Trường ĐH Bách khoa TP.HCM kéo dài thời gian nộp lệ phí xét tuyển

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vừa có thông báo kéo dài thời gian nộp lệ phí đăng ký cho phương thức xét tuyển tổng hợp.

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM kéo dài thời gian nộp lệ phí xét tuyển

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM lần đầu tiên sử dụng phương thức xét tuyển tổng hợp để tuyển sinh. H.A.

Để hỗ trợ thí sinh, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vừa có thông báo kéo dài thời gian nộp lệ phí xét tuyển cho phương thức xét tuyển tổng hợp (phương thức 5 theo đề án tuyển sinh của trường).

Theo đó, trường kéo dài thời gian nộp lệ phí đến hết ngày 31.8, thay vì kết thúc vào hôm qua (28.8) như thông báo ban đầu.

Thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường bằng phương thức tổng hợp sẽ nộp lệ phí xét tuyển trực tiếp về trường, với 25.000 đồng/nguyện vọng. Trường sẽ thực hiện khấu trừ phần lệ phí xét tuyển với những thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực trước đó.

Thí sinh sẽ nộp lệ phí theo 4 bước cụ thể gồm:

Bước 1: Thí đăng nhập vào cổng tuyển sinh của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tại địa chỉ mybk.hcmut.edu.vn >> Đăng ký xét tuyển sinh ĐH-CĐ >> trang chủ >> Xét tuyển tổng hợp.

Bước 2: Khai báo “số nguyện vọng” đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tại cổng của Bộ GD-ĐT và nhấn nút “xác nhận”.

Bước 3: Thanh toán số tiền nộp lệ phí (nếu có) theo nội dung trong mục “Thông tin thanh toán”.

Bước 4: Nộp biên lai nộp lệ phí lên cổng tuyển sinh của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tại mục “Hồ sơ ảnh >> Minh chứng nộp tiền”.

Năm nay lần đầu tiên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM áp dụng phương thức xét tuyển tổng hợp gồm nhiều tiêu chí, cho 75-90% tổng chỉ tiêu. Phương thức tuyển sinh này gồm 3 thành tố với trọng số gồm: học lực 90%, thành tích cá nhân 5%, hoạt động xã hội và văn thể mỹ 5%. Riêng về học lực thì điểm kỳ thi đánh giá năng lực có trọng số từ 50-70%, điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT 20-30% và học lực THPT chiếm 10-20%. Trong trường hợp thí sinh không dự thi đánh giá năng lực, Hội đồng tuyển sinh trường sẽ cân nhắc dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để thay thế (với một tỷ lệ quy đổi nhất định) và ngược lại.

Trước đó, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM công bố điểm sàn xét tuyển cho phương thức tuyển sinh này gồm 3 cột điểm. Cụ thể, thí sinh cần đạt điểm kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức từ 650/1.200 điểm; Kết quả thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp xét tuyển 3 môn trở lên đạt từ 18/30 điểm; Kết quả học tập THPT (điểm học bạ), đạt từ 18/30 điểm (18 điểm là trung bình tổng điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển trong 3 năm học THPT của thí sinh).

Theo Hà Ánh/TNO

Tin cùng chuyên mục

Học sinh lớp 12 trên cả nước có 5 ngày để thử đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2024, từ 24/4 đến hết 28/4.
Thí sinh được Hiệu trưởng giới thiệu để ưu tiên tuyển thẳng vào đại học phải là thuộc nhóm 5 học sinh giỏi, có điểm trung bình cộng 3 năm THPT cao nhất trường.
Ngày 23/4, Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Gia Định TP.HCM công bố điểm chuẩn đạt điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm đối với 53 ngành/chuyên ngành trong đợt tháng 4/2024.
Đa số các trường đại học tại TP.HCM nhận hồ sơ xét tuyển từ 600-700 điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, thang điểm tối đa là 1.200.
Năm nay, điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM được sử dụng để xét tuyển vào 105 cơ sở đào tạo ĐH và CĐ trong cả nước. Thí sinh xét tuyển bằng phương thức này cần lưu ý những quy định khác nhau về điểm sàn, quy định riêng của các trường và các ngành.
Bộ Công an đã có thông báo về phương án đổi mới công tác tuyển sinh văn bằng 2. Theo đó, phương án đổi mới được chia thành 2 giai đoạn: từ năm 2024 - 2025 và từ năm 2026 trở đi.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề