Những tiết học kỹ năng sinh tồn ở trường

Thoát hiểm trong đám cháy nhà cao tầng, phòng chống đuối nước... là những tiết học kỹ năng sinh tồn được nhiều trường học TPHCM đẩy mạnh trang bị cho học sinh trong năm học này.

“Khi thoát hiểm từ nhà cao tầng, một tay các em phải nắm vào dây, một tay đẩy tường để tránh va chạm” -  nghe tiếng anh cảnh sát cứu hỏa vang lên, Nguyễn Đình Chân Như (lớp 10A14, Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1) hít một hơi thật sâu, mạnh dạn trải nghiệm kỹ năng “lần đầu trong đời” thoát hiểm từ tòa nhà 4 tầng.

Đây là tiết học "Một ngày làm lính cứu hỏa" được Trường THPT Bùi Thị Xuân lần đầu đưa vào triển khai trong năm học 2023-2024, hướng đến trang bị kỹ năng sinh tồn cho hơn 2.100 học sinh nhà trường.

“Em vừa lo, vừa run nhưng động viên bản thân mình phải học để có kỹ năng. Các vụ cháy chung cư gần đây gây ra nỗi sợ rất lớn trong xã hội. Việc được trang bị các kỹ năng thoát hiểm như thế này là cực kỳ cần thiết, để nếu như bản thân mình rơi vào tình huống bất thường nào đó cũng sẽ không bị hoảng loạn, có kỹ năng thoát ra và hỗ trợ người thân mình” - Như nói sau khi đã đáp xuống đất an toàn.

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân học kỹ năng thoát hiểm từ nhà cao tầng

Bước ra từ nhà mô hình huấn luyện đa năng với tình huống thoát nạn trong đám cháy, Thanh Tân (lớp 10A15) cùng các bạn vẫn chưa hết bàng hoàng. Bạn chia sẻ: Dù chỉ là một tình huống giả định nhưng cảm giác rất sợ hãi. Căn phòng tối om, chỉ toàn khói mù mịt, không thấy gì cả, thỉnh thoảng có những đám cháy giả. “Do đã được các chú cảnh sát hướng dẫn từ trước, em và các bạn sẽ ngồi sát xuống dưới đất, một tay dò đường hoặc đặt lên vai bạn phía trước, một tay bịt miệng để tìm hướng ra ngoài”.

“Hôm nay trải nghiệm em biết được thực tế khi có cháy xảy ra thì sẽ như thế nào. Thực sự, nếu rơi vào tình huống đó, nếu bản thân không có kỹ năng thì chắc chắn sẽ dễ hoảng loạn. Đây là khóa học rất bổ ích với em và các bạn” - Thanh Tân nói. 

Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân - cho biết, thoát hiểm trong đám cháy, phòng cháy chữa cháy là các kỹ năng sinh tồn hết sức cần thiết mà trường học phải chịu trách nhiệm trang bị cho học sinh. Nhà trường sẽ đưa nội dung này thành hoạt động giáo dục thường niên để thành kỹ năng thuần thục cho học sinh. Nhờ đó, nếu có tình huống bất trắc xảy ra các em sẽ bình tĩnh ứng phó, không hoang mang. Hơn nữa, mỗi học sinh sẽ trở thành một tuyên truyền viên hướng dẫn các kỹ năng này cho gia đình, nâng cao nhận thức trong xã hội…

Năm học này, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng yêu cầu các trường phải đưa nội dung giáo dục phòng cháy chữa cháy cho học sinh, giáo viên vào chương trình giáo dục ngoại khóa một cách có hiệu quả, không chỉ dừng ở việc trang bị kiến thức thuần túy.

Riêng với việc trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước, ông Dũng cho biết TPHCM phấn đấu đưa phổ cập bơi vào trường học. Hiện, bơi trở thành môn học bổ trợ được nhiều trường tiểu học, trung học đưa vào giảng dạy trong năm học này.

