Từ 1.7, Úc điều chỉnh độ tuổi tối đa được xin visa làm việc sau tốt nghiệp

Ứng viên dưới 50 tuổi học tiến sĩ, thạc sĩ nghiên cứu vẫn được phép xin visa (thị thực) làm việc sau tốt nghiệp tại Úc, nhưng mức này giảm còn dưới 35 với bậc cử nhân, thạc sĩ ứng dụng và đào tạo nghề.

Thông báo mới nhất của Bộ Nội vụ Úc về quyền làm việc sau tốt nghiệp. CHỤP MÀN HÌNH

Thông báo được đưa ra hôm 27.5 trên website của Bộ Nội vụ Úc và chính thức có hiệu lực từ 1.7 tới. Theo chính phủ Úc, đây là một phần trong loạt thay đổi đối với visa làm việc sau tốt nghiệp (visa 485) từng công bố trong chiến lược di cư hồi tháng 12.2023.

Liên tục đưa ra thay đổi

Trước đó, trong chiến lược di cư, Úc thông báo sẽ giới hạn độ tuổi tối đa được xin visa làm việc sau tốt nghiệp, từ 50 xuống 35, áp dụng với tất cả bậc học, ngoại trừ các ứng viên giữ hộ chiếu Hồng Kông và Anh. Song, trong thông báo mới nhất, Úc loại trừ bậc tiến sĩ và thạc sĩ nghiên cứu. "Đây là tin vui giữa thời kỳ biến động", tiến sĩ Trần Thị Lý, giáo sư tại ĐH Deakin (Úc), nhận xét trên LinkedIn.

Theo The PIE News, chuyên trang giáo dục quốc tế, việc Úc đảo ngược một chính sách đã công bố là tin tốt hiếm hoi cho ngành giáo dục quốc tế của Úc, nhất là khi chính phủ nước này vừa thông báo sửa đổi đạo luật Dịch vụ giáo dục cho sinh viên quốc tế (ESOS). Trong đó, ĐH Úc dự kiến chỉ được tuyển du học sinh theo chỉ tiêu từ đầu năm 2025 và chính phủ sẽ đặt ra các hạn chế lớn hơn với những công ty tư vấn du học.

Một thay đổi khác là Bộ Nội vụ Úc đổi tên 2 diện ứng tuyển thuộc visa làm việc sau tốt nghiệp, từ Graduate work, Post-study work thành Post-vocational education work (làm việc sau giáo dục nghề), Post-higher education work (làm việc sau giáo dục ĐH). Từng diện ứng tuyển có thời hạn khác nhau, dao động từ 18 tháng đến 3 năm, cũng như yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ khác nhau.

Học sinh Việt Nam nghe đại diện trường ĐH Úc tư vấn trong một ngày hội tuyển sinh tổ chức giữa tháng 5.2024. NGỌC LONG

Ngoài ra, Úc còn đưa ra nhiều thay đổi quan trọng khác, gồm tăng mức lương tối thiểu để được bảo lãnh, từ 53.900 AUD lên 70.000 AUD/năm (1,1 tỉ đồng) nhằm đáp ứng xu hướng hiện nay tại Úc; chấm dứt diện ứng tuyển Replacement (thay thế) áp dụng trong giai đoạn Covid-19; hay cho phép người giữ hộ chiếu Hồng Kông hay Anh có thể ở lại đến 5 năm.

Giảm thời gian ở lại làm việc

Trên website, Bộ Nội vụ Úc cũng thông báo sẽ giảm thời gian ở lại làm việc với một số bằng cấp nhất định, có hiệu lực từ ngày 1.7. Cụ thể, ứng viên học tiến sĩ và thạc sĩ ứng dụng chỉ còn được ở lại lần lượt là 3 và 2 năm, giảm 1 năm so với trước đây. Tuy nhiên, ứng viên học cử nhân, thạc sĩ nghiên cứu vẫn giữ nguyên thời gian ở lại, lần lượt là 2, 3 năm. Thời gian ở lại cũng được cộng thêm 1-2 năm tùy theo khu vực học.

Hồi đầu tháng 5, Bộ Nội vụ Úc cũng tăng yêu cầu tối thiểu về tài chính trong quy trình cấp thị thực du học khoảng 21%, từ 24.505 AUD (gần 410 triệu đồng) lên 29.710 AUD (gần 497 triệu đồng). Hồi cuối tháng 3, cơ quan này thay thế đơn xin du học bằng một bài thi dành cho sinh viên chân chính, đồng thời tăng yêu cầu về tiếng Anh với thị thực du học và thị thực tốt nghiệp tạm thời.

Những động thái trên khiến Úc ngày càng kém hấp dẫn với du học sinh. Bởi, nhiều khảo sát thời gian qua cho thấy các quốc gia Úc, Anh, Canada không còn là lựa chọn hàng đầu với du học sinh do các thay đổi trong chính sách giáo dục quốc tế về thị thực, quyền làm việc. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và chính phủ Úc, các quy định mới đưa ra nhằm bảo vệ sinh viên quốc tế tốt hơn trong bối cảnh hiện nay.

Theo Ngọc Long/ Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Bộ Giáo dục Anh vừa công bố dữ liệu cho thấy số lượng học sinh bị đình chỉ học tập trong năm học 2022-2023 đã tăng cao kỷ lục, hơn 787.000.
Từ năm 2024, nhiều trường học tại Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông... đồng loạt tăng học phí với du học sinh vì nhiều nguyên nhân. Đã có trường hợp sinh viên biểu tình phản đối trước động thái này.
Nằm trong khuôn khổ chương trình INTENSE (chương trình đặc biệt giáo dục tài năng công nghiệp quốc tế) của Đài Loan, một số trường CĐ, ĐH đã ký kết hợp tác với trường ĐH ở Đài Loan để cấp học bổng đào tạo người học ở lĩnh vực bán dẫn và tài chính.
Nhiều quy định khác của chính phủ Úc nhằm thắt chặt thị thực (visa) cũng bắt đầu có hiệu lực, như hạn chế tình trạng nhảy visa, điều chỉnh độ tuổi tối đa được xin visa làm việc sau tốt nghiệp hay giảm thời gian ở lại làm việc khi du học Úc.
Nếu con số trên tiếp tục duy trì đến hết tháng 6 này thì 2023-2024 sẽ là năm tài chính đầu tiên Việt Nam chứng kiến tỷ lệ bị Úc từ chối cấp visa du học cao nhất sau 18 năm.
Dữ liệu từ cơ quan giáo dục Nhật Bản cho thấy người Việt ngày càng kém mặn mà với du học Nhật, khi du học sinh liên tục giảm và lần đầu đứng thứ 3 về số lượng sau 9 năm duy trì vị trí số 2.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề