Úc tăng yêu cầu tối thiểu về tài chính với du học sinh

Tăng yêu cầu tối thiểu về tài chính hay loại bỏ khả năng 'nhảy' chương trình học từ sớm là những chính sách mới của Úc nhằm bảo đảm quyền lợi cho sinh viên quốc tế.

Học sinh Việt tìm hiểu về du học Úc trong một ngày hội thông tin tổ chức hồi tháng 8.2023. NGỌC LONG

Ngăn nạn trục lợi du học sinh

Chính phủ Úc hôm 26.8 thông báo sẽ tăng yêu cầu tối thiểu về tài chính trong quy trình cấp thị thực du học. Cụ thể, số dư sổ tiết kiệm mà du học sinh phải có đang đặt ở mức 21.041 AUD (gần 340 triệu đồng). Nhưng từ ngày 1.10, con số này sẽ tăng khoảng 17%, lên 24.505 AUD (hơn 380 triệu đồng). Điều này nhằm đáp ứng thời "bão giá" đang diễn ra tại Úc, theo tờ SBS.

Chính phủ Úc cũng "vá" lại lỗ hổng chính sách về hình thức học song song (concurrent study), quy định cho phép sinh viên quốc tế đăng ký thêm nhiều khóa học ngắn hạn bổ sung bên cạnh chương trình chính. Thực tế, nửa đầu năm 2023 ghi nhận có 17.000 lượt đăng ký học song song. Đây là mức tăng rõ rệt so với khoảng 10.500 lượt trong cùng kỳ năm 2019 và 2022 cộng lại.

Tuy nhiên, có lo ngại rằng sinh viên quốc tế tham gia chương trình này đã từ bỏ khóa học chính để theo đuổi các khóa đào tạo nghề rẻ hơn, hoặc trực tiếp đi làm trước khi thị thực du học cho phép. Dữ liệu của Bộ Giáo dục Úc cũng cho thấy từ năm 2018 đến 2021, phần lớn trong số 21.000 sinh viên quốc tế chọn học song song đều từ bỏ khóa ban đầu sau tháng đầu tiên, theo tờ The Sydney Morning Herald.

Từ thực tế trên, chính sách mới không còn cho phép các tổ chức giáo dục tạo giấy xác nhận ghi danh song song (concurrent confirmation of enrolment). Điều này đồng nghĩa với việc loại bỏ hình thức học song song dành cho sinh viên quốc tế. Quyết định có hiệu lực ngay lập tức, tuy nhiên sẽ không ảnh hưởng đến những du học sinh đã đăng ký học song song, theo Bộ Giáo dục Úc.

Sinh viên quốc tế tại một trường ĐH hàng đầu ở Úc. THE UNIVERSITY OF MELBOURNE

Ngoài ra, có cáo buộc cho rằng các công ty tư lẫn trường CĐ nghề đã trục lợi từ việc du học sinh chuyển khóa học. "Có những bên tinh ranh và vô đạo đức đang cố gắng lợi dụng sinh viên quốc tế. Chính sách mới sẽ giúp đảm bảo tính toàn vẹn của hệ thống giáo dục quốc tế, đồng thời trấn áp các đơn vị lừa đảo", Bộ trưởng Bộ Giáo dục Úc Jason Clare tuyên bố.

Cũng theo chính phủ Úc, các tổ chức giáo dục có rủi ro cao sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn để ngăn chặn lừa đảo. Song song đó, những dịch vụ giáo dục kém chất lượng, được đánh giá dựa trên tỷ lệ đơn đăng ký lừa đảo và tỷ lệ bị từ chối thị thực, có thể bị đình chỉ. Khoảng 200 đơn vị hiện có tỷ lệ sinh viên bị từ chối cấp thị thực cao hơn 50%.

Động thái trên diễn ra sau khi Úc khôi phục số giờ làm thêm của du học sinh là 24 giờ/tuần hồi tháng 7, thay vì không giới hạn như trước. Vì thế, việc yêu cầu sinh viên quốc tế có khoản tiết kiệm lớn hơn, đồng thời hạn chế khả năng "nhảy" chương trình học từ sớm nhằm đảm bảo người học có khả năng trang trải cuộc sống, tránh nguy cơ bị bóc lột do phải gấp rút tìm việc khi giá cả tăng cao.

Có thể tạo thêm cơ hội định cư?

Theo trang The PIE News, Úc cũng đang xem xét ban hành nhiều biện pháp tiếp theo trong quy định nhập cư ngoài các chính sách kể trên để tăng cường sự toàn vẹn trong hệ thống giáo dục quốc tế, một "mặt hàng" xuất khẩu được các quan chức nước này đánh giá là lớn thứ 4. Kế hoạch tổng thể dự kiến công bố vào cuối năm 2023.

Một lễ hội dành cho du học sinh gốc Ấn được ĐH Úc tổ chức. THE UNIVERSITY OF ADELAIDE

Đáng chú ý, Úc có thể cho phép du học sinh định cư tại nước này thông qua giáo dục, khi chính phủ đang tìm cách mở rộng lực lượng lao động. Cụ thể, yêu cầu về thư trình bày kế hoạch học tập (genuine temporary entrant), vốn là một phần của đơn xin thị thực du học nhằm xác định sinh viên quốc tế chỉ đến Úc tạm thời để học tập, có thể thay đổi.

Hiện chính phủ Úc chưa lên tiếng xác nhận thông tin, nhưng truyền thông nước này dự đoán bài thi mới sẽ được giới thiệu vào đầu năm 2024.

Trước đó, Bộ Nội vụ Úc hồi tháng 7 đã từ chối bài thi TOEFL trên internet (TOEFL iBT) trong quá trình cấp thị thực, đến nay (30.8) chưa có cập nhật mới. Những chứng chỉ tiếng Anh khác vẫn được chấp nhận là IELTS, PTE, CAE, OET, tất cả chỉ áp dụng với hình thức thi trực tiếp tại trung tâm khảo thí của đơn vị tổ chức.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục Úc, tính đến tháng 5.2023, có 608.942 sinh viên quốc tế theo học các chương trình tại nước này. Trong đó, Việt Nam có tổng cộng 23.525 du học sinh, xếp thứ 6 sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Colombia và Philippines.

Theo Ngọc Long/TNO

Tin cùng chuyên mục

Xét tuyển học sinh Việt Nam bằng điểm bài thi chuẩn hóa là động thái mới từ ĐH Quốc gia Úc (ANU), sau nhiều năm chỉ nhận ứng viên học ở 92 trường chuyên, trường điểm.
Chính phủ Hungary sẽ cấp tối đa 200 suất học bổng cho công dân Việt Nam để theo học tại Hungary ở các lĩnh vực: Khoa học Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học, Bán dẫn, Khoa học dữ liệu, Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo, Giáo dục, Kinh tế, Khoa học y tế và sức khỏe, Nông nghiệp, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Khoa học xã hội và Nhân văn, Luật, Kiến trúc, Thú y và Khoa học thể thao.
Cục Hợp tác quốc tế - Bộ GD -ĐT cho biết năm 2025 Chính phủ Trung Quốc sẽ cấp 34 chỉ tiêu học bổng cho công dân Việt Nam đi đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tại Trung Quốc theo diện Hiệp định.
Châu Âu đang trở thành điểm đến hấp dẫn sinh viên Việt Nam nhờ hệ thống giáo dục chất lượng cao, chi phí học tập hợp lý, đặc biệt là cơ hội miễn hoặc giảm học phí. Với chương trình đào tạo nghề tại nhiều quốc gia, người học không chỉ được miễn học phí mà còn được trả lương từ 800-1.200 euro/tháng.
Du học sinh Việt ngoài được miễn học phí và nhận trợ cấp 1.000 euro/tháng khi học nghề Điều dưỡng, còn có nhiều cơ hội việc làm sau tốt nghiệp vì lĩnh vực này đang thiếu lao động.
Hơn 10.000 thư mời nhập học của sinh viên quốc tế từ các trường cao đẳng và đại học Canada đã bị phát hiện là có khả năng giả mạo trong năm nay, theo thông tin từ quan chức di trú phụ trách sinh viên quốc tế ở nước này.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.