Thông tin nóng về đề thi tốt nghiệp THPT: 25% câu hỏi phân hóa

 Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sắp diễn ra là một áp lực đối với nhiều thí sinh, vì năm 2022 có hơn 47% thí sinh nhập học đại học (ĐH) bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Hôm qua, tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp 2023 do báo Tuổi trẻ TPHCM phối hợp các đơn vị tổ chức, PGS. TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ có 75% nội dung ở mức nhận biết, thông hiểu. Học sinh học chắc kiến thức cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, là có thể đạt 75% điểm số của bài thi. Còn lại 25% nội dung đề thi ở mức vận dụng, vận dụng cao có tính phân hóa là căn cứ để các cơ sở đào tạo ĐH sử dụng như một trong các phương thức xét tuyển. Ông Chương lưu ý, thí sinh cần bám sát đề thi minh họa được Bộ GD&ĐT đã công bố để có định hướng ôn tập. Bộ GD&ĐT dự kiến công bố kết quả thi tốt nghiệp từ ngày 17-19/7.

Thí sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh để nắm bắt thông tin về ngành nghề đào tạo. Ảnh: Mạnh Thắng

Đối với tuyển sinh ĐH 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), cho biết điểm mới của năm nay là thí sinh chỉ đăng ký nguyện vọng theo ngành, không phải đăng ký phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển như những năm trước. Đây là điều chỉnh về mặt kỹ thuật để tránh cho thí sinh bị nhầm lẫn khi phải đăng ký nguyện vọng vào nhiều tổ hợp, phương thức xét tuyển khác nhau như đã xảy ra năm 2022.

Bà Thủy lấy ví dụ minh họa, một thí sinh muốn đăng ký ngành Công nghệ thông tin vào trường nào đó thì chỉ cần đăng ký mã ngành, trường, không cần đăng ký tổ hợp, phương thức xét tuyển. Thí sinh chỉ cần nhập lên hệ thống các minh chứng cần thiết, ngoài dữ liệu điểm THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD&ĐT cập nhật sẵn, như chứng chỉ ngoại ngữ, điểm thi đánh giá năng lực hay điểm thi đánh giá tư duy (nếu có)... Phần mềm sẽ xử lý để xác nhận thí sinh trúng tuyển vào một nguyện vọng, một phương thức được xếp ưu tiên cao nhất mà thí sinh đủ điều kiện đỗ.

Trúng tuyển sớm vẫn phải đăng ký lên hệ thống chung

Một điểm bà Thủy lưu ý thí sinh là sau khi trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm, vẫn phải đăng ký nguyện vọng này và các minh chứng lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT theo thứ tự ưu tiên của thí sinh. Năm 2022, Vụ Giáo dục ĐH đã phải giải quyết rất nhiều trường hợp rủi ro do thí sinh không đăng ký các nguyện vọng trúng tuyển sớm lên hệ thống. Bởi đó là trúng tuyển tạm thời hoặc trúng tuyển có điều kiện, khi đó thí sinh chưa thi và tốt nghiệp THPT (chưa đủ điều kiện để vào đại học). Vì vậy, sau khi thi tốt nghiệp, các em phải đăng ký các nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.

Cũng như mọi năm, thí sinh chỉ trúng tuyển duy nhất 1 nguyện vọng và sẽ dừng ở nguyện vọng trúng tuyển, không xét tiếp các nguyện vọng sau. Do đó, thí sinh cần đặt nguyện vọng yêu thích nhất lên trên để có cơ hội trúng tuyển cao nhất. Vì khi đã trúng tuyển nguyện vọng nào, kể cả không nhập học cũng không được xét tuyển tiếp các nguyện vọng tiếp theo...

Tuy nhiên, theo bà Thủy, thứ tự nguyện vọng chỉ có ý nghĩa ưu tiên đối với thí sinh. Còn với cơ sở đào tạo, các nguyện vọng của thí sinh đều bình đẳng. Tại Ngày hội, nhiều phụ huynh băn khoăn không biết nên đăng ký nguyện vọng thế nào. Có phụ huynh chia sẻ, con đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm nhưng chưa phải là nguyện vọng mong muốn nhất. Vậy khi đăng ký lên hệ thống của Bộ GD&ĐT, con đặt nguyện vọng yêu thích lên trên, nguyện vọng đã trúng tuyển bên dưới, nếu không trúng tuyển nguyện vọng yêu thích, nguyện vọng đã trúng tuyển có được bảo lưu?

Trả lời câu hỏi này, PGS Nguyễn Thu Thủy nêu ví dụ, thí sinh trúng tuyển 5 nguyện vọng theo các phương thức xét tuyển sớm của các trường nhưng thí sinh lại không đặt nguyện vọng 1 lên hệ thống mà nguyện vọng 1 là phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và đỗ cả phương thức này thì hệ thống sẽ chỉ xác định thí sinh đỗ nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Còn nếu không đỗ, hệ thống sẽ “trượt xuống” xét các nguyện vọng tiếp theo ở tất cả các phương thức và chỉ dừng lại khi thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào đó. Như vậy, hệ thống sẽ xét từ trên xuống theo thứ tự ưu tiên.

Bộ GD&ĐT sắp ban hành hướng dẫn tuyển sinh ĐH 2023. Đây là căn cứ để các cơ sở đào tạo đưa ra kế hoạch, đề án tuyển sinh phù hợp.

Theo Nghiêm Huê/TPO

Tin cùng chuyên mục

Nếu thí sinh thực sự mong muốn theo học các trường khối công an, thí sinh phải đăng ký đó là nguyện vọng 1 trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển ngành Quân sự cơ sở năm 2024 của Trường Sĩ quan Lục quân 1 và Trường Sĩ quan Lục quân 2: Đào tạo Đại học: 15,0 điểm; Đào tạo Cao đẳng: 10,0 điểm.
Điểm sàn chỉ với mức 15 điểm cùng nhiều gói học bổng hấp dẫn đang là “điểm nhấn” của các trường đại học tốp dưới nhằm tạo cơ hội cho các thí sinh trong cuộc chạy đua tuyển sinh năm nay.
Các trường ĐH đồng loạt công bố điểm sàn theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Mức điểm nhận hồ sơ được ghi nhận ở các trường hiện dao động từ 15 - 24 điểm. Liệu có ngành nào điểm chuẩn trúng tuyển sẽ bằng với mức điểm nhận hồ sơ?
Hàng loạt ngành học ở nhiều trường đại học tại TP.HCM lấy điểm sàn chỉ từ 15, theo tổ hợp ba môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Trong thời điểm này, một số trường ĐH thông báo tiếp tục nhận đăng ký xét tuyển bằng điểm học bạ và điểm thi đánh giá năng lực trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT ngoài phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này là đúng hay sai?
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề