Tuyển sinh đại học năm 2023: Lưu ý cách tính mới về cộng điểm ưu tiên

Theo quy chế tuyển sinh đại học mà Bộ GD-ĐT ban hành, từ năm 2023, thí sinh đạt tổng điểm 3 môn xét tuyển từ 22,5 điểm trở lên sẽ có điểm cộng ưu tiên giảm dần.

Từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng từ 22,5 điểm trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ không còn được cộng tối đa, mà được xác định theo công thức giảm tuyến tính.

Việc thay đổi trong tính điểm ưu tiên này, theo Bộ GD-ĐT, nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau.

Cụ thể, mức điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng từ 22,5 điểm trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định bằng công thức:

Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.

Như vậy, đối với các em đạt từ 22,5 điểm trở lên, điểm ưu tiên của các em sẽ được giảm dần đều cho đến khi điểm thi là 30 điểm thì điểm ưu tiên bằng 0. 

Thí sinh cần lưu ý cách tính mới về cộng điểm ưu tiên. Ảnh minh họa.

Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, qua thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT của vài năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên (chiếm 25% tổng số thí sinh tốt nghiệp) luôn có phổ điểm tổng 3 môn cao hơn hẳn so với các nhóm thí sinh còn lại (nhóm được cộng điểm ưu tiên ở các mức độ khác nhau).

Sau khi cộng điểm ưu tiên theo quy định trước đây, tỷ lệ thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 22,5 điểm của nhóm đã cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên.

Điều này chứng tỏ việc cộng điểm ưu tiên đã tạo sự công bằng, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho những nhóm thí sinh có điều kiện khó khăn hơn.

Tuy nhiên, phân tích dữ liệu cho thấy có sự bất hợp lý là tỷ lệ các thí sinh đạt điểm cao từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được ưu tiên lại tăng vọt, cao hơn hẳn (ở nhiều mức điểm thậm chí tỷ lệ này cao gấp đôi) so với nhóm thí sinh không thuộc diện ưu tiên.

Điều này dẫn tới sự mất công bằng khi các thí sinh tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành, các trường có mức độ cạnh tranh cao; thậm chí dẫn tới hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho hay: “Đối với các thí sinh đạt điểm càng cao, điểm ưu tiên càng giảm, tránh được hiện tượng như những năm trước, có thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm, hoặc trường hợp những thí sinh ở khu vực 3 có điểm thi rất cao nhưng vẫn không trúng tuyển do sự cạnh tranh ở những ngành có điểm trúng tuyển cao là rất lớn.

Việc điều chỉnh trên không chỉ giải quyết vấn đề có trường hợp thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm, mà còn tạo sự công bằng ở nhóm điểm cao khi cạnh tranh vào các ngành và các trường hàng đầu".

Cũng theo bà Thủy, trong khi đó, kết quả phân tích quá trình học tập trong trường đại học cho thấy, nhóm sinh viên trúng tuyển do được cộng điểm ưu tiên có kết quả học tập thấp hơn so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên.

Điều này cho thấy sự không công bằng giữa 2 nhóm đối tượng thí sinh, và các trường, đặc biệt là các trường tốp đầu với các ngành hàng đầu, cũng không lựa chọn được các thí sinh có thực lực tốt để đào tạo.

Thống kê cũng cho thấy, ở nhiều ngành có mức độ cạnh tranh cao thì tỷ lệ thí sinh không được cộng điểm ưu tiên trúng tuyển rất thấp, trong khi nhóm này có thực lực học tốt hơn nhóm được cộng điểm ưu tiên.

Theo bà Thủy, việc điều chỉnh giảm dần đều điểm ưu tiên khi thí sinh đạt từ 22,5 điểm trở lên này không chỉ áp dụng với các thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, mà còn với tất cả các phương thức xét tuyển khác.

Các trường khi tính điểm ưu tiên cho thí sinh để xét tuyển cần phải quy đổi ra thang điểm tương đương để xác định mức điểm ưu tiên phù hợp.

Các trường đại học vẫn có thể xét tuyển sớm

Bà Thủy cho biết thêm, với các trường xét tuyển sớm, thí sinh cũng không nên quá ái ngại. 

“Trong hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh năm vừa rồi, chúng tôi có khuyến cáo các trường nếu không cần thiết thì không cần xét tuyển sớm. Bởi cuối cùng, tất cả học sinh đều đăng ký vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên, theo quy chế, các trường hoàn toàn được quyền tổ chức xét tuyển sớm. Việc cung cấp thông tin cho thí sinh khi xét tuyển xong chỉ là tạm thời hoặc trúng tuyển có điều kiện. Do đó, các trường vẫn có thể tổ chức xét tuyển sớm bình thường nếu như có nhu cầu”.

Bà Thủy lưu ý thí sinh, dù có hoàn thành kỳ xét tuyển sớm thì cũng không có nghĩa rằng các em đã được nhận chính thức vào trường đại học đó mà vẫn cần phải hoàn tất các thủ tục trên hệ thống chung theo quy định.

Theo Thanh Hùng/ Vietnamnet

Tin cùng chuyên mục

Học sinh lớp 12 trên cả nước có 5 ngày để thử đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2024, từ 24/4 đến hết 28/4.
Thí sinh được Hiệu trưởng giới thiệu để ưu tiên tuyển thẳng vào đại học phải là thuộc nhóm 5 học sinh giỏi, có điểm trung bình cộng 3 năm THPT cao nhất trường.
Ngày 23/4, Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Gia Định TP.HCM công bố điểm chuẩn đạt điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm đối với 53 ngành/chuyên ngành trong đợt tháng 4/2024.
Đa số các trường đại học tại TP.HCM nhận hồ sơ xét tuyển từ 600-700 điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, thang điểm tối đa là 1.200.
Năm nay, điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM được sử dụng để xét tuyển vào 105 cơ sở đào tạo ĐH và CĐ trong cả nước. Thí sinh xét tuyển bằng phương thức này cần lưu ý những quy định khác nhau về điểm sàn, quy định riêng của các trường và các ngành.
Bộ Công an đã có thông báo về phương án đổi mới công tác tuyển sinh văn bằng 2. Theo đó, phương án đổi mới được chia thành 2 giai đoạn: từ năm 2024 - 2025 và từ năm 2026 trở đi.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề