đúng hạn thì mới là chuyện thực sự đáng lo", thầy Thông đưa ra lời khuyên.
Một học sinh tham khảo thông tin về chương trình vay vốn để học ĐH. HOÀNG THU THẢO
Thạc sĩ Thông đồng thời lưu ý, năm thứ nhất ĐH rất quan trọng vì đó là bản lề, là bước đà để học tốt các năm sau, nên sinh viên cần chú tâm vào việc học. Đến năm thứ 3, khi đã có một số kiến thức chuyên môn, sinh viên có thể đi thực tập tại các công ty. Như vậy, việc làm thêm vừa kiếm ra tiền, vừa giúp rèn luyện chuyên môn cũng như cách ứng xử.
Thầy Thông chia sẻ thêm: "Sau khi vượt qua hai năm đầu, các em cũng có bản lĩnh hơn nên sẽ đối phó được mọi tình huống. Còn lúc mới vào ĐH, sinh viên thường dễ rơi vào 'bẫy' của những công việc như bán hàng đa cấp hay khởi nghiệp...".
Trường ĐH có chương trình hỗ trợ sinh viên vay vốn không lãi suất
Theo thạc sĩ Võ Tấn Thông, để tránh bị lừa vay nặng lãi, sinh viên nên tham khảo thông tin các hình thức vay vốn trên website chính thống của các trường ĐH, đặc biệt là ở phòng công tác sinh viên và trung tâm hỗ trợ sinh viên.
Bên cạnh Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều trường ĐH cũng có những chương trình hỗ trợ vay vốn cho sinh viên.
Điển hình, thầy Tấn Thông cho biết, sinh viên Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM có thể vay vốn không lãi suất từ 3 nguồn khác, bao gồm: Quỹ Phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM; Chương trình bảo lãnh vay và hỗ trợ lãi suất dành cho sinh viên đóng học phí của cộng đồng cựu sinh viên Phú Thọ - Bách khoa (BKA); Quỹ Hỗ trợ sinh viên Bách khoa (nhà trường phối hợp với Ban Liên lạc cựu sinh viên cơ khí CK82 tổ chức).
Trong đó, chương trình bảo lãnh vay và hỗ trợ lãi suất dành cho sinh viên đóng học phí của BKA cho vay tối đa 15 triệu đồng/học kỳ đối với mọi đối tượng sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Đặc biệt, nếu sinh viên có kết quả học tập từ 8.0/10 và rèn luyện từ 90/100 trong thời gian bảo lãnh vay sẽ được chương trình xem xét tặng học bổng bằng 100% hoặc 50% khoản vay. Còn Quỹ Hỗ trợ sinh viên Bách khoa sẽ hỗ trợ sinh viên hệ chính quy, có hoàn cảnh khó khăn vay 12 triệu đồng/học kỳ trong suốt 4 năm học.