Học sinh tiểu học TPHCM học bơi trong trường học

Cô Hoàng Thị Hảo - Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) - cho biết, năm nay song song với tổ chức các chuỗi chuyên đề hàng tuần giáo dục kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho học sinh tại trường, trường cũng sẽ tổ chức các khóa học bơi từ 5-10 tuần, cuốn chiếu cho từng khối lớp, hướng đến phổ cập bơi cho 100% học sinh toàn trường.

Tại các trường tiểu học, ngoài bơi còn đẩy mạnh việc giáo dục cho học sinh các chương trình học kỹ năng phòng chống xâm hại, hướng dẫn học sinh không đi theo, không nhận quà của người lạ.

Cô Đỗ Ngọc Chi - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) - cho biết, nội dung phòng chống xâm hại, kỹ năng ứng phó tình huống gặp người lạ được trường thường xuyên tổ chức trong các buổi sinh hoạt đầu tuần. Trường mời chuyên gia, phối hợp với các đơn vị công an để tuyên truyền, hướng dẫn. Giáo viên chủ nhiệm cũng thường xuyên nhắc nhở trẻ trong các buổi sinh hoạt, nhắc nhở phụ huynh để cùng giáo dục.

Thoát hiểm từ đám cháy

Cảnh sát phòng cháy chữa cháy hướng dẫn học sinh cách sử dụng dây an toàn khi thoát hiểm

Công an TPHCM muốn đưa chương trình "Một ngày làm lính cứu hỏa" trở thành hoạt động giáo dục thường niên trong trường học

Đại úy Đỗ Ngọc Đức - Bí thư Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Cứu nạn cứu hộ, Công an TPHCM - thông tin, trong khóa học "Một ngày làm lính cứu hỏa", học sinh sẽ được hướng dẫn các kỹ năng sinh tồn như nhận diện đám cháy; thoát hiểm trong môi trường nhiều khói, khí độc; thoát hiểm nhà cao tầng, thoát hiểm trong môi trường chật, hẹp; cách sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ để xử lý đám cháy mới phát sinh; trải nghiệm cầm lăng, vòi chữa cháy như những người lính cứu hỏa thực thụ…

Đại úy Đức nhấn mạnh, việc trang bị cho học sinh kỹ năng, kiến thức phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ là hết sức cần thiết trong bối cảnh tình hình cháy nổ trên địa bàn cả nước nói chung và TPHCM nói riêng thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp. Qua đó, khi xảy ra sự cố, mỗi học sinh có thể tự cứu chính bản thân mình. Các em cũng sẽ là cánh tay nối dài tuyên truyền đến phụ huynh, thầy cô, xã hội về tầm quan trọng của công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.

“Thời gian qua, Công an TPHCM rất quan tâm, chỉ đạo tổ chức các chương trình trang bị kỹ năng phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho học sinh từ mầm non, thông qua các chương trình huấn luyện, trải nghiệm một ngày làm lính cứu hỏa. Mong muốn làm sao đưa chương trình này trở thành một chương trình giáo dục ngoại khóa thường niên của mỗi nhà trường và là một sân chơi kỹ năng bổ ích cho học sinh thành phố” - đại úy Đức nói. 

Theo Quốc Trung/ PNO

Tin cùng chuyên mục

Cần làm gì để có thể "vá" lại những "lỗ hổng" về kỹ năng sống mà một bộ phận người trẻ đang gặp phải?
Không ít quan điểm cho rằng nhiều người trẻ hiện nay thiếu kỹ năng sống. Nhìn nhận này liệu có chính xác?
Thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn, tham gia giao thông an toàn, không đi theo người lạ, phòng chống đuối nước...
Nhịp sống, sinh hoạt ở đô thị, cách học trên giảng đường… khiến không ít tân sinh viên bỡ ngỡ khi vừa rời quê lên thành phố.
Trên các diễn đàn mạng xã hội, bên cạnh những băn khoăn về việc chọn ngành, chọn trường đại học, nhiều học sinh còn quan tâm đến hình thức vay vốn sinh viên ưu đãi lãi suất từ các ngân hàng.
Hạn chế nghỉ ngơi và thư giãn, liên tục kiểm tra điện thoại, nói “có” với mọi thứ là những dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc chứng nghiện căng thẳng.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề