Tuyển vét hàng chục ngàn chỉ tiêu

Hôm qua (8/9) là thời điểm cuối cùng để thí sinh xác nhận trúng tuyển đợt 1 và nhập học nhưng đến giờ G, nhiều trường đại học phía Nam vẫn chưa đủ chỉ tiêu, buộc lòng phải tiếp tục tuyển bổ sung đợt 2.

ThS. Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công Thương TPHCM cho hay, tính đến ngày 8/9, tỉ lệ xác nhận nhập học của thí sinh vào trường là 89%. “Với tỉ lệ này, nhà trường tiếp tục xét tuyển bổ sung đợt 2 thêm vài trăm chỉ tiêu ở 8/33 ngành học. Thời gian nhận bổ sung kéo dài đến 15/9”, ông Sơn nói.

Tại Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, kết thúc đợt 1, Trường chỉ có khoảng 60% thí sinh xác nhận nhập học. “Tỉ lệ này tương đối thấp và thấp hơn cả năm trước, do đó trường tiếp tục tuyển bổ sung thêm 30 chỉ tiêu ở 10/10 ngành học”, ThS. Cao Quảng Tư, giám đốc Trung tâm Tuyển sinh cho hay. Tỷ lệ tương tự tại Trường ĐH Gia Định là gần 68%. TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh -Truyền thông cho hay trường tiếp tục tuyển thêm 450 chỉ tiêu ở 15 ngành học.

Thí sinh nhập học tại một trường đại học ở TPHCM. Ảnh: Nguyễn Dũng

Kết thúc đợt 1, Trường ĐH Công nghệ TPHCM tuyển được 95% của 2.500 chỉ tiêu. Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông cho biết, số còn lại tập trung ở một số ngành có ít người theo học như Công nghệ sinh học, Quản lý tài nguyên và môi trường, Công nghệ dệt may,… và trường tiếp tục tuyển bổ sung đợt 2.

Theo thống kê, trước khi kết thúc xác nhận nhập học ngày 8/9, có gần 80 trường đại học, chiếm khoảng 1/3 tổng số trường đại học trên cả nước, thông báo xét tuyển bổ sung với tổng chỉ tiêu gần 30.000. Con số các trường xét tuyển bổ sung có thể còn tăng thêm sau kết thúc thời gian thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học tại trường.

"Quay xe" do mệt mỏi vì chờ đợi

Theo TS.Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐHQG TPHCM, vấn đề tuyển sinh năm nay vẫn còn tồn tại tình trạng ảo và chưa thể giải quyết triệt để như mong muốn của Bộ GD&ĐT và của các trường ở các năm qua, đặc biệt là số trường phải tuyển bổ sung còn nhiều, thậm chí nhiều trường tuyển không đến 50% chỉ tiêu trong khi có trường lại tuyển vượt.

Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn đã tiến hành khảo sát để tìm hiểu nguyên nhân thí sinh trúng tuyển nhưng bỏ nhập học. Ông Tư cho biết, qua khảo sát, trường nhận thấy có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là thời gian xét tuyển kéo dài, thời gian xác nhận trúng tuyển và nhập học lại trúng kỳ nghỉ lễ kéo dài khiến nhiều thí sinh mệt mỏi, dẫn đến việc tìm hướng đi mới như theo học cao đẳng, chọn trường quốc tế ít thủ tục hoặc du học. Cũng có trường hợp bỏ đợt 1 để tìm cơ hội học ngành và trường yêu thích ở đợt tuyển bổ sung.

Theo Nguyễn Dũng/TPO

Tin cùng chuyên mục

Nếu thí sinh thực sự mong muốn theo học các trường khối công an, thí sinh phải đăng ký đó là nguyện vọng 1 trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển ngành Quân sự cơ sở năm 2024 của Trường Sĩ quan Lục quân 1 và Trường Sĩ quan Lục quân 2: Đào tạo Đại học: 15,0 điểm; Đào tạo Cao đẳng: 10,0 điểm.
Điểm sàn chỉ với mức 15 điểm cùng nhiều gói học bổng hấp dẫn đang là “điểm nhấn” của các trường đại học tốp dưới nhằm tạo cơ hội cho các thí sinh trong cuộc chạy đua tuyển sinh năm nay.
Các trường ĐH đồng loạt công bố điểm sàn theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Mức điểm nhận hồ sơ được ghi nhận ở các trường hiện dao động từ 15 - 24 điểm. Liệu có ngành nào điểm chuẩn trúng tuyển sẽ bằng với mức điểm nhận hồ sơ?
Hàng loạt ngành học ở nhiều trường đại học tại TP.HCM lấy điểm sàn chỉ từ 15, theo tổ hợp ba môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Trong thời điểm này, một số trường ĐH thông báo tiếp tục nhận đăng ký xét tuyển bằng điểm học bạ và điểm thi đánh giá năng lực trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT ngoài phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này là đúng hay sai?
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề